Khi V.League mang màu sắc... phong trào

Thứ Bảy, 26/04/2014, 14:10
Hôm nay, cầu thủ Quảng Ninh sẽ ra sân đá trận đầu tiên của lượt về V.League 2014 với đội dẫn đầu Thanh Hóa. Nhưng nói như một cầu thủ Quảng Ninh thì đấy là "chúng tôi ra sân vì người hâm mộ, chứ chúng tôi chán cái cảnh người ta lãnh đạo, điều hành đội bóng lắm rồi".

Suốt hai, ba ngày qua những nhà tổ chức V.League phải run run với thông tin Quảng Ninh có nguy cơ bỏ giải. Bỏ vì tính đến lúc này cầu thủ Quảng Ninh vẫn chưa nhận được một đồng tiền thưởng nào sau hàng loạt trận đấu, và hàng loạt cống hiến từ đầu giải tới nay. Bỏ vì khi một số doanh nghiệp trên địa bàn quyết định thưởng đội 500 triệu đồng thì lãnh đạo lại có ý đưa khoản thưởng này vào quỹ đội, thay vì trực tiếp "giải ngân" cho cầu thủ như những gì cầu thủ mong muốn. Thế là các cầu thủ đã đình công và dọa "bỏ cuộc đồng loạt" cho đến trước khi có cuộc ngồi lại với nhau vào cuối giờ chiều qua.

Nhưng theo những thông tin mà chúng tôi có được thì các cầu thủ Quảng Ninh mới chỉ chấp nhận đá nốt trận đấu hôm nay. Có nghĩa là sau trận hôm nay, chuyện cầu thủ Quảng Ninh tiếp tục đình công, và CLB Quảng Ninh có nguy cơ bỏ giải vẫn là chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

V.League 2013 từng diễn ra chuyện cầu thủ Kiên Giang bị nợ lương, thưởng, nên cũng đồng loạt đình công, và chỉ suýt nữa Kiên Giang bỏ cuộc giữa chừng. 24 giờ trước trận chung kết ngược Kiên Giang - Ninh Bình trên sân Ninh Bình, những nhà điều hành V.League và cả các lãnh đạo VPF đều đã run run lo sợ cầu thủ Kiên Giang không ra sân đá. Phải sau rất nhiều cuộc điện thoại đường dài, và sau khi Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng tìm nguồn "tiếp đạn" cho Kiên Giang thì tất cả mới thở phào với việc: Kiên Giang sẽ ra Ninh Bình.

Nhưng kết thúc V.League 2013, số phận của Kiên Giang như thế nào, chuyện các cầu thủ Kiên Giang kéo tới nhà lãnh đạo đội đòi tiền, rồi chuyện Kiên Giang chính thức rút tên khỏi bản đồ V.League diễn ra như thế nào là chuyện mà cả làng đều biết.

Từ Kiên Giang đến Quảng Ninh, người ta nhìn thấy một "mẫu số chung", là rất nhiều đội bóng đang phải trầm trọng đối diện với chuyện "đầu tiên" (tiền đâu?), và với cái chuyện nan giải ấy, V.League có thể mất đi một, hai, thậm chí là ba, bốn đội bóng cùng lúc là điều hoàn toàn có thể. Thực tế thì mùa giải năm nay, sau khi Ninh Bình bỏ cuộc, những nhà làm giải đã tính đến việc sẽ tiếp tục có những đội bỏ cuộc tiếp theo.

Những phép tính mà với nó, chắc chắn ông trưởng giải người Nhật Tanaka Koji cảm thấy không dễ chịu chút nào. Những phép tính mà với nó, giải chuyên nghiệp của chúng ta cứ khiến người ta liên tưởng đến giải bóng đá phong trào toàn quốc.

Vì chúng ta không nghiêm ở khâu "đầu vào" nên bây giờ mới phải khốn khổ với cái nguy cơ đua nhau bỏ giải như thế này?

Hiếu Hà
.
.
.