Huyện An Phú (An Giang): Tưng bừng những ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống

Thứ Bảy, 08/09/2007, 09:30
Đến hẹn lại lên, cứ vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 hằng năm, người dân huyện đầu nguồn biên giới An Phú lại nô nức bước vào Ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống của huyện.

Sau những tháng ngày miệt mài lao động, đây là dịp để bà con vui chơi, gặp gỡ giao lưu kinh nghiệm sản xuất, học tập và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống thường ngày...

Gần một tháng nay, xã Đa Phước, nơi có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống ngày nào cũng như ngày hội. Cứ độ chiều về, các nam thanh nữ tú lại rủ nhau tập luyện các môn thể thao, như: Bóng đá, đua xuồng, đẩy gậy... để chuẩn bị thi tài cùng các đội bạn. Còn phụ nữ, người già và trẻ em thì thay nhau chỉnh trang lồng đèn "ông sao" của nhà mình và góp sức làm thuyền hoa của xã để kịp treo và diễu hành trong ngày hội.

Ông Alydal - Phó cả thánh đường Hồi giáo Ehsian hồ hởi: "Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, đời sống của bà con đồng bào dân tộc Chăm ở Đa Phước không ngừng được cải thiện. Từ một xã có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Chăm thuộc diện nghèo, nay Đa Phước chỉ còn 31 hộ. Bà con dẫu có đi làm ăn xa mấy, nhưng đến ngày là lại rủ nhau về. Ở An Phú, vào dịp lễ 2-9 vui như Tết...".

Còn ở xã Phước Hưng, tất cả công tác chuẩn bị cho ngày hội của xã đều đã sẵn sàng. Giữa cái nắng chang chang của buổi trưa vùng biên, đoàn viên, thanh niên xã đang khẩn trương hoàn thành công đoạn cuối mô hình thuyền hoa của xã mình, với biểu tượng trường học và bệnh viện.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Huỳnh Văn Bình, toàn bộ kinh phí tham gia các hoạt động tại lễ hội năm nay trên dưới 20 triệu đồng. Ngoài 4 triệu đồng hỗ trợ từ các ban, ngành huyện, phần kinh phí còn lại đều được xã hội hóa...

Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện An Phú Đỗ Thành Điệt cho biết: Cùng với việc luyện tập kịch bản đêm khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống, anh em cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện còn phải cùng 200 diễn viên không chuyên được huy động từ phong trào văn hóa, văn nghệ các xã, trường học... tập dượt kịch bản "Búng Bình Thiên mùa nước nổi" khai diễn đêm 30-8 với loại hình sân khấu hóa…

Tương truyền, cuối thế kỷ thứ XVIII, tướng Võ Văn Vương của quân Tây Sơn kéo quân về An Giang và ông chọn khu vực Búng Bình Thiên hiện nay làm căn cứ trú quân phòng thủ lâu dài. Vào thời điểm đó, khu vực Búng Bình Thiên chỉ là một vùng đất khô hạn, Võ Văn Vương đứng trước hàng quân khấn vái trời đất xin ban cho nguồn nước để sinh hoạt. Lạ thay, sau khi khấn vái xong, ông đâm thanh kiếm xuống lòng đất thì có một dòng nước phun lên rất cao. Theo thời gian nước tràn ngập thành hồ.

Ông Võ Văn Vương đã đặt tên nơi này là Búng Bình Thiên. Cho đến bây giờ, người dân nơi đây vẫn rất tự hào về Búng Bình Thiên bởi nơi đây, nước luôn trong xanh. Từ bao đời nay, người ta thấy ở Búng Bình Thiên nước dâng lên rồi hạ xuống chứ không thấy nước chảy.

Ấn tượng mạnh nhất đối với du khách là một sân khấu hoành tráng đầy chất dân gian ngay trên mặt hồ Búng Bình Thiên (xã Nhơn Hội), một thắng cảnh của huyện An Phú. Sân khấu ở đây là một khoảng đồng nước rộng rãi, xung quanh là những hàng cây điên điển trổ đầy bông vàng, thấp thoáng trên mặt nước là những đám lục bình trôi. Ca sĩ di chuyển trên những chiếc xuồng ba lá, hát những bài ca ngợi quê hương, tình đất, tình người của người dân An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Ngoài những trò chơi thể thao thường thấy, liên hoan còn mang đến cho người xem những trò chơi mùa nước nổi như: chống xuồng đua, nơm cá, bắt ếch...

Búng Bình Thiên vào mùa nước nổi diện tích "nở" ra trên 800ha. Với lợi thế này, chính quyền nơi đây đang xúc tiến kế hoạch đầu tư xây dựng Búng Bình Thiên thành điểm du lịch đặc trưng của vùng nước nổi…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Văn Khên, đây là dịp để An Phú quảng bá tiềm năng phát triển du lịch địa phương, đồng thời phát động người dân tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa lâu đời của vùng sông nước Nam Bộ

Nam Thơ - Đ.Khánh
.
.
.