Kho tàng vô giá ẩn giấu dưới nước đã có “chìa khóa”

Thứ Sáu, 27/09/2013, 17:37
Tại hội nghị công bố các kết quả khảo cổ học mới nhất tại Hà Nội ngày 26/9, giới khảo cổ học Việt Nam và các đồng nghiệp quốc tế đều vui mừng khi biết rằng, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho phép thành lập Phòng khảo cổ học dưới nước. Như vậy, với việc chấm dứt “gánh nặng” 3 không: không người, không tiền, không cơ sở vật chất kỹ thuật, ngành Khảo cổ đã có cơ hội mở kho di sản phong phú dưới lòng nước.

Nước ta có bờ biển dài, nên trữ lượng di sản dưới lòng nước rất lớn. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là chúng ta chưa có ngành khảo cổ học dưới nước, nên việc khai quật, khảo cổ học dưới nước chỉ dừng ở từng vụ việc nhỏ lẻ. Hầu hết các phát hiện khảo cổ học dưới nước đều là từ sự phát hiện của ngư dân, bắt buộc phải xử lý theo kiểu tình thế. Vì vậy, tại hội nghị công bố các kết quả khảo cổ học mới nhất tại Hà Nội ngày 26/9, giới khảo cổ học Việt Nam và các đồng nghiệp quốc tế đều vui mừng khi biết rằng, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho phép thành lập Phòng khảo cổ học dưới nước. Như vậy, với việc chấm dứt “gánh nặng” 3 không: không người, không tiền, không cơ sở vật chất kỹ thuật, ngành Khảo cổ đã có cơ hội mở kho di sản phong phú dưới lòng nước.

PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam chia sẻ những nỗi buồn mà ngành Khảo cổ gánh chịu suốt nhiều năm qua: Trong số 5 tàu cổ đã được khai quật, chỉ có quá trình nghiên cứu, trục vớt tàu cổ Cà Mau là do các chuyên gia trong nước đảm nhận toàn bộ từ A đến Z, còn các cuộc khai quật tàu cổ khác đều phải kết hợp với các nhà khảo cổ học và các công ty nước ngoài. Hay như việc con tàu cổ được phát hiện ở Khoái Châu - Hưng Yên chẳng hạn, sau nhiều tháng phơi mình trên cạn con tàu cũng được di chuyển về cơ quan quản lý, thì cũng đã không còn nguyên vẹn nữa. Nhưng chỉ đến lúc việc phát hiện ra con tàu cổ dưới nước tại Bình Châu, Quảng Ngãi cùng tình trạng cổ vật bị thất thoát nghiêm trọng, thì một lần nữa tình trạng “trắng” nhân lực trong khảo cổ học dưới nước, khiến giới khoa học giật mình.

Tiến hành khai quật tàu chứa cổ vật.

TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, một người tâm huyết với khảo cổ học dưới nước tâm sự: Tiềm năng các di chỉ khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất lớn. Có thể thống kê ra bao nhiêu dấu tích, qua nghiên cứu những tàng thư ở Hà Lan, Pháp… nhưng việc xác định cụ thể không phải dễ. Có một số tổ chức nước ngoài đến Việt Nam giúp xây dựng bản đồ khảo cổ học dưới nước, nhưng mọi việc không đơn giản như vậy, bởi lẽ khu vực biển Việt Nam dài, nhưng có một số phạm vi thuộc quân sự, không vào được. Hơn nữa, nếu tìm ra, việc trông giữ rất tốn phí. Nếu không nhìn thấu đáo sẽ có thiệt hại không lường được. Ví dụ, như con tàu ở tọa độ X3, Bà Rịa - Vũng Tàu tốn gần 1 tỷ tiền trông giữ, nhưng khi khai quật thì hiện vật không còn, do con tàu đó đã bị ngư dân phá. Khi phát hiện ra thì phải khai quật, mà khai quật rất tốn phí. Thêm nữa, việc thành lập lực lượng nghiên cứu khảo cổ dưới nước không chỉ đảm bảo việc nghiên cứu những con tàu đắm, bảo tồn được tài nguyên, giá trị khảo cổ ở dưới nước, mà còn giúp khám phá những chứng cứ, tư liệu quan trọng về lịch sử, về chủ quyền của dân tộc.

Điều này đặt ra một yêu cầu cấp thiết về ngành Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam. Tuy nhiên, hơn chục năm trước, Viện Khảo cổ đã đề nghị thành lập ngành Khảo cổ dưới nước, nhưng do kinh phí nên tất cả vẫn chưa đâu vào đâu. Hơn 10 năm trước, Viện Khảo cổ cũng đã cử một số cán bộ sang Australia và Thái Lan học về ngành Khảo cổ dưới nước, song, cũng không phải là chiến lược của ngành. Cùng chung mong muốn được khám phá kho tàng dưới nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng tổ chức nhiều khóa đào tạo kết hợp với Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa biển Hàn Quốc, song do thời gian cũng như kinh phí, nên số cán bộ sau khi được đào tạo ngắn ngày cũng chưa thể tự tin đảm đương được công việc mới mẻ này. Đã có lúc, nhu cầu về khảo cổ học dưới nước đã lớn tới mức Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã dự tính thành lập một trung tâm nghiên cứu văn hóa biển, thế nhưng, khảo cổ dưới nước không đơn thuần là lặn xuống nước rồi vớt đồ lên, còn cần phải có cơ sở vật chất phục vụ việc nghiên cứu, nên mọi việc chỉ là dự định dù rất tâm huyết.

Nhưng tới đây, phòng nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam sẽ được thành lập, là dấu mốc quan trọng vì là cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, đào tạo đội ngũ các nhà chuyên môn, làm sáng tỏ kho tàng vô giá của Việt Nam hiện đang ẩn sâu dưới lòng sông, biển. Trước mắt, tại 3 điểm là bến cảnh Vân Đồn, bãi cọc Bạch Đằng- Quảng Ninh và cảng Thị Nại (Bình Định) sẽ được “ra quân” với việc kết hợp cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo cổ học nước ngoài, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Dù sao, tuy muộn nhưng đây đã là một sự khởi đầu tích cực!

Nhiều phát hiện mới về tên nước Việt Nam

TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết đã nhận được thông báo về phát hiện mới, trong đó, đặc biệt là phát hiện tên nước Việt Nam trên cây bia đá ở chùa Gia Lộc (Hải Phòng), nằm ở hải đảo phía Đông của Tổ quốc vào đầu thế kỷ 18, cho thấy người xưa rất ý thức về vị trí và chủ quyền quốc gia, dân tộc. Trên chiếc chuông đồng “Dương Chú Linh tự hành cung hồng chung” treo ở Tiền đường chùa làng Hữu Bằng- Bắc Ninh đúc năm 1703 có khắc dòng chữ ghi rõ địa danh “Việt Nam quốc, Phủ Sơn phủ, Võ Giàng huyện…”. Như vậy, với những dòng chữ đã đặt ra những bài toán mới liệu có phải niên hiệu “Việt Nam quốc” đến thời vua Gia Long (1804) mới có?

Bên cạnh đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VHTT&DL Lạng Sơn và các chuyên gia Pháp, Australia khai quật di chỉ hang Cốc Mười, là một trong số ít các di chỉ cổ sinh học có trữ lượng hóa thạch lớn. Hoạt động khảo cổ học gây chú ý thời gian qua là Sở VHTT&DL Quảng Ngãi khai quật chữa cháy tàu đắm Châu Thuận Biển với tổng số hiện vật thu được là 274 thùng đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh thuộc thế kỷ 13.

Thanh Hằng
.
.
.