Khi cầu thủ treo giày

Thứ Ba, 14/06/2005, 07:12

Sau khi giã từ sân cỏ, họ sẽ trở thành một HLV nổi tiếng như Kevin Keegan, một chính khách cao cấp như Michel Platini và Pele, nhà báo thể thao kiêm bình luận viên truyền hình đắt khách như Bobby Charlton... Đó chỉ là một số ít may mắn. Còn phần lớn cầu thủ khác kể cả những chân sút thuộc hàng ngôi sao phải trải qua một cuộc sống hậu sân cỏ chật vật.

Điển hình trong số đó là cầu thủ trụ cột một thời của Câu lạc bộ Manchester United Paul McGrath - một kẻ nghiện rượu vô gia cư, sống nhờ vào sự thương hại của bạn bè và tiền trợ cấp phúc lợi xã hội, hai lần bị bắt giam với tội danh “gây mất trật tự nơi công cộng”. Cựu ngôi sao của Câu lạc bộ Arsenal và Aston Villa là Paul Merson thì trải qua một cuộc sống quá cơ hàn kể từ khi rời khỏi Đội Aston Villa, mọi người luôn thấy anh chàng này say mèm trên đường. Mới đây, Paul Merson đã bị Cảnh sát Anh tống giam vì tội vũ phu đánh cô vợ cũ trong tình trạng say be bét. Danh thủ Maradona thì phải liên tục vào trại cai nghiện ma túy ở Cuba, Argentina, Colombia... để tự cứu mình thoát khỏi cái chết từ bệnh tim mạch, béo phì và suy hô hấp.

Paul McGrath (phải) chìm ngập trong bia rượu.

Cựu danh thủ Đội tuyển Anh Paul Gascoigne, một thời được xem là tiền vệ có tài tổ chức bóng tốt nhất thế giới, nhưng tài năng lẫn danh tiếng sớm tắt lịm bởi tật nghiện rượu! Hễ mỗi khi nhắc đến cái tên Gazza (biệt danh của Gascoigne) là người ta lại nghĩ ngay đến hình ảnh một anh chàng say xỉn suốt ngày, hay gây gổ và đánh nhau với bất cứ ai. Gazza thất nghiệp và sống như một kẻ du thủ du thực sau khi từ giã sân cỏ... Nhưng tháng 4/2005, người hâm mộ lần nữa chứng kiến nước mắt của Gazza rơi lã chã trên khuôn mặt dạn dày sương gió, nhưng lần này là những giọt nước mắt hạnh phúc khi bước lên bục nhận giải thưởng lớn về... văn chương!

Gazza đã nhận được giải đặc biệt tại lễ trao giải về sách lần thứ 16 của nước Anh (British Book Awards) với cuốn tự truyện nhan đề "Câu chuyện của tôi" (My Story) khiến nhiều người ngạc nhiên lẫn thán phục! Khán phòng như lặng đi khi nghe Gascoigne phát biểu: "Đây là chiến thắng thứ ba của tôi trong nhiều năm qua. Đầu tiên là chiến thắng những cơn nghiện rượu, thứ hai là chiến thắng sự cám dỗ của ma túy... Cảm ơn tất cả mọi người đã ủng hộ tôi!”. Một tấm gương đầy nghị lực cho các cầu thủ sau khi giải nghệ, Gazza gần như suy sụp, không một công ty hay xí nghiệp nào nhận anh vào làm. Những đội bóng từ Mỹ đến Trung Quốc ruồng bỏ anh! Chìm ngập trong rượu và ma túy nhưng cuối cùng Gazza đã gượng dậy thật mạnh mẽ như lúc thi đấu cho Đội tuyển Anh ở World Cup 1990!

Có phải các cầu thủ bóng đá đều rơi vào cuộc sống khốn khổ sau khi chia tay bóng đá? Rất may sự thực thì không quá bi thảm như vậy...

