Hợp tác với nước ngoài: Con đường để phát triển điện ảnh Việt

Thứ Ba, 25/11/2014, 09:46
Chiều 24/11, Hội thảo về vấn đề sản xuất phim giữa Việt Nam và các nước được tổ chức tại Hà Nội, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (LHPQTHN) 2014, nhằm chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác sản xuất phim tại Việt Nam.

Các nhà làm phim đưa ra nhiều mô hình hợp tác phim Việt Nam và nước ngoài, nhằm góp phần đưa diện ảnh Việt Nam phát triển: tài trợ toàn bộ, tài trợ phần hậu kỳ, hợp tác song phương và thuê Việt Nam làm các dịch vụ điện ảnh. Theo ông Đặng Tất Bình, ông đã từng giúp Hàn Quốc làm nhiều phim truyền hình và được giải thưởng lại các LHPQT; các diễn viên Việt Nam đóng nhiều phim cho Hàn và cũng đã nhận được  giải Diễn viên nam xuất sắc nhất trong phim Hàn Quốc như Nguyễn Trịnh v.v… cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cung cấp cho các đoàn làm phim nước ngoài nguồn nhân lực tốt khi đến Việt Nam dựng phim.

Cả NSND Đặng Tất Bình và NSND Đặng Nhật Minh, 2 đạo diễn từng có nhiều phim hợp tác với nước ngoài thành công, đều cho rằng: Việc hợp tác với nước ngoài có nhiều điều tốt cho điện ảnh Việt Nam khi học hỏi được trình độ làm phim của nước ngoài: Họ có sự tìm tòi, sáng tạo, quyết liệt thực hiện ý tưởng tốt nhất; tính chuyên nghiệp cao và mỗi thành viên đều có ý thức sáng tạo. Những người làm phim Việt Nam học hỏi tính chuyên nghiệp này...

Đạo diễn Lê Lâm, một đạo diễn Việt Nam có tiếng, hiện sống ở Pháp, cho biết: Cần có cái nhìn chính xác về vấn đề hợp tác của điện ảnh Việt Nam, để có quan điểm đúng trong vấn đề hợp tác điện ảnh với nước ngoài. Thông tin những ngày qua ở Việt Nam cho rằng, bộ phim “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp do ông Thierry Lenouvel là nhà sản xuất, là không chính xác, vì thực tế là do Trung tâm Điện ảnh Pháp thông qua ông Thierry Lenouvel, tài trợ một phần để làm hậu kỳ, chứ không phải tài trợ toàn bộ. Do đó vai trò nhà sản xuất của chính đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cần được khẳng định. Bên cạnh đó, cần thông tin đúng về các phim của Việt Nam được chiếu ở nước ngoài, khi hầu hết chỉ là chiếu ở cộng đồng người Việt ở Pháp, Mỹ chứ không có phim ra rạp. Chỉ có 3 người, trong đó có đạo diễn Lê Lâm, Trần Anh Hùng là có phim Việt Nam chiếu rạp ở nước ngoài đúng nghĩa.

Từ thực tế thành công của bộ phim “Đập cánh giữa không trung”, khi phim đã giành một số giải thưởng ở các LHPQT, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ kinh nghiệm: Điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể làm được tốt, không phải cho thuê nhân sự và bối cảnh, mà là hợp tác song phương. Chúng ta phải tin rằng nguồn vốn của mình là có, không phải là tiền, mà là đất đai, bối cảnh. Nhưng không có sự hỗ trợ nguồn lực thì các đạo diễn trẻ không có cơ hội ra nước ngoài và hợp tác với các nước.

Người thành công với bộ phim “Bầu trời đỏ”, ông Edouard Mauriat, lo ngại về những thủ tục trong việc hợp tác làm phim ở Việt Nam, vì ông từng thuyết trình một kịch bản ở Việt Nam, nhưng không hiểu các thủ tục. Chia sẻ kinh nghiệm việc hợp tác phim ở Việt Nam, đạo diễn Lê Lâm khuyến cáo các nhà làm phim nước ngoài, nếu muốn làm phim ở Việt Nam, cần có người Việt Nam trong đoàn, để hiểu được tâm lý của người Việt Nam.

Tuy nhiên, là Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, nơi đã có nhiều dự án phim hợp tác với nước ngoài, nhà văn Nguyễn Xuân Hưng cho rằng: “Một vấn đề quan trọng đặt ra khi hợp tác sản xuất phim, tưởng như hơi thừa: nhằm đạt mục tiêu gì? Mục tiêu trước mắt? Mục tiêu dài hạn? Nhìn vào những đại diện được cho là hợp tác thành công, xuất hiện tại hội thảo khi cho rằng, cần có nhà sản xuất nước ngoài bảo trợ, thì dường như những nhà quản lý điện ảnh đang chọn một lối đi “khác lạ” để phát triển điện ảnh. Nghĩa là một nhà sản xuất nước ngoài vào bỏ vốn làm phim, rồi mang phim đi dự LHP ở nước ngoài để đoạt giải, thoạt nghe, đó là một điều mừng. Điện ảnh Việt Nam được tiếng là có giải. Nhưng ngẫm cho kỹ, yếu tố Việt Nam ở đây là gì? Diễn viên Việt Nam, đạo diễn Việt Nam, còn nguồn lực nước ngoài”. Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng cũng cho rằng, điều quan trọng để thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam phải là thay đổi về quan điểm và tư duy: không phải là chủ yếu làm dịch vụ cho các nhà sản xuất nước ngoài, vì không đóng góp cho điện ảnh Việt Nam...

Thanh Hằng
.
.
.