Kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Trần Văn Cẩn

Thứ Tư, 04/08/2010, 11:14
Sáng 3/8, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh danh họa Trần Văn Cẩn.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW; Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Lê Tiến Thọ; đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT TW; đại diện một số ban, ngành và bà quả phụ Trần Thị Hồng của họa sĩ Trần Văn Cẩn đã đến dự.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994), quê Hải Phòng. Từ trước cách mạng, ông đã cùng thế hệ họa sĩ đương thời như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung v.v… tạo nên những tác phẩm hội họa hiện đại giai đoạn đầu ở Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, ông đã có nhiều sáng tác phục vụ kháng chiến. Những sáng tác của ông có giá trị lớn trong sự nghiệp mỹ thuật của Việt Nam. Hàng trăm bức họa của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bộ sưu tập trong và ngoài nước, một ngàn tác phẩm còn được lưu giữ tại nhà gia đình họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW tặng hoa bà quả phụ Trần Văn Cẩn.

Là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội 15 năm liền, 25 năm làm Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông còn có nhiều đóng góp cho việc đào tạo mỹ thuật Việt Nam. Thành tựu của ông là niềm tự hào của giới mỹ thuật Việt Nam. Ông xứng đáng với danh hiệu đã được tặng: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà giáo nhân dân và Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm CHDC Đức, cùng nhiều Huân, Huy chương cao quí.

Ngày 14/7/2010, HĐND TP Hà Nội đã nhất trí đặt tên một đường phố mang tên Trần Văn Cẩn, ghi nhận sự đóng góp to lớn của danh họa với Thủ đô.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tô Huy Rứa đánh giá cao những đóng góp quan trọng của họa sĩ Trần Văn Cẩn và khẳng định: "Toàn bộ cuộc đời sáng tạo của danh họa Trần Văn Cẩn đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông đã cùng nhiều họa sĩ cùng thời thể nghiệm và sáng tạo từ chất liệu sơn ta để làm tranh sơn mài, từ đó sơn mài trở thành chất liệu hội họa nổi tiếng, mang đặc trưng của nghệ thuật hội họa dân tộc Việt Nam".

Đồng chí Tô Huy Rứa cũng ghi nhận ý kiến của bà quả phụ Trần Thị Hồng về việc cấp một ngôi nhà để làm nhà tưởng niệm và lưu trữ những bức họa của họa sĩ Trần Văn Cẩn

Dạ Miên
.
.
.