Khổ luyện mong thành “sao” nhạc nhẹ

Thứ Bảy, 24/05/2008, 10:51

Vừa xoay xở học đủ kiểu: học trong nhà trường, học thêm ở trung tâm, học bạn diễn, mời thầy dạy riêng, học mót qua đĩa nhạc nước ngoài, vừa học vừa gom góp những đồng tiền biểu diễn ít ỏi từ các sô diễn nhỏ lẻ và kiên nhẫn chờ có được cơ hội tỏa sáng trên con đường ca hát.
>> Giá của các "sao" nhạc nhẹ

Những cơn mưa bất chợt, liên tục nhiều ngày khiến căn phòng nơi tầng trệt của tòa nhà thuộc Cung văn hóa lao động TP Hồ Chí Minh đã loang lổ, xuống cấp và thiếu bàn tay vệ sinh thường xuyên lại càng trở nên cũ kỹ. Bên cây đàn organ và piano đã cũ mòn theo năm tháng, T.L. vẫn miệt mài cùng thầy dạy luyện đi luyện lại từng đoạn nhạc. Đối diện với cô, giữa những bàn ghế, hơn chục bạn trẻ khác vẫn kiên nhẫn… chờ.

T.L. là một trong những gương mặt khá quen thuộc tại nhiều quán bar, phòng trà và nhiều chương trình biểu diễn nhỏ lẻ khác. Không bằng lòng với những gì mình đang có nên cùng với các sô diễn kiếm tiền, chiều thứ 2, thứ 6 hằng tuần, cô lại đến với lớp thanh nhạc này để nâng cao trình độ và chờ cơ hội phát triển nghề nghiệp mới.

Anh Hoàng Vũ, giáo viên chủ nhiệm lớp, đồng thời là người phụ trách Câu lạc bộ ca sĩ trẻ của Cung văn hóa gần 10 năm nay cho biết:  Không chỉ có những người đã ra nghề như T.L., từ lâu, Cung văn hóa lao động đã trở thành địa chỉ sinh hoạt, học tập của nhiều bạn trẻ có đam mê ca hát tại thành phố. Trong số đó, có người chưa từng một lần học qua thanh nhạc, có người đã đi biểu diễn, có người là sinh viên trường nhạc viện, cao đẳng nghệ thuật. Mỗi người mỗi mục đích.

Đã có khá nhiều nhóm nhạc, ca sĩ đã hoặc đang có những vị trí nhất định trong đời sống âm nhạc từng một thời tham gia sinh hoạt, học tập tại đây: Phương Thanh, Quách Tuấn Du, các nhóm nhạc Nhật Nguyệt, Friendly, Sôcôla…

Thực tế, không chỉ có Cung văn hóa lao động mà hiện nay, tại rất nhiều trung tâm văn hóa quận, huyện, các nhà văn hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều có các câu lạc bộ ca sĩ và tổ chức các lớp thanh nhạc với số học viên dao động thường xuyên từ 10 đến 30 người.

Theo nhiều học viên thì mức học phí của các khóa đào tạo này hợp với túi tiền của khá nhiều bạn trẻ. 150.000 đồng/2 tháng học tại Cung văn hóa lao động. Tại Nhà văn hóa Thanh niên là 1,5 triệu đồng/2 tháng cho lớp thanh nhạc cơ bản, 3 triệu đồng/3 tháng cho lớp nâng cao…

Tập luyện đến một trình độ nhất định, được kết nạp vào câu lạc bộ ca sĩ, họ sẽ có cơ hội được đứng trên sân khấu trong những chương trình nhất định: biểu diễn phục vụ công nhân tại các khu chế xuất, biểu diễn phục vụ chính trị những ngày lễ, Tết... Có khi thù lao chỉ vài chục ngàn đồng, thậm chí là biểu diễn miễn phí, nhưng họ được nhiều thứ mà chưa nhà trường nào giúp được.

Minh Thảo, thành viên nhóm Nhật Nguyệt và cũng là một trong số những người bén duyên với nghề ca hát từ các lớp học thanh nhạc mang tính phong trào, kể rằng, ban đầu Thảo chỉ theo người hàng xóm đến đăng ký học cho vui. Càng học càng mê. Cô bỏ ngang chương trình học của Trường Đại học Mở bán công, mặc sự ngăn cản của gia đình.

Hết lăn lóc qua lớp đào tạo theo phong trào lại lao vào học cao đẳng văn hóa nghệ thuật. Nhưng rồi ngay cả những huy chương vàng tiếng hát sinh viên các trường du lịch, giải thưởng tiếng hát học sinh, sinh viên cho đến giải tiếng hát phát thanh của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng không giúp Thảo bật lên tỏa sáng trên các sân khấu lớn.

Cho đến hôm nay, cô cùng nhóm nhạc của mình vẫn lăn lộn với nghề, vẫn xông pha khắp nơi, từ các sô diễn trong quán bar, phòng trà đến ngoại tỉnh. Mới đây, Thảo còn hồ hởi báo tin, từ tiền biểu diễn tích lũy được, cô và nhóm Nhật Nguyệt đã ra được album đầu tay.

Thực tế, tại các trung tâm đào tạo, các câu lạc bộ ca sĩ hiện nay, chúng tôi vẫn bắt gặp vô số những bản sao của Minh Thảo ngày nào. Nhiều giáo viên cũng nhận xét, không phải bạn trẻ nào cũng có khả năng tỏa sáng trên con đường ca hát.

Trong quá trình đào tạo, các thầy cô đều chú ý sàng lọc, giúp các bạn tự nhận ra khả năng của mình để có điểm dừng đúng lúc. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có những lời khuyên bảo chí tình, kịp thời và không phải lúc nào các bạn trẻ cũng đủ tỉnh táo để kịp nhận ra điểm dừng đúng lúc

N.Hoa
.
.
.