Hôm nay, hoàn táng di hài vua Lê Dụ Tông

Thứ Hai, 25/01/2010, 11:51
Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam: "Sau 46 năm ở Hà Nội theo tư cách của "một đối tượng nghiên cứu khoa học", tức là một xác ướp cổ, đã "hoàn thành nhiệm vụ" với sự phát triển khoa học của đất nước, "vua" Lê Dụ Tông được UBND tỉnh Thanh Hóa, con cháu dòng họ Lê Việt Nam, và nhân dân địa phương hoàn táng theo nghi lễ trang trọng, tiết kiệm và thành kính nhất".

Ngày 25/1, di hài vua Lê Dụ Tông chính thức được hoàn táng theo nghi lễ trang trọng nhất tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), sau 46 năm trong tư cách "một đối tượng nghiên cứu khoa học" được lưu giữ tại Hà Nội. Báo CAND xin điểm lại một số mốc chính xung quanh sự kiện đang được đông đảo bạn đọc cả nước quan tâm này.

Khu vực quy hoạch, tôn tạo lăng vua Lê Dụ Tông. Ảnh: H.Q.

Kết thúc "hành trình" 46 năm

Vua Lê Dụ Tông (1680-1731), có tên húy là Lê Duy Đường, thụy hiệu Hòa Hoàng Đế, miếu hiệu Lê Dụ Tông, là vị vua thứ 22 của Vương triều Lê. Trong 24 năm trị vì đất nước, vua Lê Dụ Tông đã hai lần đổi niên hiệu là Vĩnh Thịnh (1705-1719) và Bảo Thái (1720-1729)...

Từ tháng 2/1958, ngôi mộ của vua Lê Dụ Tông tình cờ được một người nông dân tên là Đỗ Văn Lương (đã mất 3 năm trước, thọ 79 tuổi) phát hiện tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang hiện nay. Đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xây đập Bái Thượng, đào sông Nông Giang chia tách phần đất Trang Bàn Thạch, mộ phần vua Lê Dụ Tông nằm bên làng Bái Trạch (xã Xuân Giang).

Sau khi phát lộ, do điều kiện chiến tranh, mãi đến năm 1964, Nhà nước mới quyết định đưa cỗ quan tài nặng hàng tấn của vua Lê Dụ Tông chở về Hà Nội để nghiên cứu và bảo quản. Cách ngôi mộ khoảng 10m, tìm thấy một bia nhỏ khắc chữ "Lê triều Dụ Tông Hoàng đế lăng". Cách làng Bái Trạch độ 2km, ở làng Phong Lạc, có một tấm bia con ghi địa chỉ các ngôi mộ nhà Lê ở vùng này, trong đó có mộ vua Lê Dụ Tông.

Ngày 2/4/1964, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với các giáo sư, bác sĩ của Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Giải phẫu tổ chức mở quan tài trước sự chứng kiến của cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Ủy ban Khoa học Nhà nước, Viện Sử học Việt Nam. Khi mở nắp áo quan, thấy vua Lê Dụ Tông mặc 1 chiếc áo hoàng bào thêu kim tuyến, mặt phủ tấm khăn thêu rồng, có 1 chữ vạn thọ và 4 chữ "Vạn" nhà Phật ở 4 góc. Hình dạng bên ngoài của ông vẫn còn nguyên, tóc đen lốm đốm có sợi trắng, để hất ra phía sau. Ngoài một số đồ vật như quạt giấy, bút lông, túi đựng trầu cau đặt trong ống tay áo, không tìm thấy châu báu hay đồ trang sức nào... Suốt 46 năm, di hài của vua Lê Dụ Tông được lưu giữ ở Hà Nội, thời gian và những tác động của môi trường, đã làm "long thể" vua Lê Dụ Tông bị biến đổi nhiều.

Năm 1996, Hội đồng họ Lê ở Việt Nam có đề nghị Bộ VH-TT cho phép đưa di hài vua Lê Dụ Tông về an táng tại Thanh Hóa, nhưng do còn có ý kiến chưa đồng thuận, nên việc này chưa được giải quyết. Ngày 29/10/2009, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn táng di hài vua Lê Dụ Tông, trong đó nêu rõ, nghi lễ hoàn táng có thể vận dụng nghi thức truyền thống kết hợp với nghi thức hiện hành, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm.

