Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Hoài Thanh (1909 - 2009)

Thứ Sáu, 10/07/2009, 09:46
Như những nén nhang thơm nhớ về nhà văn lớn trong kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoài Thanh, mỗi bài viết đều ghi nhận tài năng phê bình kiệt xuất, tấm gương sống trung thực và lao động nghệ thuật bền bỉ của ông.

Ngày 9/7, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Hoài Thanh (1909 - 2009) do Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện gia đình nhà văn Hoài Thanh, Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam, Viện Văn học Việt Nam và nhiều nhà văn, bạn đọc yêu mến Hoài Thanh...

"Tinh tế và uyên bác" là những từ được nhắc nhiều trong lễ kỷ niệm.

Các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình đã có những bài tham luận sâu sắc về nhà văn lớn Hoài Thanh với quan điểm đồng nhất: ông là nhà văn hóa, nhà phê bình văn học có thẩm quyền, một cây bút sắc sảo trên hầu hết báo chí đương thời ở hàng loạt lĩnh vực văn học, xã hội, lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa v.v…

Không ai vượt qua được Hoài Thanh trong xếp loại và tôn vinh Thơ mới với sự xuất thần và hào sảng, đến độ, ông được coi là một kiến trúc sư của một thời đại thi ca đã đi vào quá khứ, một thời đại thi ca mới đang hình thành.

Nhà văn Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) đã nói về Hoài Thanh với tất cả sự kính trọng: "Ông đã chân thành và trung thực đến cùng trong yêu mê và say Thơ mới; ông cũng chân thành và trung thực đến cùng trong phủ định Thơ mới và Thi nhân Việt Nam, khi nhận ra một chân lý nào đó.

Ông là người chủ trương chuyên đi tìm cái hay để bình chứ không phê; và bình với lối viết nhỏ nhẹ, tinh tế và tài hoa, đầy chất văn. Ông cũng là người kiên trì trên con đường đi tìm chân lý văn chương - học thuật. Trong kiếm tìm, Hoài Thanh đã không tự đánh mất bản thân".

Họa sĩ Vũ Giáng Hương đã mang đến buổi lễ nhiều kỷ niệm êm đềm về "bác Hoài Thanh", khi ông là người đã dẫn dắt, chỉ bảo cho bà từ những bước chập chững trong đời sống nghệ thuật và đã có sức ảnh hưởng không nhỏ cho thành công của bà trên con đường sự nghiệp.

Họa sĩ Vũ Giáng Hương nhấn mạnh: Hoài Thanh đã đọc hàng vạn bài thơ của hàng ngàn thi sĩ, để chọn ra được những tác giả tiêu biểu. Điều trân trọng ở Hoài Thanh là ông đã nhìn ra tài năng của nhiều nhà thơ hàng đầu trước cách mạng, mà không phải ai cũng nhìn thấy được như ông: Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Nhược Pháp v.v…

Với cách nhìn của mình, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng: Hoài Thanh là nhà lý luận, phê bình Việt Nam lỗi lạc bậc nhất thế kỷ XX. Ở giai đoạn nào ông cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp văn học của đất nước.

Như những nén nhang thơm nhớ về nhà văn lớn trong kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoài Thanh, mỗi bài viết đều ghi nhận tài năng phê bình kiệt xuất, tấm gương sống trung thực và lao động nghệ thuật bền bỉ của ông.

Tất cả đã đóng góp đáng kể vào tiến trình vận động của tư duy lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong quĩ đạo hiện đại hóa, hội nhập, mà vẫn giữ được tinh thần, cốt cách dân tộc Việt Nam. Cùng với thời gian, chân dung văn học của Hoài Thanh ngày càng rạng rỡ và tỏa sáng!

Thanh Hằng
.
.
.