Khai mạc Hội xuân Yên Tử 2011: Rạng ngời hào khí non thiêng

Chủ Nhật, 13/02/2011, 08:42
Ngày 12/2 (tức mùng 10 tháng Giêng Tân Mão), tại khu di tích và danh thắng Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh đã long trọng tổ chức khai mạc Hội xuân Yên Tử 2011.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, cùng đông đảo khách hành hương về dự lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử.

Hội không chỉ là ngày khai hội

Theo đúng lịch thường niên mùng 10 tháng Giêng, tức 12/2/2011 Hội xuân Yên Tử mới chính thức khai mạc, nhưng ngay từ ngày đầu năm mới Tân Mão, hàng ngàn lượt khách thập phương đã lặng lẽ hành hương về chốn non thiêng. Theo nhận định của Ban tổ chức, dù lễ hội chỉ gói gọn trong 3 tháng xuân nhưng du khách xa gần, kể cả nước ngoài đến với Yên Tử quanh năm. Dự kiến năm 2011 có khoảng 2,5 đến 3 triệu lượt khách hành hương về Yên Tử, tăng 500.000-1.000.000 lượt khách so với năm 2010. 

Múa rồng trong ngày khai hội Yên Tử. (Ảnh: Quang Hùng).

Theo Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh, Yên Tử là cõi Phật, không ai đến với đất Phật bằng sự rủ rê, bằng sự phô trương. Mặt khác, Đây là nơi phát tích của Phật giáo thiến phái Trúc Lâm Tam Tổ do Thái thượng Hoàng Trần Nhân Tông khởi tạo, đạt thành chánh quả từ sự khiêm nhường, khổ hạnh, lánh trần tục nhưng vẫn giữ trọng trách với đời. Nói cách khác, giáo lý của người lấy việc "Đạo" để chuyên chở việc "Đời", chăm lo bách tính, giữ yên cõi bờ Tổ quốc.

Từ nhiều năm qua, chính quyền sở tại thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã sớm ý thức được vị thế quá quan trọng của di tích danh thắng Yên Tử, không ngừng đầu tư tôn tạo bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có sự tiếp nhận những tấm lòng thiện nguyện của nhiều tổ chức, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước.

Năm nay, tất cả các điểm đỗ xe từ chùa Trình đến khu vực chùa Suối Tắm đều thực hiện không thu tiền. Riêng bãi đỗ xe khu vực gần chùa Giải Oan, sát với khu tiến hành lễ thực hiện thu phí theo đúng quy định của UBND tỉnh, từ 2.000đ-40.000đ tùy theo từng trường hợp. Đây là giá vé thấp nhất so với dịch vụ trông giữ xe tại hầu hết các lễ hội lớn trong cả nước. Ngoài ra, việc đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được đặc biệt chú trọng toàn hệ thống. Khu vực kinh doanh dịch vụ  cũng được xây với hệ thống ki ốt xây dựng kiên cố, văn minh, lịch sự, phù hợp với cảnh quan...

Phương châm an toàn tuyệt đối

Theo lịch thì mùng 10 mới là chính hội, nhưng xét thấy nhu cầu khách đến Yên Tử không theo chu kỳ nào nên ngay từ đầu năm, UBND thị xã Uông Bí đã chỉ đạo các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm, tự vệ xã phường tăng cường các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ ngay từ những ngày đầu năm. Riêng Công an thị xã Uông Bí, bắt đầu từ mùng 9 đã thực hiện chu kỳ cao điểm tập trung, 2/3 lực lượng và toàn bộ lãnh đạo luân phiên ứng trực làm nhiệm vụ ngay tại Yên Tử. Cho dù công tác ANTT ở Yên Tử được đánh giá tốt nhất so với các lễ hội khác nhưng vẫn không lơ là công tác chuẩn bị, triển khai các nghiệp vụ cơ bản.

Ngay từ đầu, các trinh sát đã sàng lọc, phân loại và triệu tập nhiều đối tượng tình nghi trộm cắp, móc túi, dẫn dắt, cò mồi ra khỏi khu vực Yên Tử. Bên cạnh đó, các phương tiện kỹ thuật, giám sát, theo dõi từ xa được triển khai ở mức đủ sức bao quát toàn hệ thống, bố trí lực lượng chốt điểm có khả năng phản ứng tức thời nếu phát hiện vụ việc. Riêng công tác điều tiết bảo đảm ATGT được bố trí hợp lý theo từng "điểm đen", phân luồng từ xa, bảo đảm ứng phó với từng tình huống giả định trước đó.

Lễ thiêng gắn liền với Hội

Khác với mọi năm, phần hành lễ trong ngày khai mạc ngoài những nghi thức Phật sự do Giáo hội Phật giáo tỉnh đảm nhận, UBND thị xã cũng đã đổi mới các chương trình ngày hội hướng trọng tâm là lễ hội phải mang bản sắc của địa phương, truyền thuyết về đất thiêng Yên Tử. 

Đầu năm hành hương về Yên Tử đã trở thành nét đẹp văn hóa Việt.

Kịch bản ngày hội không có diễn viên chuyên nghiệp mà do chính nhân dân, đồng bào dân tộc trong khu vực Yên Tử (Thượng Yên Công, Vàng Danh, Nam Mẫu). Đây sẽ là sự ngạc nhiên, mới lạ và thú vị đối với du khách đến Hội năm nay. Qua đó có thể hiểu được được bối cảnh lịch sử, đất và người Yên Tử và những huyền thoại của vị vua yêu nước, thương dân Trần Nhân Tông, về đạo pháp có một không hai Trúc Lâm Tam Tổ.

Để sáng tỏ mục tiêu Lễ của Phật pháp, Hội của lòng dân, Lễ và Hội để tưởng nhớ, tri ân tiền nhân dày công với dân tộc, đất nước, Hội xuân Yên Tử năm nay phần khánh tiết do Giáo hội Phật giáo đảm nhận kể cả khách mời (chủ yếu là tôn giáo, phật tử). Ông Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí cho biết, kể từ năm nay trở đi, chính quyền địa phương không mời quan khách nào cả, hữu xạ tự nhiên hương, ai có thành tâm thành ý thì về. Về với tổ tiên, với người có công lao dựng nước, giữ nước, về với cõi Phật sao phải mời.

Mong rằng việc này thành nếp, đó cũng chính là mục đích cuối cùng của lễ hội Yên Tử nói riêng và các lễ hội khác nói chung

Lê Minh Triết
.
.
.