Khôi phục đàn Xã Tắc để bảo vệ quần thể di tích Huế

Thứ Hai, 30/07/2007, 10:07
"Đất dùng để xây đàn Xã Tắc là đất của cả nước, tượng trưng cho máu thịt của toàn quốc. Cũng có thể đàn Xã Tắc là đất nước Việt thu về một mối, hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với ý niệm ấy, đàn Xã Tắc càng trở nên thiêng liêng và quý báu hơn" - nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết.

Đàn Xã Tắc được xây dựng vào tháng 4/806 trong kinh thành do Chưởng quân Phạm Văn Nhân điều khiển việc thi công, nay thuộc phường Thuận Hoà, TP Huế. Đàn Xã Tắc từng được coi là chốn linh thiêng không chỉ đối với người dân cố đô mà còn là nơi người dân cả nước hướng về suốt hơn 200 năm dưới triều đại nhà Nguyễn.

Dùng đất cả nước để lập đàn

Theo sử cũ, đàn Xã Tắc được triều đình dùng để tế thần Xã (thần đất) và thần Tắc (thần lúa). Việt Nam là một đất nước nông nghiệp kéo dài hàng ngàn năm nên việc dựng đàn tế thần lúa và thần đất ăn sâu vào đời sống tâm linh của người dân.

Đất đai và lúa nước đã chi phối toàn bộ sinh hoạt kinh tế của tất cả mọi người trong xã hội. Chính vì vậy, vua Gia Long cho lập đàn Xã Tắc là nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Khả dĩ đàn Xã Tắc được coi là khu đất thiêng bởi khi xây dựng vua Gia Long đã ra lệnh cho quan quân tất cả các địa phương đưa đất ở khắp đất nước về lập nên đàn này. Mục lục Châu bản triều đình Gia Long - Huế còn ghi rõ "11 trấn ở Bắc thành từ Ninh Bình trở ra lệnh truyền phải nộp về Huế 256 tạ đất" để xây đàn Xã Tắc.

Theo nhà nghiên cứu nổi tiếng của Huế - Phan Thuận An: "Đất dùng để xây đàn Xã Tắc là đất của cả nước, tượng trưng cho máu thịt của toàn quốc. Cũng có thể đàn Xã Tắc là đất nước Việt thu về một mối, hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với ý niệm ấy, đàn Xã Tắc càng trở nên thiêng liêng và quý báu hơn".

Theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì, nguyên thủy đàn Xã Tắc được xây dựng theo lối âm dương ngũ hành của dịch học. Đàn gồm 2 tầng hình vuông, mặt nền được tô 5 màu; phía Đông màu xanh, phía Tây màu trắng, phía Nam màu đỏ, phía Bắc màu đen và ở giữa màu vàng...

Hằng năm vào mùa sản xuất, triều đình nhà Nguyễn lại tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt để người nông dân không phải chịu cảnh đói rét cơ hàn. Ngày vua là lễ tế, người dân khắp các địa phương khi nhận được tin báo đều hướng về kinh thành với lòng thành kính tâm linh. Lễ tế đàn Xã Tắc là một lễ lớn được nhà vua chú trọng như lễ tế đàn Nam Giao hay lễ tế thờ vua...

Cần có quy hoạch tổng thể và phục hồi đàn Xã Tắc

Trải qua thời gian và sự biến thiên của lịch sử, đàn Xã Tắc bị mai một và hư hỏng dần theo thời gian. Hiện có gần 600 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu đã vào làm nhà ở ngay trên khu đất đàn Xã Tắc.

Hơn 40 dãy nhà dân đã ở trên vùng đất được coi là chốn linh thiêng kéo dài hàng trăm năm của dân tộc. Đàn Xã Tắc không còn như xưa nhưng những dấu ấn của nó vẫn còn và quan trọng hơn những nét văn hoá của đàn Xã Tắc vẫn còn ẩn hiện trong đời sống tâm linh không riêng của người dân Huế.

Trong Hán Việt từ điển, học giả Đào Duy Anh viết về Xã Tắc: "Thuở xưa dựng nước tất quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn nên lập nền Tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia vậy".

Việc phục hồi đàn Xã Tắc vẫn chỉ dừng lại ở tấm panô.

Đàn Xã Tắc giờ đây bị người dân xung quanh lấn chiếm gần hết để làm chỗ ở. Trên diện tích của đàn Xã Tắc chỉ còn lại khoảng đất trống với mỗi bên khoảng 30m. Tại đây còn sót lại tấm bia khá lớn cùng với tấm bình phong và hồ rộng ngoài đàn Xã Tắc.

Kể từ khi Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới, đàn Xã Tắc thuộc vào khu vực I cần bảo vệ nghiêm ngặt và từng bước phục hồi. Đáng tiếc, do công tác quản lý lỏng lẻo của các ban, ngành liên quan ở Huế nên đàn Xã Tắc bị mai một và lấn chiếm dần.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương khôi phục lại đàn Xã Tắc để kịp đón Festival 2008, chủ trương đã có tương đối lâu, dự án đã được lập nhưng khi chúng tôi đến đàn Xã Tắc vẫn chỉ còn dừng lại tấm panô treo lơ lửng bên cạnh chân đàn còn sót lại.

Một cán bộ Trung tâm Bảo tồn ở Huế cho biết thêm: Dự án lập ra đó nhưng tỉnh chưa có chủ trương nên đành chịu. Thiết nghĩ, việc khôi phục đàn Xã Tắc theo nguyên trạng là điều không thể nhưng những ban, ngành liên quan ở Huế cũng không nên để đàn Xã Tắc ngày một hoang phế theo thời gian.

Nước ta có 3 kinh đô nhưng hiện chỉ còn kinh đố Huế còn giữ lại được nhiều di tích, di vật làm tôn vinh thêm tính văn hoá độc đáo của dân tộc. Vậy không có lý do gì chúng ta lại ngồi nhìn những di tích văn hoá của dân tộc mặc sự bào mòn của thời gian.

Bởi chúng tôi được biết hiện Nhà nước, UNESCO và một số tổ chức luôn quan tâm dành kinh phí cho việc bảo vệ, phục hồi Di tích Huế, điều đáng bàn là những ban, ngành liên quan ở Huế cần có cách làm thích hợp, trùng tu, tôn tạo di tích nào trước, di tích nào sau

Dương Sông Lam
.
.
.