Bước sang năm 2010, theo Quyết định số 119/QĐ-BVHTTDL về việc thành lập Ban tổ chức Lễ hoàn táng vua Lê Dụ Tông và Kế hoạch số 95/KH-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL; ngày 20/1, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 298 /UBND-VX phân công nhiệm vụ cho các ngành, thành viên Ban tổ chức, đơn vị và địa phương thực hiện lễ hoàn táng di hài vua Lê Dụ Tông, vào ngày 25/1.

Theo đó, việc khâm liệm di hài vua Lê Dụ Tông được tiến hành tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sau khi làm lễ nhập quan, quan tài và linh vị sẽ được xe dẫn đường đi theo đường Láng - Hòa Lạc (đường Hồ Chí Minh) vào Khu Di tích Lam Kinh làm lễ yết bái tổ tiên rồi trở về nơi hoàn táng là làng Bái Trạch (xã Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Người dân hân hoan, thành kính đón chờ

Với thực tế hiện nay, việc tổ chức lễ nghi cần phù hợp các yếu tố văn hóa, xã hội, tâm linh, trang trọng, nhưng không phô trương. Riêng đối với chiếc quách bằng hợp chất, từ khi phát lộ vẫn còn nguyên tại mộ cũ, vừa rồi khai quật đã sửa sang lại đảm bảo chuẩn kỹ thuật, để tới đây di hài vua sẽ đặt vào đúng chỗ quách ngày xưa, theo đúng nguyện vọng.

Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam: "Quan tài mới của vua Lê Dụ Tông sẽ được làm đúng bằng gỗ Ngọc Am (loại gỗ Pơ mu), theo đúng kích thước, hoa văn cũ, nặng tới 700kg, từ Hội đồng họ Lê ở Tây Nguyên chuyển ra Hà Nội. Riêng 32 bộ áo cũng sẽ được may mới theo đúng màu sắc, hoa văn cũ, do các nghệ nhân hàng đầu thực hiện, được chuyển về từ Hội đồng họ Lê ở Huế... Sau 46 năm ở Hà Nội theo tư cách của "một đối tượng nghiên cứu khoa học", tức là một xác ướp cổ, đã "hoàn thành nhiệm vụ" với sự phát triển khoa học của đất nước, "vua" Lê Dụ Tông được UBND tỉnh Thanh Hóa, con cháu dòng họ Lê Việt Nam, và nhân dân địa phương hoàn táng theo nghi lễ trang trọng, tiết kiệm và thành kính nhất".

Nơi vua Lê Dụ Tông sẽ an vị ở làng Bái Trạch, xã Xuân Giang (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Để kịp thời đón di hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại quê hương vào ngày cuối năm Quý Sửu, tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng họ Lê Việt Nam và nhân dân địa phương giành nhiều công sức chạy đua với thời gian để tỏ lòng thành kính đối với vị quân vương...  Việc xây dựng phần móng mộ và Hương án đã xong. Hội đồng họ Lê Việt Nam cũng đã tổ chức thi công và bàn giao phần quách của lăng mộ đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện, đúng thời gian. Những công việc khác như trang trí khánh tiết và sơ đồ bố trí không gian nơi tổ chức buổi lễ, dựng rạp, trang trí khánh tiết, rải thảm đỏ, tăng âm - loa đài, máy phát điện (để dự phòng), lễ tân phục vụ lễ… cũng gấp rút hoàn thành.

Tất cả đã sẵn sàng cho giờ khắc quan trọng của buổi lễ, từ khi nhập quan (1h sáng 25/1) đến khi vua an vị tại lăng mộ (trước 11h) và đặt linh vị tại thái miếu họ Lê (chiều cùng ngày). Báo CAND sẽ tiếp tục thông tin thêm cho bạn đọc những diễn biến tiếp theo của sự kiện này

Lê Quân
.
.
.