Y Truyền - một giọng ca của dân tộc Êđê, Tây Nguyên:

Không còn là ước mơ

Chủ Nhật, 10/01/2010, 10:37
Một chàng trai rám nắng, mắt nhìn thăm thẳm, sau nụ cười là hàm răng trắng bong. Và giọng hát mỗi lần cất lên, người nghe và bè bạn cứ bồng bềnh trôi, như trôi giữa một cao nguyên mênh mang đầy cỏ và cây cối của núi rừng Tây Nguyên. Người nghe dường như quên mất mình đang ở Hà thành.

Ngừng hát, một mình anh lặng lẽ trở về ngôi Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, nơi người lính trẻ này đang theo học. Vai đeo cây đàn guitare cao quá đầu người, Y Truyền lúi húi đi về phía trước, sải những bước dài trông thật giống một chàng trai Tây Nguyên nào đó gùi củi về nhóm lửa…

Từ sông ra biển

Lâu lắm rồi, Hà Nội bỗng vắng hẳn tiếng hát của Y Moan, Y Zăk - những ca sỹ từng mang đến Thủ đô một  giọng hát, một phong cách Tây Nguyên. Tôi bỗng nhớ họ dẫu chưa một lần may mắn được ngồi cùng để hàn huyên. Tôi đồ rằng, nhiều người cũng sẽ giống tôi, nhớ về các anh là nhớ tới một phong cách, một dáng dấp nào đó của Tây Nguyên hùng vĩ, dải đất giàu huyền thoại và đầy bí ẩn của Tổ quốc mình.

Và cũng thật may mắn, vài năm gần đây,  bỗng thấy quý vô cùng, thấy ấm áp vô cùng khi tôi bất ngờ gặp Y Truyền, một chàng trai cùng dân tộc Êđê, cùng tỉnh Đắk Lắk với Y Moan, Y Zắk. Anh hát những câu hát về Tây Nguyên mà tôi từng nghe, đã nghe ở Hà Nội, đã nghe ở Tây Nguyên, nhưng sao cứ mỗi lần như thế, lòng bỗng thấy rưng rưng.

Dường như người hát không phải cất lên ca từ nữa, anh như một kẻ si tình từ trong bài hát bước ra, đi lộng gió giữa cao nguyên mênh mông hát như là vô thức về mảnh đất thân yêu của mình.

Tôi cũng đã đến vùng đất đã sinh ra giọng hát Y Truyền ở xã Chuôr Dang, huyện Cư Mgar của tỉnh Đắk Lắk. Vùng đất bazan bụi đỏ vào mùa nắng. Còn mùa mưa thì bùn đất cũng đỏ quạch níu chân người. Không cần kể cũng có thể biết tuổi thơ của chàng ca sỹ tương lai này thế nào. Một tuổi nhỏ lông nhông cùng núi rừng, rong ruổi cùng đàn bò giữa cao nguyên để thả hồn vào cỏ cây.

Là trưởng tộc của dòng họ nên ngay từ bé, Y Truyền đã tỏ ra là một kẻ "cứng đầu". Khi không bằng lòng về một điều gì đó thì khóc đến mấy ngày không nín. Khóc đến mức cả buôn làng phải mất ngủ theo. Có lẽ tiếng khóc to không bình thường giữa cao nguyên ấy khiến mẹ cậu thấy lo lắng nên đã ép cậu đi học: "Con là con trưởng của 5 em.Con phải đi học chữ để sau này dạy dỗ các em".

Từ đó, cậu cắp sách đến trường. Và đến năm học lớp 3 thì mới bắt đầu tập nói tiếng Kinh, lớp 4 rời buôn đi trọ học ở xa. Cứ thế, cái chữ kéo cậu bé hồn nhiên của buôn làng lên núi cao để nhìn thấy một chân trời. Thế rồi, tự nhiên cậu thích được hát một bài hát đầu tiên bằng tiếng Kinh. Đó là bài "Bông hồng tặng cô" mà cậu ngấm ngầm ghi vào băng cassette.

