Khi đào tạo người viết văn ế khách

Chủ Nhật, 26/07/2009, 15:50
Năm 2009, Trường Đại học Văn hóa tuyển khóa 12, nhưng chỉ nhận được vỏn vẹn 30 hồ sơ. Nhà trường quyết định tuyển nguyện vọng 2 để có thêm người học.
>> "Không phải cứ học viết văn là sáng tác được"

Đã một thời, Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình Văn học (ST&LLPBVH) của Trường Đại học Văn hóa, tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du được gọi là "ngôi đền thiêng" của đất nước. Bởi đây là nơi góp mặt của nhiều nhà văn, nhà thơ đã thành danh. Họ về trường, thực tế không phải để học trở thành nhà văn, mà về để được bồi dưỡng, được đối thoại, học hỏi… Cho đến hết khóa 6 thì chủ yếu là học sinh THPT thi vào.  

"Ngôi đền thiêng" không còn thiêng.

Trường Đại học Văn hoá Hà Nội quyết định giao cho Khoa ST&LLPBVH được phép tuyển nguyện vọng 2 đối với các thí sinh đã thi vào các khoa Ngôn ngữ, Văn học ở các trường đại học khác trên phạm vi cả nước với lý do Khoa đã nhận được quá ít hồ sơ. Thông tin này đã được đăng tải trên Vietvan.vn, là website của Khoa. Nội dung có ghi:

Điều kiện xét nguyện vọng 2:

a. Đạt điểm sàn (theo quy định của Bộ GD&ĐT) trở lên.

b. Chấm tác phẩm sơ tuyển:

- Nếu là văn xuôi (truyện ngắn, ký), bài lý luận - phê bình văn học: tối thiểu 03 tác phẩm.

- Nếu là thơ: tối thiểu 5 tác phẩm. Khuyến khích những tác phẩm đã đăng báo, tạp chí. Các tác giả đã đoạt giải trong các cuộc thi sáng tác văn học cấp Trung ương sẽ được xét ưu tiên; đề nghị nộp bản photocopy tác phẩm và trang bìa, Quyết định hoặc Giấy chứng nhận đoạt giải.

Khi biết tin này, một số phụ huynh học sinh đang theo học, những người quan tâm tỏ ra bức xúc. Họ đặt ra câu hỏi: "Trường đào tạo viết văn mà phải hạ thấp mình lấy nguyện vọng 2, thì còn giá trị gì của văn chương nữa". Có người đưa ra ý kiến nghiệt ngã: "Trước đây, mấy trăm hồ sơ gửi về, nhà trường lựa chọn khoảng gần 40 học viên mà chất lượng còn èo uột. Nay lấy nguyện vọng 2 của những trường khác (là những người không đỗ ở trường đó) về, thì chất lượng còn xuống dốc đến đâu". Việc làm khó hiểu này của Trường Đại học Văn hóa sẽ khiến cho nhiều người yêu văn xa lánh với họ. Không biết khi quyết định tuyển nguyện vọng 2, cán bộ nhà trường có nghĩ đến hậu quả của nó, rằng chính họ đã làm giảm uy tín của mình. Nhất là uy tín của một khoa chuyên đào tạo văn chương.

Có ý kiến khác cho rằng, với con số 30 hồ sơ như năm nay, nhà trường cứ "nhặt" lấy 15 và đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu là được. Con số 15 này, là những người thực sự dũng cảm chọn lấy nơi mà mình thích học. Nhưng vì một vài lý do, trong đó có lý do kinh phí, khiến cho nhà trường đã vội vàng quyết định tuyển nguyện vọng 2 để lấy cho đủ số người. Họ không biết (hoặc làm ngơ), làm như vậy sẽ khiến chất lượng tuyển sinh giảm sút trầm trọng, mà không ai có thể chắc chắn rằng, việc tuyển nguyện vọng 2 sẽ không dẫn đến những tiêu cực. Ví như để cố gắng vào được trường, thí sinh nhờ người viết tác phẩm, hoặc lấy tác phẩm của người khác để nộp.

Lại nữa, việc tuyển nguyện vọng 2 sẽ không thể tránh khỏi tình trạng không có cá lấy cua làm trọng. Những người đã làm hồ sơ thi vào khoa Ngôn ngữ, Văn học chưa chắc đã là những người có khả năng sáng tác. Còn nói, họ vào Khoa ST&LLPBVH để học nghiên cứu, phê bình thì nơi đây cũng chưa phải là nơi thích hợp, vì họ cũng chưa có giáo trình riêng cho chuyên ngành của mình, mà chỉ thấy việc gì nên học (theo ý họ) thì mời thầy về giảng. Việc đào tạo cũng vì thế mà bị loãng, hiệu quả không cao.

Nhà văn Văn Giá - Trưởng Khoa ST&LLPBVH trả lời trên Báo Tiền phong, khi được hỏi về việc tuyển sinh của năm 2009 rằng: "Như đã nói, mọi năm thi đợt riêng, thí sinh đã thi một trường khác, rồi họ mới thi vào Khoa viết văn. Để an toàn mà. Nên mới có chuyện ở các khoá trước khá nhiều người họ thi đỗ trường khác rồi, khi đỗ ở viết văn, họ đã bỏ trường khác để về đây theo học. Cho đến nay (trước khi bước vào thi) mới có già 30 hồ sơ. Nhưng rất có thể số này đã "sống chết" với lựa chọn này rồi".

