Không thể mãi cười nhạo “tình già”

Thứ Tư, 22/09/2004, 18:07
Những vở hài về “tình già” ngày càng xuất hiện nhiều trên sân khấu nhưng nội dung gần như nhau và tỏ ra quá giản đơn khi đề cập đến tình cảm và cuộc sống của những người cao tuổi.

Tình yêu vốn không có tuổi. Văn học nghệ thuật đã không ngần ngại khai thác những mối tình đầy cảm động của những cặp vợ chồng "rổ rá cạp lại" khi mái đầu bạc trắng, như tìm đến một điểm tựa lúc xế chiều. Những mối "tình già" vẫn đầy đủ cung bậc của chữ yêu mà đôi khi những người trẻ tuổi đọc tới phải ngạc nhiên và nhận ra đó không còn là "đặc quyền" của mình nữa. Bởi thế, tình già hay tình trẻ, nếu chân thật, thì vẫn cứ đẹp và đáng ngợi ca…

Nhưng theo dõi một số chương trình hài mới thấy, "tình già" trong các tiểu phẩm dày đặc, đầy chất bi kịch và thấy người già thật “bi” khi bị… mổ xẻ thành những câu chuyện mang đầy màu sắc tấu hài.

Năm 2003, người ta đã thấy sự xuất hiện của tình già trong tiểu phẩm của Anh Vũ và Ngọc Giàu. Tạm hiểu là một mối tình thuở hoa niên rồi bị cách trở và chia cách, về già họ gặp lại nhau và… âu yếm lẫn ngọt ngào. Nghe nói, tiểu phẩm này đã "thắng đậm" trong nhiều ngày tại các tụ điểm, sân khấu trong TP.HCM.  

Thế nhưng, chương trình sau lại là một dị bản nữa của thể loại tình già này, tất nhiên được sửa sang cho khác, đó chính là Hữu Châu và Minh Nhí. Cười thì vẫn cười đấy, nhưng khán giả vẫn thắc mắc, sao nó có vẻ… gần nhau quá.  

Sang năm nay khán giả lại gặp một dị bản tình già mới, đó là tiểu phẩm của hai nghệ sỹ Bảo Quốc và Hồng Vân. Hai tuần sau, nhóm Hữu Phước lại tung tiếp một tình già nữa lên sân khấu. Vẫn cười được, dù phải nghe căng cả tai vì các nghệ sỹ nói giọng miền Tây quá khó nghe. Rồi lại thấy, kỳ thực nó vẫn cùng một xuất phát điểm dù lời thoại được đổi, mảng miếng cũng có màu sắc khác đi.

Các nhóm hài của TP.HCM mọc lên ngày càng nhiều, càng cho thấy nhu cầu được giải trí, được cười của khán giả. Nhưng tới 4 nhóm cùng diễn một dạng tiểu phẩm có mô típ giống nhau đã báo động một tình trạng chắp vá trong kịch bản và thiếu những tiểu phẩm hài thực sự hấp dẫn.

Xem cả 4 tiểu phẩm, khán giả đều thấy các nghệ sỹ hết sức tài năng vì ngay lập tức nhìn nét mặt họ, nghe câu nói đầu tiên là đã có thể cười được rồi. Nhưng xem xong rồi mới thấy giật mình và "tự rung chuông báo động". Phải chăng ta đã quá thờ ơ và quá giản đơn khi nhìn vào tình cảm và cuộc sống của những người cao tuổi? Đôi khi cũng thấy ngồ ngộ bởi những câu chuyện tình xưa nghĩa cũ, nhưng lẽ nào chúng ta cứ xoáy vào đó và cứ cười nhạo từ ngày này qua tháng khác hay sao?

Dương Nguyễn
.
.
.