Cậu hát hồn nhiên như một lời tri ân tới những người dạy dỗ mình và thấy phấn khích vô cùng khi được thầy cô khen, được bạn bè trố mắt ngạc nhiên trước một chất giọng dày âm, đậm chất du mục của vùng đất này. Như dòng suối ra sông. Như dòng sông ra biển rộng, lời bài hát đầu tiên ấy như là định mệnh xui giục cậu muốn lớn nhanh làm người con của muôn nơi.

Thế nhưng ở một gia đình không có truyền thống âm nhạc, mẹ chỉ hát dân ca Êđê, bố chỉ chơi đàn Đinh Năm trong những dịp mừng lúa mới ở buôn, ước mơ âm nhạc của cậu con trai Y Truyền hẳn không hề đơn giản. Cũng may, dường như Y Truyền không hề ý thức về điều đó.

Anh sống hồn nhiên, hát hồn nhiên, say mê không định trước với ước mơ trong trẻo. Đó là nguồn cội để anh đi với âm nhạc vừa thuỷ chung vừa phóng túng. Anh hồn nhiên tập đàn guitare. Đàn đứt dây thì buộc dây bả đánh mô phỏng để khớp nhạc.

Vào đội văn nghệ của trường trung học phổ thông để hát. Rỗi một chút là theo chú Y Zăk cùng bà con hát dân ca dân tộc mình trong các dịp lễ hội. Nhưng tất cả những hoạt động không mệt mỏi ấy vẫn khó tạo nên một giọng hát nếu không có một ngày Y Truyền vào bộ đội. 

Chính Y Truyền cũng nói rằng, nếu không có Trung đoàn 66, nếu không có Sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3 Binh đoàn Tây Nguyên hẳn dễ mà anh sẽ về lại buôn làm ông tộc trưởng. Năm 2004, 21 tuổi Y Truyền xung phong vào bộ đội vì quá mê hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Môi trường người lính đã rèn chàng trai quen phóng túng này ý thức kỷ luật, nhân cách cũng như khả năng chịu đựng gian khổ.

Những kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức một cách quy mô, giọng hát của Y Truyền có cơ hội được "phát sóng", được rèn giũa, được hoan nghênh một cách chính thức. Lần đầu tiên Y Truyền được dâng tiếng hát chưa thành danh của mình cho đồng đội, cho đồng bào một cách đúng nghĩa. Từ đây, trong mỗi câu hát hồn nhiên, du mục ngày nào đã hồng lên ánh sáng lung linh chất nghĩa hiệp của lý tưởng.

Quân đoàn đã cho anh sải những bước dài từ Tây Nguyên ra Hà Nội thi đỗ vào khoa Quản lý văn hoá của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội năm 2007. Men theo câu hát đầu tiên "như dòng sông ra biển rộng" ở huyện Cư Mgar năm nào, chàng trai Êđê Y Truyền đã đi về Thủ đô phải mất quãng thời gian 15 năm có lẻ. Để làm một ca sỹ thành danh, con đường ấy chưa phải đã lắm gập ghềnh…

Ngày ấy sẽ không xa

Năm 2009, Y Truyền đăng ký dự thi giải Sao Mai. Theo lời kể thì anh trình bày 2 bài hát về Tây Nguyên "Sông Đăkrông mùa xuân về" của nhạc sỹ Tố Hải và "Đôi chân trần của cha" của Y Phôn Ksor. Một học viên học ngành quản lý văn hoá, rất ít thời gian rèn thanh nhạc vẫn ôm đàn đi thi, không cần quan tâm đến việc mình có thể thất bại, đó là gì nếu không phải sự tự tin.

