Khai mạc lễ hội văn hóa “Sắc Xuân Tây Bắc”

Thứ Bảy, 05/04/2014, 19:25
Sáng nay 5/4/2014, lễ hội văn hóa “Sắc Xuân Tây Bắc” do Ủy ban Dân tộc miền núi, UBND Tỉnh Lào Cai và Viettel phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc tại thị trấn Sapa.

Chắt lọc những nét tinh túy nhất của các lễ hội mùa xuân vùng cao với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, sự kiện đã thu hút hàng chục nghìn người dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế tham gia. Tham gia lễ hội, đồng bào các dân tộc tại 6 tỉnh Tây Bắc nói chung, Sa Pa nói riêng và du khách được đắm mình trong một không gian đậm đà bản sắc với màn trình diễn trang phục dân tộc, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức và nghe giới thiệu về sự tinh túy, công phu và triết lý văn hóa trong ẩm thực của đồng bào Tây Bắc.

Nhân dịp này, người dân địa phương cũng được trải nghiệm miễn phí các sản phẩm, dịch vụ của Viettel, trong đó có Bộ tính năng Tomato Buôn làng; được hướng dẫn sử dụng các dịch vụ viễn thông vào mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình và tham gia vào nhiều trò chơi đố vui với những phần thưởng có giá trị cao.

Một số hoạt động tại lễ hội.

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đánh giá cao ý tưởng và công tác tổ chức lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc” của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, cho rằng, việc tạo ra những “sân chơi”, lễ hội hoành tráng như “Sắc xuân Tây Bắc” là hết sức cần thiết để giúp bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Chia sẻ về ý nghĩa chương trình “Sắc Xuân Tây Bắc”, bà Phạm Thị Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel cho biết: “Lễ hội “Sắc Xuân Tây Bắc” được tổ chức lần này được coi như một món quà tinh thần mà Viettel gửi tặng đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Đây không chỉ là dịp để bà con được giao lưu, phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình mà còn là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế tận mắt tìm hiểu, cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc; và chia vui với chúng tôi về thành công của Bộ tính năng Tomato Buôn làng sau một năm cung cấp.”

Chính thức ra mắt vào tháng 1/2013, Bộ tính năng Tomato Buôn làng là sản phẩm dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Được thiết kế dựa trên những nghiên cứu sâu sắc về tập quán văn hóa và sinh hoạt của đồng bào, Bộ tính năng Tomato Buôn làng ngay từ khi ra đời đã được sự đón nhận của đông đảo bà con và đạt con số 1,86 triệu thuê bao chỉ sau một năm cung cấp.

Với triết lý “Mỗi khách hàng là một con người – một cá thể riêng biệt, cần được tôn trọng, quan tâm và lắng nghe, thấu hiểu và phục vụ một cách riêng biệt”, Bộ tính năng Tomato Buôn làng là sản phẩm viễn thông đầu tiên ở Việt Nam hỗ trợ 10 ngôn ngữ của đồng bào dân tộc (Khơ me, Gia rai, Tày Nùng, Mông, Dao, Thái, Mường, Ba Na, Ê đê, H'rê). Giá trị nhân văn của Bộ tính năng Buôn làng thể hiện ở sự trân trọng của Viettel đối với ngôn ngữ của đồng bào dân tộc. Thay vì cung cấp tổng đài bằng tiếng Kinh như thông thường, Viettel cung cấp tổng đài giải đáp với 10 ngôn ngữ, giúp bà con tiếp cận với dịch vụ viễn thông dễ dàng hơn và góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Thống kê của Viettel cũng cho thấy, tính năng gọi lên tổng đài 3334 (Tổng đài hướng dẫn nông nghiệp, tin tức tổng hợp hàng tuần, kể chuyện, nghe nhạc bằng tiếng dân tộc phát 24h/24h) được bà con sử dụng nhiều nhất với gần 300.000 cuộc gọi chỉ trong tháng 1/2014. Điều này cho thấy tổng đài của Viettel thực sự phát huy được thế mạnh trong việc cung cấp kiến thức giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mặt khác các nội dung tin tức, kể chuyện, nghe nhạc bằng tiếng dân tộc cũng góp phần làm đa dạng đời sống tinh thần của bà con.

Được biết, trong khuôn khổ lễ hội, chương trình nghệ thuật “Sắc xuân Tây Bắc” diễn ra buổi tối 5/4 với sự tham gia của 6 đoàn nghệ thuật Tây Bắc và các ca sỹ hàng đầu Việt Nam.

Cũng nhân dịp này, Viettel sẽ phối hợp với đoàn bác sỹ bệnh viện Việt Đức tổ chức chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai vào ngày 6/4/2014

Mai Thùy
.
.
.