Kiếm tiền sạch, tiêu tiền hợp lý

Thứ Hai, 13/06/2005, 06:05

Khi kiếm ra đồng tiền bằng chính mồ hôi nước mắt của mình thì người ta thường không tiêu chúng một cách thiếu văn hóa. Kiếm tiền bẩn thì nhìn chung cũng sẽ tiêu tiền bẩn, tiêu một cách vô văn hóa.

Đất nước ta đang sống trong thời buổi kinh tế thị trường, cùng với những tiến bộ và thành tựu về kinh tế mà nó đem lại, người dân đã dần cải thiện được đời sống, đã không còn cảnh phải xếp hàng để đong từng hột gạo, từng mớ rau. Chúng ta không thể phủ nhận được những lợi ích mà nó đã mang lại, nhưng bên cạnh đó, kinh tế thị trường cũng mang đến cho xã hội nhiều hệ lụy của nó. Đó là những gì vậy? Xin thưa, đó là sự xuống cấp về đạo đức, đó là sự gia tăng đến chóng mặt của các tệ nạn xã hội. Tại sao vậy? Theo tôi, một trong những nguyên nhân này nằm ở cái văn hóa trong cách kiếm tiền và tiêu tiền. Vậy văn hóa kiếm tiền và văn hóa tiêu tiền là gì, tại sao nó lại có ảnh hưởng lớn đến như vậy trong xã hội?

Văn hóa kiếm tiền

Khi nói đến văn hóa kiếm tiền, chúng ta liên tưởng ngay đến việc kiếm tiền trong sạch, đạo đức, bằng chính mồ hôi nước mắt của mình, còn ngược lại là những đồng tiền bẩn.

Dễ nhận thấy đồng tiền vô văn hóa - những đồng tiền bẩn, là những đồng tiền có được nhờ buôn lậu, ăn cướp, lừa đảo, cờ bạc. Nhưng cũng có những đồng tiền bẩn khó nhận ra, thoạt nhìn thì có vẻ vô hại, được chấp nhận như là "lẽ thường tình", nhưng thực tế nó còn mang lại nhiều hậu quả xấu và nguy hiểm hơn cả những đồng tiền kia. Đó là những đồng tiền có được nhờ gian lận.

Tính chất nguy hiểm của kiểu kiếm tiền gian lận là càng ngày nó càng có nguy cơ phát triển hơn. Trong một cuộc hội nghị về chống gian lận thương mại của tỉnh nọ, bàn về việc một số nông dân trộn bột đá vào hạt điều rồi bán để được tăng trọng lượng, có một vị cán bộ đã phát biểu một câu xanh rờn "miễn sao người nông dân có lợi là được rồi". Không hiểu khi phát biểu như vậy, ông Phó chủ tịch huyện kia có nhìn ra rằng, khi người nông dân kiếm tiền bằng cách gian lận như vậy thì các nhà sản xuất chết, kèm theo chất lượng hàng xuống cấp, khi đấy khách hàng nước ngoài sẽ từ chối không mua nữa, khách hàng không mua nữa thì các nhà máy đóng cửa, còn người nông dân của ông thì lúc đấy lấy gì ra để mà sống.

Chắc chúng ta chưa quên chuyện nhét đinh vào tôm, bán gà chết, thối vì đã nhiễm bệnh v.v... Một số người trong ngành Xây dựng cũng phải nhảy vào cho "bằng chị, bằng em" bằng cách ăn cắp, ăn bớt vật tư xi măng, sắt thép, nhà mới xây xong đã không mấy ai dám vào ở...

Giao thông công chính tại một số đô thị thì thay cột đèn liên tục, phân luồng rồi lại bỏ, xây rồi lại phá, đào bới tùm lum, trồng cây tiền tỷ, để cho chết để còn tiếp tục trồng lại kiếm thêm mớ nữa.

Còn một kiểu kiếm tiền bẩn "hạng sang" nhưng không mấy ai thừa nhận khi chưa bị đưa vào vòng lao lý, đó là kiếm tiền theo kiểu tham ô, tham nhũng, "làm luật" của một số công chức.

Văn hóa tiêu tiền

Tiêu tiền thế nào là việc của mỗi người, nhưng việc tiêu tiền thế nào cho có văn hóa lại là một chuyện khác, là biểu hiện trình độ của một nền giáo dục gia đình.

Việc tiêu tiền một cách không có văn hóa thường mang lại bất hạnh cho chính kẻ tiêu tiền. Tất nhiên, chúng ta không loại trừ có những người đã kiếm tiền sạch nhưng lại thiếu chăm nom giáo dục con cái khiến chúng tìm mọi cách rút tiền sạch để tiêu xài một cách bẩn thỉu. Nhiều người đã quen với tư tưởng "con dại cái mang", cha mẹ lúc nào cũng phải cưng chiều con cái, chính vì thế nên họ chỉ lo cho con cái làm sao cho bằng bạn bằng bè, nhưng điều quan trọng nhất là phải dạy cho con cách tự lập, cách tiêu tiền có văn hóa thì họ lại không lo.

Tôi có một người bạn khá thành đạt, anh thường kể cho tôi rằng: "Bố tôi, một doanh nhân cũng được gọi là có tiếng, dù cả gia đình tôi sống ở nước ngoài nhưng cũng chưa bao giờ cho tôi quá số tiền đủ để ăn sáng khi tôi còn bé. Đến khi tôi lớn, ông cũng mua cho tôi một chiếc ôtô để tự đi học, nhưng cũng chỉ là loại cà tàng thôi. Khi ấy tôi cũng đòi ông mua cho tôi chiếc xe đẹp hơn nhưng ông nói với tôi rằng, nếu bố mua cho con chiếc xe đẹp hơn thì chỉ biến con thành miếng mồi của kẻ xấu thôi, bố sẽ không cho con tiền đâu, cái mà bố cho con đó là hành trang văn hóa để vào đời. Và khi ấy, để có tiền cho những chi phí khác, tôi đã phải đi rửa xe, lúc đó tôi mới nhận thấy rằng làm ra tiền thật khó".

Nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ thấy con cái của những triệu phú và tỷ phú cũng phải đi rửa chén quét nhà để lấy tiền đóng học phí. Ngay đến Bill Gates khi làm di chúc cũng chỉ để lại cho con mình một phần tài sản rất nhỏ trong tài sản của mình

Thạc sỹ Hoàng Tùng
.
.
.