Huyền tích về một báu vật gần 500 năm tuổi

Thứ Tư, 13/10/2010, 15:46
Đúng vào dịp cả nước tưng bừng trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại thành phố biển Hải Phòng diễn ra một sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều giới nghiên cứu. Đó là lễ nghinh rước thanh đại long đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung từ phủ Thiên Trường (Nam Định) về với Dương Kinh - kinh đô thứ hai của vương triều Mạc ở Cổ Trai (Kiến Thụy - Hải Phòng) sau gần 500 năm. Thực hư của câu chuyện này là thế nào?

Nhân lễ khánh thành giai đoạn I Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc ở Dương Kinh (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), UBND huyện Kiến Thụy và Hội đồng gia tộc họ Mạc Việt Nam vừa long trọng tổ chức lễ nghinh rước thanh đại long đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung về an vị tại toà chính thất của khu di tích.

Long đao được đặt trang trọng bên cạnh pho tượng chân thân Mạc Thái Tổ nặng 25,6kg; dài 2,55m (cán dài 1,6m, lưỡi thép 0,9m). Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng cho biết: Tiểu sử của thanh long đao này đã được giới nghiên cứu "Mạc học", "Nguyễn Bỉnh Khiêm học" và "Hải Phòng học" trong và ngoài nước biết đến từ lâu, nhưng do "cơ trời vận nước" bí ẩn nào đó nên đến tận bây giờ đồ "quốc bảo" này mới chính thức được hồi hương.

Theo sách "Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc", Tộc phả họ Phạm ở Nam Hà (Nam Định - Hà Nam ngày nay) cho biết, dòng họ này từ Dương Kinh (Cổ Trai - Kiến Thụy - Hải Phòng) ra đi năm 1625 di cư đến Cồn Lau, Cồn Kiên thuộc phủ Thiên Trường. Người cầm đầu cuộc di cư lịch sử này là Mạc Đăng Thận (cháu bốn đời của Mạc Đăng Dung). Ông đi bằng thuyền buồm, giả lái buôn thăm dò thấy yên ổn mới cho gia quyến và con cháu định cư tại đó.

Khi đi ông đã mang thanh long đao - kỷ vật thiêng liêng của Mạc Thái Tổ. Đến vùng đất mới, Mạc Đăng Thuận đổi tên là Phạm Đình Trú. Sau có 3 chi. Con cháu họ này vẫn phát huy được truyền thống võ, nhiều vị được phong tước hầu, tước bá, nhiều vị được phong là Phúc thần thờ ở các xã.

Cũng theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi và nhà văn Lưu Văn Khuê - đồng tác giả cuốn tiểu thuyết "Mạc Đăng Dung", thanh đại long đao này đã từng giúp Mạc Thái Tổ đoạt chức vô địch trong cuộc thi tuyển dũng sĩ tại Giảng Võ đường (Thăng Long), trúng ngôi đô lực sĩ xuất thân (Trạng nguyên về võ), được bổ nhiệm chức vụ quan trọng triều hậu Lê.

Với "Định Nam đao", Mạc Đăng Dung từng bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Lê Quảng Độ, dẹp loại Trần Thăng ở Thái Nguyên, Lạng Sơn; cự nhau với Nguyễn Hoằng Dụ ở Thanh Hoá... Trên thực tế,  thanh đại long đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung so với long đao của Quan Vân Trường (Quan Công) thời Tam quốc thì "bên tám lạng, bên nửa cân" và còn nặng hơn cả thanh long đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống.

Lễ nghinh rước thanh đại long đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung từ phủ Thiên Trường (Nam Định) về với Dương Kinh - kinh đô thứ hai của vương triều Mạc ở Cổ Trai (Kiến Thụy - Hải Phòng).

Theo gia phả dòng họ và huyền tích lưu truyền trong dân gian, khi Mạc Thái Tổ băng hà, thanh đại long đao được thờ tại Thái miếu ở Dương Kinh (gần điện Hưng Quốc), sau lại được đem về thờ ở Sơn Lăng, Cổ Trai (Kiến Thụy, Hải Phòng ngày nay). Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long. Lúc ấy, Thân vương Mạc Đăng Thận là người coi giữ Sơn Lăng ở Cổ Trai.

Trước ngày Trịnh Tùng đem quân phá huỷ cung điện ở đây, huỷ bia ở mộ, chặt cây trồng trong Sơn Lăng, Mạc Đăng Thuận đã cho hoá trang phần mộ tổ tiên, họ tộc rồi đem 500 quân bản bộ ra vùng Đồ Sơn ẩn náu, nghe ngóng tình hình. Khi nhận được hung tin họ Trịnh đã tàn sát họ tộc nhà Mạc, Thân Vương cho rằng đại cục không cứu vãn được đành tìm kế đưa thân nhân và thuộc hạ mai danh ẩn tích. Ông giả làm lái buôn mang theo thanh đại long đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung, giong thuyền xuống phía Nam, về đất Kiên Lao (nay là Xuân Trường, Nam Định) định cư.

Tuân theo mật ước của gia tộc "khủ túc bất khử thủ" (bỏ chân không bỏ đầu), Mạc Đăng Thận đổi họ thành họ Phạm, giữ bộ thảo đầu của chữ "Mạc" để con cháu các đời sau ghi nhớ nguồn cội, có tín hiệu để nhận nhau. Trải qua 4 đời ở đất Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi. Thanh đại long đao về làng Ngọc Tỉnh đến nay tròn 418 năm.

Theo ông Phạm Đức Thụ, người trực tiếp trông giữ từ đường họ Phạm gốc Mạc ở Xuân Trường (Nam Định), để bảo vệ đồ "Quốc bảo" này của tổ tiên, dòng họ Phạm gốc Mạc đã phải trải quan bao phen khốn đốn. Thanh bảo đao không ít lần bị đánh cắp, nhưng lần nào kẻ gian tế cũng thất bại.

Các bậc cao niên truyền lại rằng: Vào năm 1821, đời vua Minh Mạng, con cháu họ Phạm ở Ngọc Tỉnh đã bí mật đem chôn giấu thanh đại long đao và phao tin là bị mất trộm, không để vật báu của tiền nhân rơi vào tay kẻ xấu. Trải qua thời gian, vật đổi sao dời làm mất dấu tích nơi chôn cất.

Đến năm 1938, họ Phạm gốc Mạc ở Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường, vô tình tìm lại được thanh đại long đao này sau hơn 90 năm dấu mình trong đất lạnh. Từ khi tìm lại được bảo đao, người họ Phạm cũng như dân chúng trong vùng mới giải được những bí ẩn vẫn ám ảnh từ bao đời nay.

Tương truyền trước kia, ở khu gò phía đông Nam từ đường họ Phạm - nơi chôn giấu bảo đao (nay là hồ bán nguyệt) thường xuyên xảy ra hiện tượng lạ là mọi vật để trên đó cứ tự nhiên bốc cháy. Nhiều lần lửa bùng lên, bén vào rơm rạ, vải giắt trên mái nhà. Người dân gọi đó là "Gò con hoả", nhưng từ khi "Bảo đao hoàn từ đường" thì không xảy các hiện tượng tương tự nữa.

Nay theo nguyện vọng của tiên tổ và ý nguyện của các chi họ Mạc, gốc Mạc trên toàn quốc, họ Phạm gốc Mạc quyết định tổ chức lễ rước thanh đại long đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung hồi cố đất Dương Kinh (Kiến Thụy, Hải Phòng) nơi phát tích vương triều Mạc (1527-1592)

Trần Phương (Hội KHLS Hải Phòng)
.
.
.