Kỷ niệm 74 năm Ngày mất của nhà chí sĩ Phan Bội Châu

Thứ Năm, 23/10/2014, 08:06
Ngày 22/10 (tức ngày 29 tháng 9 năm Giáp Ngọ), tại Nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, UBND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cùng gia tộc họ Phan phối hợp với Ban Quản lý di tích danh thắng tổ chức kỷ niệm 74 năm Ngày mất của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Tới dự có lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đại diện gia tộc họ Phan, các thầy cô giáo và các em học sinh 2 trường THPT Sào Nam và Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Cụ Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 tại làng Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho. Ông thuộc thế hệ cuối cùng của các sĩ phu Cần Vương, được giác ngộ tư tưởng mới và trở thành người cầm đầu một phong trào yêu nước và cách mạng, đi đầu trong phong trào dân tộc suốt 20 năm đầu thế kỷ XX. Không chỉ là một nhà cách mạng, cụ Phan còn là một nhà thơ, nhà văn yêu nước. Di sản thơ ca của cụ để lại cho đời là một khối lượng khổng lồ với hàng nghìn trước tác trên tất cả các thể loại văn, thơ, phú, câu đối, văn bia, kịch bản, tuồng. Trong đó phải kể đến các tác phẩm nổi tiếng như “Việt Nam vong quốc sử”, “Tân Việt Nam”, “Việt Nam quốc sử khảo”, “Tuồng Trưng Trắc”…

Ngày 30/6/1925, cụ Phan bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải (Trung Quốc) rồi giải về nước, đem xử ở tòa Đề hình Hà Nội, sau đó đưa cụ về an trí ở Huế. Khi đã là ông già bến ngự, cụ vẫn chan chứa biết bao nỗi niềm ưu ái, hy vọng tin tưởng vào thế hệ trẻ, vào sự thành công của cách mạng. Sáng 29-10-1940, tức ngày 29 tháng 9 năm Canh Thìn, cụ đã nhẹ gót quy tiên tại căn nhà tranh ở dốc bến Ngự, thành phố Huế

Theo TTXVN
.
.
.