"Ngôi đền thiêng" văn chương đã không còn thiêng nữa. Nhất là từ khi được sáp nhập vào Trường Đại học Văn hóa, trở thành một khoa chuyên ngành của trường này. Mùa tuyển sinh năm 2009, cùng với sự "xuống hạng" trong việc tuyển nguyện vọng 2, uy tín đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giờ Khoa ST&LLPBVH đã hoạt động một cách ồ ạt hơn, mang tính thị trường hơn chứ không còn là ngôi nhà văn chương thuần túy nữa. Nhiều người thi đỗ, bước vào năm thứ nhất đã cảm thấy hoang mang. Hoang mang vì họ không biết rằng, với quy cách đào tạo như thế, với vốn hiểu biết còn hạn chế của mình, sau bốn năm học, họ sẽ làm gì? Viết văn ư? Làm báo ư? Hay vặt vãnh làm một công việc gì đó? Họ sẽ nhận thấy một khả năng hạn chế và một chút đam mê cỏn con của mình sẽ chẳng thấm tháp gì so với biển đời mênh mông này.

Học viết văn có còn thiết thực?

Không ai có thể phủ nhận sự nhiệt tình của nhà văn Văn Giá, khi ông về đảm nhiệm trọng trách Trưởng khoa, đồng thời có sự đóng góp công sức tích cực của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình được mời đến giảng dạy. Thế nhưng cái cách tuyển sinh, giảng dạy thì còn nhiều việc phải bàn.

Ví như sự tuyển mộ ồ ạt như hiện nay, chẳng những sẽ khó mà tận lực chăm chút cho những người có năng khiếu thực sự, chất lượng dạy và học cũng chẳng thể đạt được như mong muốn. Bởi vì, tìm đâu ra nhiều người có năng khiếu, có khả năng sáng tác, làm phê bình mà năm nào cũng chiêu sinh mấy chục người.

Công nhận rằng, đất nước ta là đất nước yêu văn chương và chưa bao giờ phong trào sáng tác lại nở rộ như hiện nay. Chuyện yêu văn chương và chuyện có khả năng sáng tác hay không lại là chuyện khác. Những em học sinh có thể có một chút yêu, một chút năng khiếu, nhưng chưa phải là những người thực sự có nội lực để đồng hành với văn chương theo suốt hành trình dài và xa tít tắp.

Cán bộ của Trường Đại học Văn hóa, đặc biệt là của Khoa ST&LLPBVH không phải không biết điều đó. Nhưng vì sao sự việc vẫn diễn ra, khoa chuyên ngành viết văn kiểu này vẫn cứ tồn tại? Chỉ có thể giải thích rằng: Vì Khoa vẫn còn có lợi cho một số người. Đối với nhà trường, việc tuyển mộ nhiều sẽ tạo công ăn việc làm, liên tục, giảm thiểu chi phí hoạt động và quản lý. Đối với một số học viên, ít nhất cũng có được tấm bằng đại học, dù không có khả năng sáng tác. Họ cứ học, cứ dò dẫm viết những tác phẩm tủn mủn, cỏn con, cũ rích để rồi khi ra trường, chẳng biết mình sẽ làm gì, sáng tác thế nào.

Phải khẳng định lại rằng, không thể đào tạo được người viết văn. Người viết được văn là người cảm thấy mình cần phải viết, như một thứ định mệnh và thành công lớn hay nhỏ là phải nhờ trời. Trời cho bao nhiêu thì được bấy nhiêu. Còn nói: "Không đào tạo được, nhà trường chỉ bồi dưỡng, định hướng cho các học viên, cung cấp cho họ kiến thức cơ bản…" thì chưa thuyết phục. Để có thể tiếp nhận được sự bồi dưỡng kia, đòi hỏi học viên phải có một cái vốn nhất định, một sự hiểu biết kha khá về đời sống văn học cũng như đời sống xã hội nói chung, mới có thể "đắp" thêm được. Với những cái đầu còn quá non nớt, trống rỗng thì bồi đắp kiểu gì đây? Đắp vào đâu đây?

Vừa rồi trên một số tờ báo, nhà văn Văn Giá có trả lời, đại thể ông nói Khoa ST&LLPBVH tuy dạy văn nhưng vẫn hướng đến nghề báo. Trong số những người học viết văn không phải tất cả đều viết được văn. Những số này trong quá trình học, Khoa có nhiệm vụ phát hiện ra và định hướng giúp họ tiếp cận thêm một số lĩnh vực chuyên môn khác, trong đó đặc biệt hướng vào nghề báo. Đây là một cố gắng lớn và ít nhiều đã có hiệu quả.

