Họp mặt giao lưu truyền thống nữ pháo binh miền Nam

Thứ Sáu, 17/04/2015, 09:32
Ngày 16/4, tại TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức họp mặt, giao lưu truyền thống nữ pháo binh miền Nam. Hơn 300 cựu nữ pháo binh của 17 tỉnh, thành phía Nam đã về tham dự buổi họp mặt.

Các nữ pháo binh năm xưa đã cùng ôn lại những trận chiến đấu ác liệt, những chiến công và cả kỷ niệm đáng nhớ của lực lượng nữ pháo binh miền Nam.

Trong chiến tranh, họ là những cô gái 16, 17 tuổi đã lập nhiều chiến công hiển hách khiến cho quân thù khiếp sợ, các đơn vị bộ đội nam giới phải nể phục, góp phần làm nên tám chữ vàng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho binh chủng Pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các cựu nữ pháo binh giao lưu tại buổi họp mặt.

Bà Nguyễn Hồng Thanh, nguyên Chính trị viên Trung đội nữ Pháo binh huyện Châu Thành, Cà Mau nhớ lại: “Năm 1968, đơn vị tôi được thành lập có quân số khoảng 30 đồng chí. Tôi khi đó 22 tuổi nên được xem là lớn nhất đơn vị. Chị em chúng tôi phải đối mặt với nỗi nhớ gia đình, thiếu thốn mọi điều kiện vật chất lẫn tinh thần. Qua thời gian rèn luyện cả ý chí lẫn thể lực, chúng tôi nhanh chóng vượt qua, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ... ”.

Hòa bình, các đội nữ pháo binh lần lượt giải thể, nhiều chị em chuyển ngành về quê hương sản xuất, xây dựng gia đình. Nhưng còn nhiều chị em không có được hạnh phúc đơn sơ đó do quá lứa lỡ thì, thậm chí có chị em mất đi quyền làm mẹ...

Do điều kiện nên 40 năm qua, các chị em pháo binh năm xưa không có dịp họp mặt, ôn lại truyền thống, giúp đỡ, thăm hỏi lẫn nhau. Vậy nên, dù lặn lội đường xá xa xôi nhưng ai cũng vui mừng khi được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức gặp lại đồng đội.

Bà Hồ Thị Nhân, cựu nữ Pháo binh 167 Tuy Hòa, Phú Yên bước ra cuộc chiến với bao vết thương, mảnh đạn trong người. Nhưng với bà, được sống và xây dựng gia đình vẫn may mắn hơn đồng đội vĩnh viễn nằm lại khi mái tóc còn xanh. Rất nhiều người vẫn chưa tìm được hài cốt. Vậy nên, dù kinh tế gia đình khó khăn, người lại nhức nhối mỗi khi trở trời nhưng bà Nhân vẫn vác ba lô rong ruổi đi tìm hài cốt đồng đội.

Quỳnh Nga
.
.
.