Hương đất, dòng đời

Thứ Năm, 26/01/2006, 16:18

“Chảy mãi, chảy mãi trong lòng tôi, con sông xưa ngọt ngào đến thế" - em chưa từng hát cho tôi nghe câu đó bao giờ nhưng hôm nay, tình cờ đến một quán âm nhạc, tôi lại được nghe. Kìa, áo váy sặc sỡ. Kìa, ánh đèn sân khấu hồng hồng tím tím. Bất giác tôi nhìn vào đôi mắt người ca sĩ… không lẽ là em?

Sau những đường chì thâm xanh và đôi lông mi giả là một ánh nhìn mơ màng ngân ngấn nước. Tôi đã yêu em vì ánh nhìn ấy, và tôi đã hận em, vì ngân ngấn của tôi, tôi ngỡ là đã ráo hoảnh giữa nhịp sống phố xá xô bồ.

Em biết không, sau khi chúng ta chia tay, bên chén rượu đắng, tôi đã trút tâm sự với bố. Bố bảo: "Thôi con ạ, bố phải chúc mừng con vì con đã đưa tiễn được một người phản phúc". Có lẽ, hoặc bố quá hiểu tôi, hoặc bố không hiểu gì. Tàn bao nhiêu cơn say rồi mà không tàn được những gì đã thuộc về thời gian. Em của ngày xưa nửa như oán trách, nửa như cười mỉa, nửa như ân hận với cái chân đất trong tâm hồn tôi.

Anh Dũng mỗi lần nhắc về em cứ cười cười: "May là nó đi sớm!". Ngày ấy, anh Dũng đã nghe mỗi người truyền nhau rằng ở một làng nọ có một cô bé hát "hay hơn đài". Hai anh em tức tốc tìm gặp, em, quần ống ngắn ống dài, mái tóc bím đuôi sam đang gặt lúa giữa đồng. Tôi sung sướng reo lên: "T không nhận ra mình sao? Mấy năm trước chúng ta học cùng trường huyện mà". Mắt em ngân ngấn nước. Tôi hiểu: "Mỗi đứa một phương trời, còn mình nhà nghèo, học hành lại chểnh mảng, ở lại yên phận với đồng với ruộng và lấy chồng… có lẽ thế". Anh Dũng bảo em hát thử, em tự tin: "Giờ về ta ngược sông La, đi trên con đò thuở nhỏ, mái mô chân em còn vương bụi phấn, tóc xanh buông mây trong gió chiều…". Anh Dũng giật mình: "Giọng quê nôn nao vang ráng chiều" và nhận em về đoàn ca múa. Một giọng hát như thế mà không được học hành tử tế thì phí quá, được một năm, đủ cho khán thính giả tỉnh lẻ biết và yêu quý tiếng hát em thì em khăn gói ra Hà thành theo học thanh nhạc.

Ngày ấy, nhiều lần tôi muốn nắm tay em nhưng không thể. Cái buổi cô giáo xếp con trai ngồi cạnh con gái để không nói chuyện riêng, đứa nào đứa nấy giẫy đành đạch như đỉa phải vôi, thì nói gì đến chuyện… Run rủi thế nào em lại ngồi cạnh tôi. Những giờ ra chơi thay vì đi đá cầu với các bạn, còn em thay vì nhảy dây… là ngồi tại bàn hát cho cả nhóm nghe đến khi nào có tiếng trống vào học thì mới thôi. Lớp chuyên văn, nhặt nhạnh mãi chỉ có vài thằng con trai, éo le thay, trong những bài thơ tập tõm của mấy chàng chuyên văn đã có hình bóng của giọng ca ấy:

Xin gửi lại dòng sông rong ruổi nắng
Tiếng ca nào khép lại tuổi mười ba…

Tôi len lén đưa trong giờ văn. Cô giáo bắt được và bắt tôi đứng dậy đọc to lên, cả lớp cười ồ. Em mặt đỏ như gấc, mắt ngân ngấn. Từ đó, những giờ ra chơi không còn tiếng hát. Tôi vẫn ngồi cạnh em mà khoảng cách như xa từ thuở nào…

Và dòng sông ấy đã có người nhận, khi những lần về thăm em ở đoàn ca múa. Tôi cùng em trên triền đê sông Lam. "T này, trẻ như em mà hát dân ca, em có sợ lỗi thời không?". "Không. Dân ca có già đâu mà bảo là em trẻ. Em nghĩ rằng, làm ca sĩ, hạnh phúc là được hát những gì mình thích, hát những gì công chúng cần". Em già hơn tôi tưởng. Khoảng cách từ thuở vần thơ vụng dại biến mất, triền đê chỉ còn lại hai tấm ngực trần dịu dàng dâng tặng đất trời một hoàng hôn. Anh Dũng bảo, càng ngày em càng hát rất hay, rất tình. Anh còn bảo, em có giọng ca mang hương đất.

Tôi thu âm cái hương đất ấy cho bạn bè ở kí túc xá: "Một đời về quê mẹ, còn em, em về đâu?", cả lũ sinh viên ngơ ngác với hương đất của tôi. Khi em ra Hà Nội, chúng nó xin được gặp, thân thiện và yêu quý em như một thành viên trong phòng. Nhưng, thành phố chật nhưng lại rất choáng ngợp… Quán nhạc với những cặp tình nhân sống khá… tự nhiên chủ nghĩa, rồi những lời mời hát từ các quán bar, các chương trình, em lạc điệu giữa nỗi buồn của tôi và nhập cuộc vào những điều đó rất nhanh. Từ quần áo, tóc xanh tóc vàng… Em còn bảo: "Anh là người bảo thủ, anh lúc nào cũng muốn em phải chân quê, em hỏi anh, bây giờ anh có hãnh diện không khi anh đi dạo cùng một cô gái chân guốc mộc, áo hai tà?". Tôi nổi khùng: "Đã vậy thì từ mai anh sẽ đi thuê nhà ở với em, thứ bảy anh sẽ đưa em đi học nhảy. Anh sẽ làm những gì em muốn". Nào ngờ, câu trả lời là một cái tát. Không nói gì cũng đủ để hiểu chúng ta không còn nhau trong đời. Một đám cưới được diễn ra chóng vánh và em cũng không trở về với đoàn ca múa nơi miền quê cát trắng gió Lào kia nữa…

Bao nhiêu năm rồi, dòng sông ấy vẫn vô tình trôi. Đôi mắt em hay tâm hồn tôi đang hát ca khúc ấy: "Chảy mãi, chảy mãi trong lòng tôi, con sông xưa ngọt ngào đến thế"? Tiếc làm gì nữa, con sông đó đã thành hai nhánh rồi, chảy xa mãi mãi..

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.