Khi phim ảnh bảnh hơn văn chương

Thứ Bảy, 19/03/2005, 07:10
Làm phim thị trường bây giờ từ lúc chọn diễn viên đã được quảng cáo trên báo chí. Trong khi đó, một nhà văn viết cuốn sách “vật vã” cả năm, đến khi chạy tiền in được sách, mang biếu khắp nơi… thì chưa chắc đã được các báo điểm sách cho vài dòng. Thế nhưng, có một điều trái khoáy là rất nhiều phim nổi tiếng là nhờ vào “hồn cốt” những tác phẩm văn học!

Đầu năm, ngồi “tính sổ” lại, thấy đời sống văn nghệ của một năm qua có mặt này mặt kia còn yếu kém, chưa được, nhưng nhìn chung có nhiều chuyển động, nhiều màu sắc hơn. Đặc biệt, năm qua có thể được xem là năm của phim ảnh (phim truyền hình và điện ảnh). Đã bắt đầu có những cuộc chạy đua với phim truyền hình Hàn Quốc, khi các hãng truyền hình trong nước chịu đầu tư kịch bản và công nghệ làm phim một cách bài bản có chiều sâu hơn. Từ Dốc tình, đến 39 độ yêu, Lẵng hoa tình yêu, Công ty thời trang, v.v… toàn những tên phim nghe quyến rũ, cho thấy những người làm truyền hình đã tính rất nhiều đến việc níu khán giả quay trở lại với phim trong nước.

Bên điện ảnh thì rõ ràng là đang có một cuộc đua quyết liệt về phim thị trường giữa các hãng phim. Sau thành công về mặt doanh thu của Gái nhảy, Lọ lem hè phố, đạo diễn Lê Hoàng dù đã khóc ấm ức (ở liên hoan phim lần thứ 14 tại Buôn Ma Thuột) khi phải chịu đựng những “khinh khi” về thể loại phim này, ông vẫn tiếp tục với Nữ tướng cướp. Và, tết này cùng với Nữ tướng cướp, thì Khi đàn ông có bầuLấy vợ Sài Gòn sẽ là món “đặc sản” cho những khán giả ghiền phim.

Không khó lắm để nhận ra, cùng với việc bùng nổ phim truyền hình, sự ra đời ồ ạt của các hãng phim tư nhân với sản phẩm phim thương mại ăn tiền hay phim nghệ thuật ăn giải… thì có lẽ chưa bao giờ các nhà làm phim đói kịch bản như hiện nay. Trong khi đó phim ảnh Việt Nam vẫn thiếu vắng những cây bút kịch bản chuyên nghiệp và hoàn toàn không có tổ chế tác kịch bản phim. Cách làm khả dĩ hiệu quả nhất là chuyển thể hoặc phỏng theo một tác phẩm văn học nào đó. Đất và Người là từ Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Đường đời là từ Nợ đời của Hoàng Dự, Con nhà nghèo là dựng trên nền tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, v.v…

Đấy là bên truyền hình. Còn phim thương mại có Bẫy tình của Việt Phim là dựa theo phóng sự Lục xì và tiểu thuyết Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng. Việt Phim cũng đang có kế hoạch làm tiếp một số phim dựa theo tác phẩm của các nhà văn thuộc dòng văn học 1930-1945 như: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố…

Riêng các phim ăn giải thì hầu hết được chuyển thể từ những tác phẩm văn học, như: Người đàn bà mộng du (từ tiểu thuyết Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu), Của rơi (từ truyện ngắn Của rơi của Nguyễn Việt Hà), Thời xa vắng (từ tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu), Mùa len trâu (từ tập truyện Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam), v.v…

