Khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer

Thứ Bảy, 25/08/2012, 12:30
Trải qua bao thăng trầm, các nghệ nhân làngnghề dệt thổ cẩm Sray Skoth của đồng bào Khmer (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Mới đây, chính quyền địa phương đã mở lớp đào tạo 24 phụ nữ trong xã để từng bước duy trì và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững.

Ông Chau Mum (72 tuổi), người đã duy trì nghề dệt thổ cẩm từ hơn 40 năm trước. Hiện con gái ông là Neang Sa My được UBND xã Văn Giáo chọn để đứng lớp dạy cho các chị em phụ nữ trong phum. Ông Chau Mum cho biết: “Thấy tụi nhỏ thạo nghề lại khéo léo nên xã đề nghị con Neang Sa My dạy căn bản cho 12 chị em phụ nữ trong phum. Các khung cửi được xã hỗ trợ vay vốn sắm sửa. Lớp học mở cũng được hơn 4 tháng rồi, nhiều cô đã dệt được khăn choàng tắm. Còn khăn choàng có hoa văn cần phải học lớp nâng cao thì mới dệt được”.

Hiện trong xã có khoảng 70 hộ với 127 thợ dệt đã học qua nghề dệt thổ cẩm. Trung bình mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ một khung dệt trị giá khoảng 1,5 triệu đồng và vay 3 triệu đồng với mức lãi suất thấp để mua nguyên liệu dệt. Nhờ vậy mà những hộ này đã có việc làm, thu nhập ổn định. Theo ông Chau Mum, nghề dệt tại Sray Skoth đã có từ bao đời nay. Lúc thịnh hành, nhà nào cũng nuôi tằm se tơ, mỗi hộ có từ 2 chiếc xa quay, khung dệt trở lên.

Hồi đó, những bậc cao niên trong phum thường mua tơ ở Tân Châu (An Giang) hay TP Hồ Chí Minh về dệt ra những loại lụa óng ả, mềm mại. Đồng thời, họ còn sáng tạo ra những kỹ thuật dệt độc đáo riêng chỉ có ở làng dệt Sray Skoth. Trong đó, lụa dùng cho trang phục thường được dệt những hoa văn hình vuông, tròn hoặc đa giác mà người dân trong nghề quen gọi là “bắt bông trơn”. Lụa dùng làm thảm, rèm, trướng... khó dệt hơn vì phải dùng kỹ thuật “chằng hun” - bắt bông dâu.

Chị Neang Sa My giới thiệu một sản phẩm thổ cẩm của làng nghề Sray Skoth.

Nhiều người Campuchia đã hết sức bất ngờ khi thấy lụa ở Sray Skoth đẹp, tốt hơn hàng bản xứ của họ. Vì lụa Campuchia thường nhuộm bằng hóa chất trước khi dệt, nên vải bị cứng, không bền. Trong khi đó, lụa ở đây được nhuộm bằng các loại thảo mộc theo phương pháp cổ truyền, nên màu sắc rất bền, càng mặc càng óng ả. Độc đáo hơn cả là các nghệ nhân đã áp dụng kỹ thuật dệt ba lớp tơ với ba màu khác nhau trên cùng một mảnh lụa, làm cho người mặc tấm lụa khi đứng có màu xanh, lúc ngồi lại ngả sang màu đỏ, lúc nhìn nghiêng thì có màu cam...

Chị Neang Sa My, cho biết: “Những năm gần đây, phong trào dệt thổ cẩm Văn Giáo dường như tạm lắng do chị em chủ yếu kiếm sống bằng nghề nông, làm mướn hoặc đi lao động xa. Từ đó, làng nghề dần bị mai một. Được chính quyền địa phương quan tâm mở lớp đào tạo để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống gia đình, tôi mừng lắm. Vừa rồi được xã chọn, tôi mạnh dạn nhận lời dạy cho chị em”.

Trong quá trình dạy cũng gặp nhiều khó khăn, do đây là một nghề rất khó, đòi hỏi phải dạy thật kỹ và khéo thì học viên mới dễ tiếp thu. Bình quân, mỗi ngày 2 người dệt được 1 khăn xà rông, trị giá khoảng 400.000 đồng, trừ chi phí kiếm lời trên 150.000 đồng. Sản phẩm làm ra bán tại địa phương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và bán sang Campuchia.

Ông Chau Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Giáo, cho biết: Hiện nay, xã đã củng cố khoảng 150 hội viên ở địa phương để khôi phục lại làng dệt thổ cẩm truyền thống. Các học viên tham gia lớp học còn được hỗ trợ tiền ăn 15.000đ/ngày trong suốt 9 tháng. Trước đó, từ nguồn vốn Chương trình 135, xã đã mở rộng và tráng nhựa tuyến đường Văn Râu từ tỉnh lộ 948 dẫn vào làng dệt thổ cẩm (chiều dài 1.500m, rộng 7m) tổng kinh phí 1,5 tỷ, đồng nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan làng dệt

Đ.Văn – T.C.
.
.
.