Không nên tùy tiện sửa lại truyện cổ tích "Tấm Cám"

Thứ Ba, 15/11/2011, 10:48
Thời gian gần đây, dư luận ồn ào câu chuyện cần phải sửa lại đoạn kết của truyện cổ tích "Tấm Cám" trong "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" như thế nào.

Đoạn cổ tích dự kiến sửa như sau: "Có một hôm vua dạo chơi gần đấy, thấy trong hàng có một bà lão phương phi và phúc hậu, vua mới ghé vào. Bà ta lấy trầu nước kính dâng. Vua thấy trầu têm giống như hoàng hậu têm ngày trước, phán hỏi: “Trầu này ai têm?”. Bà ta tâu là của con gái têm. Vua phán muốn xem mặt, bà ta bảo ngay con ra, thì chính là vợ vua ngày trước. Vua phán bảo rước về cung, Tấm lại làm hoàng hậu. Sau khi vua cho đón Tấm về cung, Cám thấy chị trẻ đẹp hơn xưa, sinh lòng ghen ghét, ao ước cũng được trắng, được tươi giòn như Tấm. Nó giả vờ như không biết chuyện gì, hỏi Tấm:

- Chị Tấm ơi, chị Tấm, chị dầm sương dãi nắng, đi vắng khá lâu, sao giờ chị trắng?

Tấm đáp:

- Có muốn trắng để chị giúp cho.

Cám hí hửng bằng lòng ngay. Tấm sai người đào một cái hố, bảo con Cám tụt xuống rồi sai người đem nước sôi dội vào con Cám, con Cám chết còng queo dưới hố. Tấm đem xác con Cám làm mắm gửi cho dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ con Cám tưởng là quà của con thật, lấy làm sung sướng, ngày nào mụ cũng giở mắm ra ăn, khen lấy khen để.

Một con quạ bén hơi, bay đến đậu trên nóc nhà, nhìn xuống kêu:

- Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.

Mụ chửi bới quạ, xua đuổi con quạ bay đi. Đến ngày mắm gần hết, nhòm vào chĩnh, mụ mới nhìn thấy đầu lâu con mình…, uất lên, ngã vật xuống đất mà chết".

Tôi nay đã ngoài 50 tuổi, hồi bé được nghe bà kể lại truyện này, sau đó đến trường được thầy giảng dạy câu chuyện thì lấy làm hả hê lắm. Tội ác của mẹ con dì ghẻ đã được trừng trị đích đáng. Cô Tấm nết na mà tôi yêu "Dẫu phải cay đắng dập vùi/ Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu" (Nguyễn Khoa Điềm), còn mẹ con mụ dì ghẻ bị chết thê thảm. Cái ác phải bị trả giá, kẻ gieo ác phải đền tội.

Khi tôi lớn lên được vào học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lúc lên giảng đường lại được nghe các Giáo sư Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Lộc giảng về cổ tích, rằng những truyện như "Tấm Cám" chỉ là dị bản; nhiều nước ở Đông Nam Á và châu Á đều có truyện này na ná như ta, chỉ khác nhau một vài chi tiết.

Theo các giáo sư, truyện "Tấm Cám" là một cái kết có hậu, người lương thiện được sống, được hồi sinh; người xấu, kẻ gây ác phải bị đền tội. Điều đó dường như dạy con người phải biết sống tử tế trong mọi hoàn cảnh. Bao nhiêu năm nay, tôi đều tin như thế và sống, sáng tác với một niềm tin như thế!

Vậy mà nay, có nhiều nhà biên soạn sách giáo khoa, cả vị lãnh đạo nữa đều tỏ ý nên sửa lại đoạn kết truyện cổ tích này vì thấy việc trả thù như hành động của cô Tấm là không nhân văn, không phù hợp với truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Tôi thì tôi nghĩ khác. Truyện này đã được "thử lửa" ở ta và các nước chí ít là từ mấy ngàn năm nay. Nếu truyện không nhân văn, cớ sao nó tồn tại trong văn học dân gian như là một phần của lịch sử dân tộc? Chẳng nhẽ, nếu ta sửa lại truyện cổ tích thì nhân văn, còn các dân tộc khác cùng dị bản để nguyên vậy là không có truyền thống nhân đạo sao?

Có một nhà văn Nga từng nói, không có dân tộc nào là ác, không có dân tộc nào là không cần cù lao động; đó dường như là một đặc trưng chủ đạo của loài người trong tiến trình vươn lên đấu tranh tiêu diệt cái ác, cái xấu để tồn tại và phát triển! Cha ông ta, cổ nhân của các dân tộc khác qua hàng ngàn năm lịch sử đều lấy "Tấm Cám" như một câu chuyện điển hình để dạy thế hệ sau về đạo lý là đã qua cuộc "thử lửa", không để "vàng thau lẫn lộn". Ai đó đề xuất sửa lại "viên ngọc" càng mài càng sáng ấy của lịch sử văn học, lịch sử dân tộc… cần phải nghiên cứu thật kỹ để hiểu cha ông ta. Lấy tư duy nhất thời của dăm ba người có học vị, có chức vụ để quyết định thay đổi một nguyên tác văn chương dân gian, mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc… quả là điều cần được cân nhắc kỹ. Nhiều khi sự hiểu biết thô thiển về tính nhân văn, nhân đạo vốn rất tinh tế và phong phú, đem áp dụng vào thực tiễn khoa học xã hội và giáo dục có khi gây tổn hại đến đời sống tinh thần của cả cộng đồng.

Có lẽ nên để những viên ngọc sáng dân gian nguyên vẹn như ban đầu để các thế hệ con cháu được chiêm nghiệm một nguyên tác tinh thần. Phá vỡ hay thay đổi nó khác gì sửa chữa, đục đẽo lại một vịnh Hạ Long vừa được tôn vinh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Thay đổi kết cấu câu chuyện cổ tích "Tấm Cám", sẽ là tiền đề để sau này ai đó sẽ áp dụng "tiền lệ pháp" để có thể đề xuất thay đổi đoạn văn bà Cà Sợi giết người con đẻ ác ôn Trung úy Xăm trong tiểu thuyết "Hòn đất" của nhà văn Anh Đức. Và cũng có thể từ đề nghị sửa lại đoạn kết của câu chuyện "Tấm Cám", biết đâu đến một lúc nào đó có người sẽ đề nghị sửa lại "Truyện Kiều" của Nguyễn Du hay "Cáo Bình Ngô" của Nguyễn Trãi với lý do kỳ quặc là để "đưa vào sách giáo khoa dạy học sinh cho phù hợp"…

Tác phẩm văn học, nhất là văn học dân gian bản thân nó là một sự hoàn thiện mang dấu ấn sáng tạo nhiều thế hệ đã được thử thách qua thời gian. Hãy để nó tồn tại cùng không gian sinh sống của cộng đồng dân tộc mà không cần sự tác nhân hiện đại để "cưỡng ép" vào một môi trường giáo dục cụ thể nào. Hãy để người dân thẩm thấu tác phẩm theo cách riêng của mình. Xin đừng lấy lý do "dạy trong nhà trường" để tùy tiện thay đổi kết cấu một tác phẩm văn chương đã sống hàng ngàn năm. Mọi sự tùy tiện đều không thể chấp nhận!

H.T.
.
.
.