Huyền thoại về chiếc chuông đồng thời Tây Sơn

Thứ Bảy, 21/05/2011, 12:11
Dù cách kinh thành Huế đến hơn bảy cây số nhưng vì sợ Nguyễn Ánh (lên ngôi vua năm 1802) tịch thu chuông quý nên các bô lão trong làng đã "thiến" chuông bằng cách khoan nhiều lỗ trên đỉnh rồi trám chì vào để giảm bớt… tiếng vang của chuông.

Đây là câu chuyện có thật về một quả chuông quý được đúc bằng đồng dưới thời vua Quang Trung. Chúng tôi đã tìm về làng La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) để được mục sở thị về huyền tích quả chuông - hiện vật lịch sử đã gắn liền hơn 200 năm với lịch sử dân tộc.

"Sự tích" chuông đồng

Men theo quốc lộ 1A, chúng tôi hỏi đường tìm về làng La Chữ với hi vọng được tận mắt thấy và nghe được tiếng chuông quý mà tiếng đồn về nó bấy lâu nay như một… "huyền thoại".

Nằm trong hệ thống đình làng, miếu mạo cổ kính, chùa làng La Chữ là một trong những di tích văn hóa lịch sử của tỉnh Thừa Thiên - Huế khi còn giữ lại được nhiều chứng tích của lịch sử. Đặc biệt là quả chuông đồng được đúc vào thời Tây Sơn với nhiều hoa văn độc đáo được dân làng La Chữ bảo vệ suốt mấy trăm năm nay.

Theo ông Hà Xuân Út, Trưởng thôn La Chữ thì quả chuông này được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791) do vợ chồng võ tướng Điện tiền Thái bảo Võ Văn Dũng và nhạc phụ Lê Công Học cúng dường. Chuông cao 0,92m, đường kính miệng chuông 1,78m và nặng trên 3,5 tạ.

Ông Lê Phước Vân bên quả chuông quý.

Theo gia phả của làng chép lại thì vợ của võ tướng Võ Văn Dũng là người họ Lê thuộc làng La Chữ, tên là Lê Thị Vi. Sau khi triều Tây Sơn định đô ở Phú Xuân đã cho xây dựng tại làng La Chữ một dinh trấn do tướng Võ Văn Dũng trấn thủ. Là một vị tướng tài giỏi của triều đình, lại là người rể quý của làng La Chữ nên tướng Võ Văn Dũng đều được tất thảy mọi người trong làng quý mến.

Ngoài chuông đồng, tại đây còn có "bãi voi" cũng đã được ghi vào lịch sử của làng. Vào thời điểm đó, làng La Chữ mua được một mảnh đất rộng chừng 7 mẫu từ làng An Đô. Và để giúp triều Tây Sơn, dân làng đã bàn nhau rồi quyết định hiến 7 mẫu đất này cho triều đình làm bãi luyện voi. Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, giờ đây "bãi voi" một thời gắn liền với tên tuổi của nữ tướng Bùi Thị Xuân - người phụ trách huấn luyện voi chiến tại bãi voi này, vẫn còn những dấu tích. Những vũng voi nằm nay trở thành những vũng nước trũng lớn phủ xanh một màu của lúa mạ.

Ngày nay, bãi voi, chuông đồng của làng La Chữ được nhiều người biết đến bởi những kì tích và huyền tích gắn liền với lịch sử dân tộc.

"Thiến" chuông để… giữ gìn báu vật  

Quả chuông ở chùa làng La Chữ hiện là quả chuông duy nhất được đúc dưới thời vua Quang Trung còn lưu giữ được.

Những hoa văn trên chuông không mang nặng dấu ấn Phật giáo mà được trang trí bằng "bộ tứ" hoa văn: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Theo đó ô Xuân được trang trí bởi các họa tiết, hoa văn như lược sưa, lược dày, gương hoa, thể hiện vẻ đẹp dịu dàng của mùa xuân, của phái đẹp. Ô Hạ được trang trí bởi ngọn lá và thanh gươm, biểu thị cho đấng mày râu anh hùng. Hai bầu rượu được quấn chặt bởi dải lụa được trang trí trên ô Thu và ô Đông là hình chiếc quạt lá và cuốn sách. Bên dưới các ô là hình 8 vị võ tướng tay cầm khí giới và dưới cùng là bộ "tứ linh": Long, Lân, Quy, Phụng được trang trí tương ứng với mỗi ô.

Những lỗ khoan được trám bằng chì trên đỉnh chuông.

Ông Lê Phước Vân, người đang canh giữ chuông đồng tại chùa La Chữ cho biết: "Nhà tui đã có ba đời từ ông nội, ba tui và nay là tui làm nhiệm vụ canh giữ chuông quý của làng, mỗi ngày chỉ đánh hai lượt từ 3 giờ rưỡi sáng và 7 giờ tối. Dù đã trải qua hàng trăm năm lịch sử với gần chục lỗ đạn trên thân nhưng mỗi khi đánh, tiếng chuông vẫn ngân đến "lắng" lòng người chú à".

Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (năm 1802), ngoài việc xóa bỏ những dấu tích của vương triều cũ như đình làng, miếu mạo… thì nhiều giá trị văn hóa lịch sử của triều Tây Sơn theo đó cũng bị nhà Nguyễn phá hủy. Nhất là việc "tận thu" các hiện vật bằng đồng để làm nguyên liệu đúc vũ khí. Thế nhưng, bằng tình cảm gắn bó bao đời với triều Tây Sơn, người dân làng La Chữ đã bảo vệ chuông đồng thoát nạn "tận diệt" của nhà Nguyễn với nhiều biện pháp…

Theo ông Vân thì quả chuông đồng này tuy không lớn nhưng khi đánh lên lại có tiếng ngân vang xa đến kỳ lạ. Và vì sợ Nguyễn Ánh nghe được tiếng chuông này (dù lúc ấy chuông cách kinh thành Huế hơn 7 cây số - NV) mà cho tịch thu nên các bô lão trong làng đã tìm cách "thiến" chuông nhằm giảm tiếng vang bằng cách khoan nhiều lỗ trên đỉnh rồi trám chì vào đó. Dân làng còn tự xóa đi tên tướng Võ Văn Dũng được khắc trên chuông. Và cứ mỗi lần có binh lính nhà Nguyễn đi lùng sục thì dân làng lại đem chuông giấu xuống giếng, rồi ngụy trang trên miệng giếng. Nhờ vậy mà chuông đồng vẫn giữ được cho đến ngày hôm nay.

"Có một thời, quân Mỹ đã tàn phá, thiêu rụi đình, chùa ở đây nhưng phải mất 3 tháng sau, cột trụ to bằng hai người ôm của đình làng mới cháy hết. Còn những lỗ nhỏ trên chuông là do chuông bị trúng đạn của quân Mỹ vào năm Mậu Thân 1968", một bô lão trong làng chỉ tay về những lỗ nhỏ do đạn bắn trên chiếc chuông đồng cho biết.

Bằng tình cảm và với những cách làm khác nhau, dân làng La Chữ đã bảo vệ được quả chuông quý đến ngày hôm nay. Và mỗi khi tiếng chuông ngân lên, dân làng nơi đây lại "lắng lòng" để nhớ về một vị võ tướng anh dũng thời Tây Sơn

Anh Khoa
.
.
.