Không có phiên tòa của lòng tự trọng
“Tội đánh bạc” và “tội nhận hối lộ”
Trong khi các cầu thủ của V.Ninh Bình đã bị khởi tố bị can về tội đánh bạc thì cầu thủ của Đồng Nai có thể bị khởi tố vì tội nhận hối lộ. Họ gặp nhau ở một điểm chung là cùng cầm tiền để dàn xếp tỉ số, để làm độ các trận đấu. Hai tội danh dành cho các cầu thủ cho thấy hình thức tiêu cực trong làng bóng đá Việt Nam đang diễn ra đa dạng, dưới mọi hình thức.
Dù phải đối mặt với tội danh nào thì các cầu thủ, nhất là những người cầm đầu sẽ phải ngồi tù nếu được kết luận là có tội theo tội danh bị truy tố. Người thân của các cầu thủ đang bàng hoàng không hiểu nổi tại sao những đôi chân chỉ biết lao động trên sân cỏ có thể vướng vào những tội danh hình sự nghiêm trọng như vậy. Một nền bóng đá trong vòng chưa đầy 10 năm đã có đến 4 phiên toà trong đó có 3 lần là xét xử các cầu thủ, một lần dành cho giới trọng tài, các nhà quản lý bóng đá cho thấy mức độ tiêu cực của nền bóng đá đã chạm đáy, ở tận cùng của giới hạn.
Ông Tanaka Koji, Trưởng BTC V-League dự khán trong một trận đấu. Chuyên gia người Nhật có lẽ cũng rất sốc trước tình trạng tiêu cực của bóng đá Việt Nam hiện tại. |
Ít ai quan tâm đến cuộc sống của các cầu thủ trước những phiên toà bóng đá ấy. Chỉ đến khi phiên xử diễn ra, tất cả những người trong giới, dư luận và truyền thông mới mổ xẻ, mới thi nhau đưa ra những lý giải về sự bất thường trong đời sống bóng đá nước nhà. Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam VPF nói rằng: “Nếu mọi việc vượt ra khỏi tầm kiểm soát, có thể chúng ta cần phải đập đi để làm lại, cắt bỏ hết các khối u để xây dựng lại nền bóng đá”.
Trớ trêu ở chỗ ngay sau khi xảy ra vụ tiêu cực ở CLB Đồng Nai bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phát hiện, VFF và VPF đã tổ chức cuộc họp bàn đề ra chiến lược phát triển V-League và các giải chuyên nghiệp đến năm 2018. Theo đó số lượng đội dự V-League và hạng Nhất đều sẽ tăng lên. Một mặt, các giải bóng đá vẫn đang phát triển và mặt khác, những “con sâu” đang làm hỏng cả một “nồi canh” V-League vẫn đang được chấp nhận như một sự tồn tại hiển nhiên.VFF tuyên bố mạnh mẽ về việc loại bỏ những “con sâu” ấy ra khỏi đời sống bóng đá nhưng họ không thừa nhận môi trường bóng đá Việt Nam đang có vấn đề.
Người Nhật cũng bó tay!
V-League hiện tại đang có một vị trưởng giải người Nhật, ông Tanaka Koji và một HLV trưởng của ĐTQG người Nhật, ông Toshiya Miura. Hai con người được kì vọng sẽ mang lại những luồng sinh khí mới cho nền bóng đá nước nhà. Nhưng từ khi hai vị “nhạc trưởng” này có mặt ở Việt Nam, bóng đá nước nhà liên tiếp xảy ra sự cố.
Ông Phạm Ngọc Viễn nói rằng: “Bóng đá Việt Nam đang học tập cách làm bóng đá của người Nhật. Chúng tôi cũng cảm thấy rất hổ thẹn khi xảy ra sự việc làm hoen ố hình ảnh bóng đá nước nhà. Rõ ràng chặng đường đến với bóng đá chuyên nghiệp là rất gian nan”.
Thực ra, việc đưa các chuyên gia Nhật sang Việt Nam nằm trong một chiến lược lâu dài của VFF nhằm cải tạo những căn bệnh cố hữu của bóng đá Việt Nam bằng tư duy bóng đá của người Nhật. Nhưng cái tư duy bóng đá của Nhật và Việt Nam đang đứng ở hai chân trời hoàn toàn khác xa nhau. Ông Viễn thừa nhận: “Một cá nhân không thể thay đổi được gì với bóng đá Việt Nam hiện tại”.
Bóng đá Việt Nam đã có rất nhiều bài học trong quá khứ và những nhà quản lý bóng đá hiểu rằng chỉ có thể tự cứu mình bằng sự miễn dịch và sức khoẻ của nền bóng đá. Nhưng ông Trần Song Hải, Phó Chủ tịch Hội CĐV bóng đá Việt Nam cho rằng: “Bóng đá Việt Nam đang thiếu đi lòng tự trọng, từ các cầu thủ cho đến một bộ phận giới trọng tài và cả một số những người làm công tác quản lý”. Hội CĐV bóng đá Việt Nam từng tặng rượu tự trọng cho VFF như một sự nhắc nhở.
Hai phiên toà nối tiếp nhau với những án hình sự dành cho cầu thủ nhưng không có phiên tòa nào dành cho lòng tự trọng, phiên tòa mà chỉ có chính sự tự tôn và một thái độ cầu thị mới đủ sức xét xử thì bóng đá Việt Nam cũng rất khó để tiến lên