Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18

Thứ Ba, 15/10/2013, 11:08
Tối 14/10, Lễ khai mạc Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 18 đã diễn ra tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, Quảng Ninh.

Dự lễ khai mạc, có đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; đồng chí Trần Bình Minh, Ủy viên  TW Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW cùng đông đảo các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh, Trưởng BCĐ LHPVN khẳng định: Điện ảnh là ngành nghệ thuật tổng hợp, có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội, với bản sắc ngôn ngữ là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết và ý thức cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái… Đây cũng là công cụ đắc lực và hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

NSND Trà Giang, NSND Lan Hương chia sẻ kỷ niệm sâu sắc tưởng nhớ NSND, đạo diễn Hải Ninh và NSND Bạch Diệp.

Lễ khai mạc đã diễn ra với chương trình nghệ thuật gợi nhớ các thời kỳ trong chặng đường lịch sử 60 năm của Điện ảnh Việt Nam, đưa các đại biểu và khán giả có cơ hội được trở về với những ký ức hào hùng đã qua.Từ những thước phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng với tên gọi “Trận Mộc Hoá” đã manh nha đánh dấu sự ra đời của điện ảnh cách mạng ở Nam bộ, cho đến bộ phim tài liệu “Chiến thắng Tây Bắc” lần đầu tiên được quay bằng phim 35mm đã khẳng định một bước tiến quan trọng của điện ảnh cách mạng Việt Nam...

Cho đến khi bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông” được sản xuất năm 1959, đã thực sự trở thành ký ức không thể phai mờ với nhiều thế hệ nghệ sỹ điện ảnh. Kể từ những dấu mốc vàng son đó, điện ảnh cách mạng Việt Nam bắt đầu phát triển trên cả ba thể loại là phim tài liệu, phim truyện và phim hoạt hình.Các hoạt cảnh nghệ thuật cũng như những hình ảnh đặc sắc trong các bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam như: “Chung một dòng sông”, “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Vị đắng tình yêu”, “Mùa len trâu”... đã lần lượt đưa khán giả trở lại điện ảnh cách mạng các thời kỳ hình thành, chiến tranh, đất nước thống nhất, đổi mới, hội nhập quốc tế...

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tặng hoa cho thành viên các Ban Giám khảo.

Lễ khai mạc còn dành thời gian xứng đáng để tôn vinh và tưởng nhớ 2 nghệ sỹ tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam là NSND, đạo diễn Hải Ninh - người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với nhiều bộ phim kinh điển được ghi nhớ trong đó có “Em bé Hà Nội” và NSND Bạch Diệp, nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam - ngưòi được trao giải thưởng Nhà nước với những tác phẩm xuất sắc trong đó có phim “Huyền thoại về Người Mẹ” đã để lại ấn tượng không phai mờ trong lòng các thế hệ nghệ sỹ điện ảnh và khán giả.

NSND Lan Hương xúc động bày tỏ lòng cám ơn cố NSND Hải Ninh, người đã đặt viên gạch đầu tiên cho con đường nghệ thuật của chị, bằng vai diễn “để đời và khẳng định: “Không có NSND, đạo diễn Hải Ninh thì không có NSND Lan Hương bây giờ”. NSND Trà Giang cũng chia sẻ những ký ức đẹp đẽ về hai nghệ sĩ  đã có những cống hiến trọn đời cho sự nghiệp điện ảnh của Việt Nam, bằng những tác phẩm điện ảnh đầy chất nhân văn, lãng mạn.

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 có sự tham dự của 139 phim với các thể loại, gồm: 23 Phim truyện điện ảnh, 6 phim truyện video, 72 phim tài liệu, 12 phim khoa học và 26 phim hoạt hình của 44 hãng phim và công ty sản xuất phim trong cả nước.

Cơ cấu giải thưởng của Liên hoan Phim năm nay được xác định với hệ thống các giải thưởng dành cho cá nhân: Đạo diễn xuất sắc nhất, Tác giả kịch bản xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Nam và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, Hoạ sỹ mỹ thuật xuất sắc nhất, Nhạc sỹ xuất sắc nhất và Âm thanh xuất sắc nhất.

Thanh Hằng
.
.
.