Khai mạc Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai

Thứ Sáu, 13/11/2009, 00:44
Sau nhiều năm tháng chuẩn bị, 20h ngày 12/11, Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai đã chính thức khai mạc với chủ đề "Âm vang cồng chiêng và sức sống Tây Nguyên".

Lễ hội đêm khai mạc diễn ra tại sân khấu Quảng trường 17-3, TP Pleiku, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình khai mạc kéo dài trong khoảng thời gian 90', đạo diễn và đơn vị thực hiện đã cố gắng tái hiện cuộc sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Tây Nguyên thể hiện qua các lễ hội và âm vang của cồng chiêng.

Kịch bản được phân làm 4 chương: Thiên nhiên, đất và người Gia Lai, Tây Nguyên; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; hội nhập và phát triển; sức sống cồng chiêng kết nối khối đại đoàn kết dân tộc.

Hình ảnh đêm khai mạc Festival. Ảnh: N.Như.

Chủ đề "Âm vang cồng chiêng và sức sống Tây Nguyên" được thể hiện qua sự biểu diễn của hơn 3.000 diễn viên chuyên và không chuyên với các nghệ nhân, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên... Các vật biểu diễn được trang trí khá công phu, khắc họa đậm nét về văn hóa Tây Nguyên, văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cùng với những bài chiêng lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được hòa quyện trong những điệu xoang nhịp nhàng, điệu múa khiên.

Bên cạnh cồng chiêng, hoa và thiếu nữ Tây Nguyên cũng được đạo diễn khắc họa đậm nét trong chương trình khai mạc dưới ánh sáng và âm thanh đa chiều, huyền ảo, lung linh trên sân khấu ngoài trời. Cùng với những màn biểu diễn của các diễn viên, nghệ nhân trên sân khấu chính, còn được phụ họa bằng những hình ảnh qua video clip trên màn hình...

Điều làm nhiều khán giả chú ý là hình ảnh ca sĩ Siu Black xuất hiện trên chiếc xe ngựa trang trí khá lộng lẫy, đi qua khán đài chính với giọng vút cao qua lời bài hát "Đôi mắt Pleiku" đã làm vỡ òa không gian đêm lễ hội. Cùng 40 nữ diễn viên phụ họa múa tạo cảnh đàn chim chrao bay liệng.

Những chú voi Tây Nguyên cũng được tác giả đưa vào kịch bản dưới góc độ diễn tả chở khách du lịch. 11 chú voi trên lưng chở 4 đến 5 du khách tiến đến trước khán đài chính rồi quỳ xuống theo sự điều khiển của các quản tượng…

Hình kết tại sân khấu đêm khai mạc là 1.000 cồng chiêng kết thành hình Khuê Văn Các (Hà Nội) hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời phố núi Pleiku.

Nhiều hoạt động xung quanh Festival Cồng chiêng 

Ngày 13 đến 15/11, chương trình biểu diễn chỉnh chiêng tại Quảng trường 17-3, Công viên văn hóa Đồng xanh, Khu du lịch sinh thái Về nguồn -  TP Pleiku. Ngày 13/11, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Gia Lai tại Hội trường 2-9, số 4 Hoàng Hoa Thám, TP Pleiku.

Ngày 14/11, tổ chức trình diễn tạc tượng tại Công viên văn hóa Đồng xanh - TP Pleiku. Cùng ngày tổ chức Hội thảo "Sự biến đổi kinh tế - xã hội và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và các nước trong khu vực tại Hội trường Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai - TP Pleiku.

Từ 9h đến 11h cùng ngày tổ chức phục dựng lễ đâm trâu mừng chiến thắng của dân tộc Bahnar huyện Kbang, tỉnh Gia Lai tại khu du lịch sinh thái Về Nguồn - TP Pleiku. Từ 20h đến 22h cùng ngày giao lưu cồng chiêng giữa các đoàn cồng chiêng trong nước và quốc tế.

Ngày 15/11 tổ chức phục dựng lễ Mừng lúa mới của dân tộc Jrai, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai tại Công viên Văn hóa Đồng xanh. 20h đến 21h30' cùng ngày, lễ bế mạc Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai.

Ngọc Như
.
.
.