Maradona đang phải đối mặt với nhiều căn bệnh quái ác.

Ngày nay, các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đã biết khôn khéo hơn trong việc thu xếp cho họ một sự nghiệp xán lạn sau khi từ giã sân cỏ. Nhiều người vẫn tiếp tục ở lại với bóng đá trên cương vị bình luận viên, HLV, ông bầu hay các nhà môi giới cầu thủ, trong khi nhiều người khác đã thành công ở những lĩnh vực hoàn toàn mới như danh thủ Ian Wright đang là chủ một chương trình phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng trên truyền hình, Eric Cantona là một diễn viên điện ảnh đã đóng trên 20 phim ở châu Âu.

Hay Lee Chapman đang điều hành một hộp đêm tại khu West End... Riêng Gary Mabbutt, từng là Đội trưởng của Tottenham, đang hạnh phúc với nghề tư vấn thể thao và trong 3 năm qua ông đã 8 lần từ chối lời mời làm HLV ở các câu lạc bộ bóng đá khá nổi tiếng.

Cách đây khoảng một thập niên, lương của các cầu thủ bóng đá được trả rất thấp và họ đã giã từ bóng đá mà không hề có chút vốn liếng nào để chuẩn bị cho tương lai. Hầu hết đều gặp khó khăn khi chuyển cuộc sống của một cầu thủ sang một người bình thường, vì ngoài bóng đá hầu như họ chẳng có nghề nghiệp gì khác. Các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp bắt đầu chơi bóng từ năm 11 tuổi hoặc sớm hơn và họ chỉ biết có mỗi cách làm sao điều khiển quả bóng cho đến khi treo giày. Và, không phải ai xỏ giày ra sân đều trở thành những siêu sao giàu có với tài sản khổng lồ như Beckham, Zidane, Ronaldo, Totti, Ronaldinho... Phía sau những ngôi sao giàu sụ này còn có hàng triệu cầu thủ chỉ lãnh một số tiền ít ỏi mỗi tuần trên khắp thế giới!

Đó là cuộc sống thực tế với cơm - áo - gạo - tiền, nhưng một trong những khó khăn lớn nhất của một số cựu cầu thủ là họ cảm thấy hụt hẫng khi đối diện thực tế, bởi họ không còn là những người hùng, tâm điểm của giới truyền thông hay người hâm mộ. “Khi tôi trở thành người thừa của đội bóng và quyết định treo giày thì cũng kể từ đó, chẳng có ai quan tâm đến tôi và chiếc điện thoại cũng không hề reo lên từ đó!” - một cựu cầu thủ Italia thổ lộ.

Một số ít người khác lại cho rằng, các cầu thủ gặp trắc trở sau khi treo giày do lỗi của chính họ vì họ đã không biết dè xẻn chi tiêu, dành dụm cho tương lai mà chỉ biết uống rượu, đánh bạc,... Đó có thể là một lập luận logic, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Nói chung, những người có trách nhiệm đang cố gắng đẩy lùi tình trạng đầy u tối này khỏi thế giới bóng đá, giúp các cầu thủ có cuộc sống tươm tất hơn sau khi từ giã sân cỏ.

Ngày nay, ở Anh, các cầu thủ phải đóng góp lệ phí cho Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp (PFA) trong suốt sự nghiệp, đổi lại, họ được PFA cung cấp những lời khuyên và chỉ dẫn để lên kế hoạch “hậu bóng đá”. Một trong những cách chăm sóc cầu thủ quan trọng nhất là đưa ra những lời khuyên về nghề nghiệp. Nhiều cầu thủ hiện đang theo học những khóa đào tạo nghề cho tương lai và hầu hết các khóa này do PFA đứng ra tổ chức và trả chi phí. Nếu sau khi giải nghệ, các cầu thủ vẫn gặp khó khăn, PFA sẽ tiếp tục giúp đỡ họ

A.B (tổng hợp)
.
.
.