Anh hát mê đắm, quên mình đang đứng trước Ban Giám khảo. Mê đắm như độc thoại, như hát cho riêng mình vậy. Tôi được nhà thơ Hồng Thanh Quang rủ đi nhiều lần ngồi nghe Y Truyền trình bày bài hát này. Những lần sau đó còn có nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Lê Diêu…

Khi Y Truyền cất tiếng hát hoà với tiếng đàn guitare trong một khuôn viên nhỏ, dường như tất cả chúng tôi bỗng lặng đi, như thả hồn mình trôi theo lời ca về một nơi xa lắm, nơi đó không thể khác chính là cao nguyên nơi chúng tôi đã từng qua. Trong câu hát, có dấu ấn một tuổi thơ lam lũ cứ thao thiết cùng Y Truyền trên mọi nẻo đường. Trong câu hát có hình bóng của cha anh, người cha nhiều năm xưa công kênh tuổi thơ của con trai trên vai đi chân đất về phía chân trời lễ hội.

Trong câu hát có hình bóng mẹ anh đang bươn chải chạy từ cánh rừng sẩm tối kịp mang sắn về cho bếp lửa với đàn con đang ngóng trông. Trong câu hát có hình bóng cậu con cả Y Truyền trộn ít gạo với bắp bắc nồi nổi lửa, thay mẹ tắm và giặt giũ, chăm bẵm đàn em nhỏ tồng ngồng…

Chúng tôi từng nghe những ca sỹ giải nhất, giải nhì hát những bài hát giống như Y Truyền đã hát về Tây Nguyên. Cả một dàn nhạc hùng tráng, những kỹ thuật nhả câu nhả chữ tròn vành, rõ tiếng với phong cách biểu diễn  không chê vào đâu được. Nhưng lạ lắm, vẫn chưa thấy mềm lòng, xúc động, vẫn chưa thấy một Tây Nguyên như mình đang khao khát yêu, khao khát đến…

Tiếc thay, tình cảm cũng như niềm xúc động của chúng tôi không thay được Ban Giám khảo. Dẫu vậy, bây giờ thì tôi có thể hiểu vì sao lần đó Y Truyền không lọt được  sâu vào vòng trong. Chính anh cũng thú nhận đại loại là mình hát kỹ thuật chưa chín, giữ hơi, lấy giọng chưa chuẩn để thể hiện bài hát đúng như mình đã từng yêu.

Dẫu đã có chút tài năng, nhưng dường như trong những khoảnh khắc, anh chưa tìm được phong cách để thể hiện tình yêu quá lớn của mình. Cái tôi trữ tình bỗng trở nên nhỏ bé trước sự mênh mông của tác phẩm nghệ thuật.

Nói tóm lại là trước một cuộc thi như giải Sao Mai, Y Truyền chưa có sự đầu tư đích đáng về nghệ thuật. Có lẽ anh cần một "bà đỡ nghệ thuật" đúng nghĩa giúp anh đổ mồ hôi nhiều hơn, tự tin nhiều hơn trước cuộc vượt biển ra đại dương.

Bây giờ thì Y Truyền đã quên chuyện cũ. Với bản tính hồn nhiên, trong trẻo, anh vẫn háo hức tin vào ngày mai. Anh kể rằng, nhiều thầy giáo ở trường, cả NSND Trung Đức nữa nghe tiếng Y Truyền đã có ý tự nguyện bỏ công để rèn giũa, hướng dẫn và truyền nghề góp phần đào tạo anh thành ca sỹ.

Ước mơ trở thành một ca sỹ thành danh để hát về quê hương Tây Nguyên vẫn vẹn nguyên, thao thiết trong tâm khảm chàng trai Êđê này. Hình như Tây Nguyên vẫn rất đặc thù để cần những nghệ sỹ riêng của vùng đất giàu sử thi này. Đã có Y Moan, Y Zăk, đã có Suiblach, người ta hy vọng sẽ có Y Truyền.

Ngày ấy sẽ không xa. Bởi khởi nguồn của mọi thành công là tài năng trời phú, là niềm đam mê, là tình yêu hồn nhiên, trong trẻo. Còn sự tự tin và khổ luyện ư? Hơn ai hết, người lính Y Truyền hiểu điều ấy lắm

Hồng Thái
.
.
.