Trên thực tế, rất nhiều sinh viên của Khoa hướng đến nghề báo và chủ yếu dựa vào nỗ lực tự học của bản thân (số tiết được học trên lớp rất ít và muốn học thêm thì đóng tiền học lớp riêng). Và như vậy, dường như là đi ngược lại với cái tên của Khoa là "Sáng tác và Lý luận phê bình Văn học". Nếu cứ hướng đến nghề báo, thì sao không đổi tên thành khoa "Văn - Báo" hay một cái tên nào đó thích hợp hơn.

Học viết văn có còn thiết thực, khi mà học ra không viết được văn và sinh viên ra trường phải đôn đáo tìm việc khác để kiếm sống? Những người tuyển sinh, những người đào tạo nên quan tâm đến điều này. Học viên bây giờ làm điều gì cũng chủ yếu theo phong trào, đi học ở Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du cũng theo phong trào. Và rất nhiều người hoàn thành xong ba tháng đều tự hào khoe mình đã tốt nghiệp ở một trung tâm bồi dưỡng viết văn lớn.

Một số học viên đã học xong ngành viết văn mà chẳng viết được văn, nếu họ được đào tạo ở một trường nào đó khác, biết đâu cơ hội việc làm của họ sẽ lớn hơn, họ sẽ sống tốt hơn là ôm một cái mộng bé, với một niềm thích thú be bé, cộng với sự cố gắng hời hợt để chịu thất nghiệp giữa cuộc đời. Phần lớn những học sinh trong vài khóa trở lại đây, khi đi thi vào ngành viết văn họ đều hiểu rất ít về ngôi trường này. Họ cũng chẳng biết họ thực sự có khả năng và "chín" về niềm đam mê hay không nữa. Nếu họ lựa chọn kỹ càng hơn, chín chắn hơn thì bản thân họ sẽ chẳng phải gặp quá nhiều trở ngại lúc ra trường.

Lại nữa, những người quyết định thi vào học ngành viết văn cũng nên nhìn nhận lại mình. Nếu anh có khả năng thực sự và sự dấn thân của anh xuất phát từ niềm đam mê văn chương thì anh hãy chọn lấy nơi thích hợp nhất để học, để có thể có một công việc thích hợp nhất. Còn không, cũng sẽ trở thành những người "khua khoắng" văn đàn.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, trong một lần nói chuyện chỉ ra rằng: "Khoa ST&LLPBVH là nét đặc biệt của hệ thống đào tạo bậc đại học ở Việt Nam. Học ở đấy ra, tức là anh phải trở thành nhà văn. Còn nếu không thành được nhà văn, đi xin việc ở các ngành nghề khác khó lắm. Theo tôi biết, Khoa cũng gặp phải vấn đề tuyển sinh. Hầu hết các em sau khi tốt nghiệp ra đều làm báo. So với Khoa, Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du có lẽ "tài tử" hơn, song lại thiết thực hơn cho người viết văn".

Để lấy lại thương hiệu

Con số 30 hồ sơ dự thi vào Khoa ST&LLPBVH chứng tỏ sự thất bại của một mùa tuyển sinh. Những năm trước, Khoa tổ chức thi sau kỳ thi tuyển sinh đại học trên toàn quốc, nên học sinh có cơ hội thi hai trường và có quyền lựa chọn. Năm 2009, Trường Đại học Văn hóa quyết định cho thí sinh thi vào Khoa ST&LLPBVH thi cùng đợt II, và kết quả là có 30 người nộp hồ sơ (kể cả hồ sơ ảo).

Nhiều học sinh đã chẳng dám mạo hiểm đánh cược một năm của mình, chỉ để làm một hồ sơ nộp vào Đại học Văn hóa. Trong khi những năm trước, đều có đến hơn 200 hồ sơ nộp dự thi (tất nhiên trong số đó có cả những người chỉ thích văn chương một chút cũng may mắn đỗ). Điều đó chứng tỏ nhu cầu học ngành viết văn của học sinh không còn nhiều và việc ồ ạt tuyển sinh kiểu không có cá lấy cua làm trọng như hiện nay là hoàn toàn không hợp lý.

Tôi không dám phủ nhận sạch trơn vai trò và tác dụng của Khoa ST&LLPBVH, điều đó sẽ phần nào tổn hại đến uy tín của Khoa. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá sự việc một cách khách quan. Chúng ta nên xét xem trong mấy năm qua, Khoa đã đào tạo ra những ai và những người đó đóng góp thế nào vào đời sống văn học trong nước.

Phần lớn những người được gọi là nổi lên, là những người đã từng viết và hăng hái viết từ trước khi vào trường. Họ cũng đã có lưng kiến thức và vốn sống kha khá. Niềm đam mê của họ đã và đang được chưng cất, chứ không phải đợi đến khi học trường viết văn nó mới hình thành. Vậy thì, phải lựa chọn những đối tượng đó, bồi dưỡng những người đó mới mong làm cho đời sống văn học trong nước thêm sôi động. Còn không, sẽ chỉ đào tạo ra những con người nhờ nhờ, với cây viết èo uột, kém sức sống. Mà điều đó thì chẳng ai mong muốn

Ngô Thục Miên
.
.
.