Kỳ họp thứ 7 Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương: Công tác lý luận phê bình cần được làm thường xuyên, cẩn trọng

Thứ Sáu, 30/08/2013, 09:18
Ngày 29/8, Hội đồng lý luận, phê bình (LLPB) văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương đã tổ chức kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh nội dung trọng tâm thảo luận của kỳ họp: Mở lớp bồi dưỡng LLPB VHNT cho cán bộ quản lý, lực lượng phê bình VHNT; rà soát các chuyên đề phù hợp, thu hút những người tâm huyết tham gia thực hiện triển khai đề án “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam –thực tiễn và định hướng phát triển”; chủ đề, phạm vi, cách tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “VHNT trong 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 – Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp”; phát huy vai trò tư vấn, tham mưu và tham gia tích cực trong đấu tranh chống quan điểm sai trái trong VHNT; biện pháp thúc đẩy công tác hỗ trợ sáng tạo các tác phẩm LLPB VHNT…

Thời gian qua, Hội đồng LLPB VHNT đã mở 2 lớp tập huấn “Quan điểm của Đảng về VHNT và hoạt động phê bình VHNT” cho 360 học viên ở 61 tỉnh, thành và 23 cơ quan, đơn vị báo chí; phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức hội thảo “Tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam”. Hội đồng cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc vào quí IV/2013: “VHNT trong 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 – Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp”; phối hợp với Bộ TT-TT tổ chức hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2013 vào tháng 9 tại Đà Nẵng; chủ động, tích cực tham gia chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực VHNT…

Các đại biểu tham dự kỳ họp của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương.

Các đại biểu cũng bàn bạc về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là các đề án chưa có tính khả thi, chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ chưa phù hợp, nên ảnh hưởng đến sự phát triển VHNT. Đặc biệt, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức về văn hóa khi hội nhập sâu, nên đòi hỏi những giải pháp phù hợp. Muốn có tác phẩm đỉnh cao, cần phải xây dựng chính sách đặc thù cho văn nghệ sĩ.

Một vấn đề được bàn thảo nhiều tại kỳ họp, là công tác LLPB VHNT thời gian qua còn yếu, chưa thường xuyên mà theo “thời vụ”, cách phê bình chưa đúng nên bị một số nhà phê bình gọi là “phê bình kiểm dịch”, “phê bình chỉ điểm”. Vì thế, cần làm sáng rõ chúng ta đang thiếu tài năng.

Nhà phê bình Nguyễn Hòa e ngại trước việc truyền bá văn hóa đang diễn ra: Đài truyền hình thì nói Trần Hưng Đạo là một trong “tứ bất tử” của Việt Nam, báo chí lại nói tứ linh là “Long ly qui hổ”. Vì thế, đề nghị Hội đồng nên có thảo luận và tư vấn, tránh khủng hoảng văn hóa. Nhà phê bình Nguyễn Hòa cũng cho rằng, cần quan niệm tác phẩm đỉnh cao là sống được với thời gian, đọng lại trong công chúng. Tác phẩm đỉnh cao cần tài năng, chứ đầu tư không phải là yếu tố quyết định. Khi bàn về văn học đỉnh cao phải có vai trò của người làm LLPB.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đưa ra một thực tế: hàng loạt diễn viên ở Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ vừa chuyển sang Nhà hát Quân đội vì được đãi ngộ hơn, cho thấy, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với văn nghệ sĩ có tuổi, để tạo điều kiện cho nghệ sĩ trẻ phát triển. Ông cũng băn khoăn: sau khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nêu ý kiến, có cả một cơn “Đại hồng thủy” phản ứng lại ông, nhưng đã không có người làm LLPB lên tiếng.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước kiến nghị: hội thảo tới nên hướng vào những vấn đề thiết thực: đánh giá đúng thực trạng, khó khăn và kiến nghị; ít đề cập những cái riêng. Vấn đề hiện nay là văn hóa đọc. Chúng ta không có tác phẩm đỉnh cao, nhưng những tác phẩm có “vấn đề” lại bán chạy. Vấn đề quan trọng để phát triển VHNT, là phải xã hội hóa và nghệ thuật hóa, biết tiếp cận thị trường: Ở các lĩnh vực sân khấu, truyền hình, xuất bản vv… tư nhân đều sống khỏe.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh: Điều quan trọng trong phê bình VHNT là cuộc đấu tranh tư tưởng. Thời gian tới, Hội đồng tập trung mọi mặt để tổ chức tốt hội thảo “VHNT trong 15 năm thực hiện Nghị quyết  TW 5”; Tổ chức thành công các chuyên đề, đề án; đôn đốc hỗ trợ sáng tạo hiệu quả và phối hợp tốt với các hội chuyên ngành để tổ chức các hội thảo về VHNT

Thanh Hằng
.
.
.