Hồn Việt trong âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo

Thứ Sáu, 12/05/2006, 08:07

Theo lời kể của Nguyễn Thiên Đạo thì xứ Đoài quê hương anh bên dòng sông Đáy hiền hòa chảy “Chậm nguồn qua Phủ Quốc” như câu thơ Quang Dũng đã dinh dưỡng cả tuổi thiếu thời của anh.

Trong những đêm trăng sáng ngân nga, sông như một dải lụa trắng giữa cánh đồng bát ngát sóng lúa hệt như câu ca trù than thở giữa tiếng đục trầm của cây đàn Đáy. Tiếng tằm ăn rỗi, tiếng bờ tre xào xạc, tiếng nói vô thanh điệu của xứ sở mà thời xa xưa từng da diết bao hòa huyết của những mối tình dân Việt với tù binh chàm.

Tuổi thiếu niên của anh còn nghe thê thiết tiếng phường bát âm mỗi khi có đám, tiếng hát chèo tha thiết hồn quê. Tất cả những cái đó hình thành một khối âm thanh cứ đeo đuổi mãi trong tâm trí anh như cái bóng trắng ẩn hiện trên con đê anh gặp trong mơ như hồn Việt biến ảo cái khối âm thanh ấy ra tới 64 tác phẩm khí nhạc như 64 quẻ dịch anh dành cho thế kỷ XX đầy biến động và trắc ẩn này.

Dường như đa số các tác phẩm trong số 64 tác phẩm khí nhạc của Nguyễn Thiên Đạo đều có cái tên Việt Nam rất tự tin của nó. Từ tác phẩm “Thành đồng Tổ quốc” đầu tiên (1968) cho đến tác phẩm “Sóng Hồn” dành cho kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (10-2000), những tựa đề Việt Nam đã tự nhiên hình thành nên chất sử thi vừa đầy chất trữ tình của bi kịch trong hơi thở bi tráng của dân tộc.

Nguyễn Thiên Đạo rất chung thủy với tám chữ tâm niệm trong sự nghiệp sáng tác của mình là “Dân tộc đích thực, nhân loại tiên phong”. Cái “dân tộc đích thực” ở anh, ngoài việc đặt các tựa đề tác phẩm bằng tiếng Việt thì căn bản là việc chắt lọc tinh chất âm nhạc nhân loại, bằng cảm xúc riêng mình mong nó hòa trộn đến tan ra với tinh hoa nhạc Việt.

Trong lịch sử phát triển âm nhạc nhân loại, không ít những nhạc sĩ, những nhóm nhạc sĩ có những quan điểm riêng biệt, mức độ riêng biệt trong việc sử dụng kho tàng dân ca của dân tộc mình. Có người thích thú “bệ nguyên xi” cả một đoạn dân ca vào tác phẩm của mình rồi sau đó dùng thủ pháp âm nhạc phát triển trên giai điệu, trên hòa thanh, trên tiết tấu. Có người dè dặt hơn, chỉ lấy một nét dân ca làm chủ đề cho tác phẩm của mình. Cũng có người chỉ dùng dân ca như “mì chính” để thả vào “bát canh cảm xúc” của mình cho nó ngọt một vị riêng của dân tộc mình. Nguyễn Thiên Đạo là vậy. Anh không kể, không diễn giải, không diễn tả mà thường đưa hồn Việt vào cách biểu cảm xúc của mình. Nhờ vậy, ngôn ngữ âm nhạc của anh vừa lạ, vừa quen trên tầm khái quát cao. Điều đó dường như không dừng ở tài học tập mà còn có cái riêng của tài năng bẩm sinh.

Chỉ cần nghe anh ngồi trước piano dạo lên một nét nhạc, thầy Olivier Massiaen đã phải thốt lên: “Tôi rất tiếc, tôi không phải là một người Á Đông như anh” và nhận ngay Nguyễn Thiên Đạo làm học sinh. Đó là lý giải vì sao chỉ sau một năm học, anh đã đoạt giải nhất về sáng tác với tác phẩm rất Việt Nam và rất chính trị mang tên “Thành đồng Tổ quốc”. Nếu hồn việt trong tác phẩm đó không lớn, không bao trùm tới mức tuyệt đối thì làm sao thầy Olivier Ma ssiaen mặc dù là người theo phái hữu vẫn chấp nhận và yêu quý anh.

Trong phim truyền hình do Đài Truyền hình Pháp thực hiện về Nguyễn Thiên Đạo mang tên “Một đệ tử của Olivier Massiaen” có đoạn trao đổi giữa Nguyễn Thiên Đạo và Trần Văn Khê về âm nhạc cổ truyền Việt Nam khá thú vị. Với tư cách là một nhà truyền đạo nhạc Việt ra thế giới, Trần Văn Khê dường như rất thống nhất và đồng điệu với Nguyễn Thiên Đạo về cái độc đáo trong sự nhấn nhá của các nhạc khí Việt. Nhận ra sự độc đáo ấy, Nguyễn Thiên Đạo từng nhận ra sự bất ngờ trong cấu trúc dàn nhạc Giao hưởng của mình bằng cách đưa vào đó những nhạc khí do anh tự chế ra bằng tre nứa với âm sắc độc đáo. Anh còn hòa lẫn bộ gõ Việt với bộ gõ phương Tây. Nhưng không bao giờ Nguyễn Thiên Đạo quan niệm rằng cứ đưa nhạc khí Việt vào thành phần Dàn nhạc giao hưởng là tác phẩm ấy mang hồn thiêng sông núi.

Hồn Việt bao giờ cũng chứa chất trong cảm xúc, trong những cân nhắc tinh vi về âm sắc, trong những lựa chọn đạt được “Dân tộc đích thực, nhân loại tiên phong”. Đó là lý do vì sao opéra “Mỵ Châu Trọng Thủy” toàn lời Việt lại được các nghệ sĩ opéra nước ngoài thể hiện thành công giữa Paris.

Được ghi tên trong hai từ điển với tư cách là nhà soạn nhạc kế thừa hai nền văn minh Đông - Tây, hồn Việt trong âm nhạc Nguyễn Thiên Đạo còn toát lên ở ngay cả những tác phẩm không viết về Việt Nam. Ở opéra - oratorio “Những đứa trẻ làng Izien” viết về vụ thảm sát trẻ con Do Thái của phát xít Đức trong Thế chiến II hình như cũng mang nặng ám ảnh của vụ thảm sát Sơn Mỹ của Việt Nam. Rồi “khai nhạc”, “1789” hay tác phẩm viết cho thiên kỷ mới và thế kỷ mới.

Với tư cách như một đặc công Việt Nam đánh chiếm điểm cao âm nhạc thế giới, tiếng nổ của Nguyễn Thiên Đạo là tiếng nổ của pháo Đồng Kỵ mang nặng hồn Việt muôn đời

.
.
.