Hội nghị những người viết trẻ về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phía Bắc:

'Không sợ nền phê bình văn học yếu và thiếu, chỉ sợ nền phê bình không trung thực'

Thứ Năm, 06/08/2015, 07:16
Nhằm đánh giá đúng thực trạng để tìm ra giải pháp phát triển đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình (LLPB) VHNT thời gian tới, ngày 5/8, tại Hà Nội, Hội đồng LLPB VHNT Trung ương đã tổ chức Hội nghị những người viết trẻ về LLPB VHNT khu vực phía Bắc, với sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng hơn 50 nhà LLPB trẻ.

Những năm gần đây, công tác phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) rất trầm lắng, khi thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao, những bài viết gây sự chú ý của dư luận, đặc biệt là của người trẻ, đã tác động phần nào đến sự phát triển của VHNT nước nhà.

Nhằm đánh giá đúng thực trạng để tìm ra giải pháp phát triển đội ngũ trẻ làm công tác lý luận, phê bình (LLPB) VHNT thời gian tới, ngày 5/8, tại Hà Nội, Hội đồng LLPB VHNT Trung ương đã tổ chức Hội nghị những người viết trẻ về LLPB VHNT khu vực phía Bắc, với sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng hơn 50 nhà LLPB trẻ.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, trong lĩnh vực LLPB VHNT, lực lượng sáng tác và nghiên cứu trẻ thiếu trầm trọng.

Chất lượng hoạt động của đội ngũ này cũng còn nhiều bất cập, cả từ góc độ khoa học và tầm hiểu biết thực tiễn cuộc sống đất nước và đời sống văn nghệ nước nhà. Hiện chủ yếu chú trọng loại hình phê bình báo chí với những biểu hiện thương mại, nên tính chuyên nghiệp của phê bình dần bị lấn át. Một số cây bút LLPB trẻ đang có những biểu hiện xa rời chuẩn mực, dẫn đến quan điểm lệch lạc trong nhìn nhận, đánh giá một số vấn đề của đời sống VHNT.

Hội đồng LLPB VHNT Trung ương cũng cho rằng, những người làm nghề né tránh, ngại va chạm trong khi việc đào tạo, bồi dưỡng không phát huy được hiệu quả. Chất lượng phê bình VHNT trẻ cũng chưa cao, mặc dù nhiều cây bút đã nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm; hoạt động LLPB VHNT trẻ hiện nay đang bộc lộ những dấu hiệu của sự nóng vội, thiếu tỉnh táo, bản lĩnh nghề nghiệp, chưa bám sát đời sống sáng tác đa dạng. Vì thiếu sự hòa mình vào thực tiễn, tác phẩm phê bình của các cây bút trẻ dễ bắt gặp cách diễn đạt dài dòng, tầm chương trích cú nhưng lại chưa đi vào cốt lõi vấn đề cần giải quyết.

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra: Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà LLPB VHNT chuyên nghiệp bị buông lỏng thời gian dài, khiến tình hình giảng dạy, nghiên cứu bị xơ cứng, lạc hậu, yếu kém và lệch lạc. Sinh viên học lĩnh vực này ra trường không kiếm được việc làm, đã hạn chế sự phát triển và đóng góp của họ. Sự phát triển của báo chí văn nghệ dưới sức ép của thương mại hóa, khiến môi trường phê bình bị ảnh hưởng, vừa hạn chế diễn đàn, vừa nhiễu loạn thông tin, đảo lộn quan niệm về giá trị của VHNT. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận là những người trẻ làm công tác LLPB VHNT đang thiếu sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm nghề nghiệp và nỗ lực sáng tạo.

Các đại biểu là những cây bút LLPB VHNT thuộc nhiều thế hệ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại: Vẫn có tình trạng LLPB VHNT hỗn loạn, không theo trật tự nào, phê bình thiếu chuyên nghiệp, không nắm vững phương pháp luận vv… ví như làm LLPB phim, nhưng không xem phim mà vẫn phê bình phim; Ngành LLPB VHNT của ta không có nền tảng cơ bản, những tiêu cực vẫn len đến làm thui chột phê bình, như một sinh viên của một trường nghệ thuật ở Hà Nội ăn cắp cả một chương trong luận văn thạc sĩ của người khác làm luận văn của mình, dù được người là LLPB chỉ ra, nhưng vẫn không bị xử lý. Đội ngũ LLPB VHNT được đào tạo cơ bản, có chuyên ngành chưa phát huy hết khả năng; nhiều công trình nghiên cứu sau khi thẩm định lại bị “đắp chiếu”. Viết phê bình đã khó, sống bằng phê bình càng khó, khi sách LLPB VHNT không bán được, nhuận bút thấp, nên không khuyến khích người viết. Chủ nghĩa bằng lòng đang tồn tại, do có những người viết rồi lại bị nhắc nhở, hoặc ngại viết vì đụng chạm.

Trong khi một số nhà phê bình đổ lỗi cho LLPB VHNT không phát triển, là do VHNT đang trầm lắng, bởi sáng tác có phát triển thì phê bình mới phát triển, bởi các sáng tác đặt ra những vấn đề về thân phận con người, mà phê bình văn học quan tâm, thì nhà phê bình Phùng Gia Thế lại cho rằng: Đó là quan niệm nhầm lẫn, vì dù một nền sáng tác èo uột, cũng vẫn là cơ sở cho phê bình văn học phát triển. Phải coi phê bình văn học là một bộ phận, song hành cùng văn học, để phản biện, đối thoại sòng phẳng, chứ không phải là ăn theo văn học, chỉ ca ngợi. Người nào ngại bị chê, sợ va chạm thì không nên làm phê bình, vì khi phê bình văn học, là đối diện với văn bản, chứ không phải với tác giả và tiểu sử.

Điều mà cây bút phê bình Ngô Hương Giang đặt ra, rất đáng để quan tâm: “Không sợ một nền phê bình văn học yếu và thiếu, mà chỉ sợ một nền phê bình văn học không trung thực”.

Trước những quan điểm của các cây bút phê bình nhiều thế hệ, trong đó, có câu hỏi “xã hội có cần thiết đẩy mạnh phát triển LLPB VHNT lên không”,  PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh khẳng định: Đây là điều rất cần thiết và là sự quan tâm đặc biệt của Ban Bí thư, Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, nhằm khắc phục hiện tượng tụt hẫng, xơ cứng, trì trệ của LLPB VHNT hiện nay. Hơn nữa, hiện đang rất thiếu những tác phẩm đỉnh cao. Giải pháp cho vấn đề này, đòi hỏi nâng cao nhận thức của từng cơ quan chức năng, với việc mở chuyên mục, có đội ngũ chuyên viết LLPB VHNT; thành lập Hiệp hội LLPB VHNT. Các cơ quan chức năng cần có bước đột phá  trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng các cây bút LLPB VHNT trẻ; tập hợp lực lượng, tạo diễn đàn riêng cho các cây bút LLPB VHNT trẻ công bố kết quả nghiên cứu vv… Một vấn đề được nhấn mạnh, đó là giải pháp trước hết, vẫn là chủ quan, sự nhiệt tình và trách nhiệm công dân của người cầm bút với việc tự bồi đắp chuyên môn, vốn sống, quyết định.

Dạ Miên
.
.
.