Cứ theo “luật” hiện nay, khi tác phẩm văn học được dựng phim thì đương nhiên nhà văn được hưởng phần trăm. Các nhà văn có lẽ cũng phấn khởi khi được nhận khoản phần trăm ấy và được thấy đứa con tinh thần của mình xuất hiện trên màn hình. Họ có thể sẽ nổi tiếng hơn. Thế nhưng, có lẽ họ sẽ vui hơn rất nhiều khi tác phẩm của họ được tái bản và được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Song điều ấy là không tưởng. Mà, giả thử bây giờ có tái bản Thời xa vắng, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Hương rừng Cà Mau… thì liệu chúng ta có thể đón nhận chúng như “tình yêu thuở ban đầu” không?! Nói thế để thấy điện ảnh bao giờ cũng có một sức quyến rũ rất riêng, rất đặc biệt. Và, nói thế để thấy văn chương bao giờ cũng có một thế giới riêng của nó, với những độc giả trung thành qua những mốc thời gian khác nhau.

Ấy vậy mà, bây giờ có nhiều nhà văn khi mới manh nha ý tưởng tác phẩm đã nhấp nhỏm nghĩ  chuyện lên phim. Còn công chúng thì chỉ thực sự chú ý đến tác phẩm văn học một khi nó được chuyển thể kịch bản phim truyền hình hay điện ảnh. Trong khi đó, có một thực tế mà ai cũng biết là, một tác phẩm văn học hay chưa chắc đã là một phim hay, còn một phim hay có khi được chuyển thể từ một tác phẩm văn học… dở (!).

Một năm qua, trong khi phim ảnh rộn ràng bao nhiêu, thì văn chương lại lặng lẽ bấy nhiêu. Nhiều cuộc thi thơ và văn đã khép lại mà không gây nên tiếng vang nào, bởi những giải cao được trao cho những cây bút thơ nghiệp dư với lối thể hiện kiểu thương nhớ bâng khuâng vừa phải, vô hại. Cuộc thi Văn học tuổi trẻ của NXB Thanh niên có những tác phẩm được báo cáo là chất lượng tốt nhưng độc giả không thể kiểm định được khi những tác phẩm đoạt giải chưa được đưa vào kế hoạch xuất bản. Đọc mấy chục cái truyện ngắn vào chung kết cuộc thi truyện ngắn của một tờ báo uy tín văn chương mà không thấy không có cái đỉnh nào, chỉ thấy cũ kỹ từ đề tài đến bút pháp.

Đấy là nói chuyện thi thố, còn những tác phẩm gây xôn xao… nhưng có lẽ cũng chỉ là đọc một lần (!). Cũng có những cuốn đọc rất thích như: Tấm ván phóng dao của Mạc Can. Nhưng, có lẽ người ta khen ngợi cuốn sách này vì nó được viết bởi một “ông hề” nhiều hơn là đánh giá nó như tác phẩm của một người cầm bút bình thường. Và, người ta cũng khen ngợi nó theo cái kiểu: “Làm phim sẽ rất hay vì có nhiều hình ảnh!”… Cụ thể Tấm ván phóng dao đã được đạo diễn Việt Linh “xí” trước để làm phim ăn giải, sau đó hãng phim Truyền hình TFS cũng có kế hoạch chuyển thể tiểu thuyết này thành phim truyền hình nhiều tập. Riêng Mạc Can đi đâu cũng nghe những lời đề nghị, đại loại: “Ông viết cái gì để làm phim đi!”…

“Viết cái gì để làm phim đi”- là viết cái gì đó để có thể chuyển thể thành phim, để kiếm được món tiền phần trăm, để sách dễ bán, để được nhắc đến nhiều hơn… Và, nếu có giỏi nữa thì hãy chuyển hẳn sang viết kịch bản phim sẽ dễ sống hơn. Đấy là những lời đề nghị, những lời khuyên chí lý dành cho các nhà văn mà đi đâu họ cũng gặp. Chao ôi, biết đến bao giờ mới qua cái thời phim ảnh “bảnh” hơn văn chương? Biết đến bao giờ các nhà văn Việt Nam mới có thể sống ung dung tự thích bằng chính tài năng với những tác phẩm văn học đích thực của mình

Linh Chi
.
.
.