Hội xuân miền quan họ

Thứ Tư, 09/02/2011, 11:14
Nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc, quê hương của các làn điệu dân ca quan họ trữ tình, đậm đà hồn quê, nồng nàn say đắm lòng người, thật vinh dự và tự hào Bắc Giang có 5 làng quan họ cổ cùng với 44 làng của tỉnh Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là điều đáng vui mừng của người dân xứ Kinh Bắc nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Trong danh sách được UNESCO công nhận di sản văn hóa, quan họ đã có 5/49 làng quan họ cổ thuộc tỉnh Bắc Giang mà thường gọi là quan họ bờ Bắc sông Cầu, vào dịp đầu Xuân, hầu như 5 làng quan họ cổ này thường tổ chức những lễ hội truyền thống. Lễ hội diễn ra trong các di tích bao gồm hai phần, phần lễ và phần hội, cùng với các nghi thức tế lễ, các hoạt động của phần hội cũng đồng thời được diễn ra. Hội là phần sinh hoạt của con người, thường là những trò diễn phong phú, đa dạng và cụ thể. Đây chính là điểm sáng, hội tụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng. Hội Xuân là một lễ hội cổ truyền ở 5 địa phương này. Nội dung của hội được thể hiện qua các trò diễn như: cờ tướng, chọi gà, đấu vật, đập niêu... mà việc giao lưu quan họ không bao giờ thiếu trong ngày hội ở 5 vùng quê cổ truyền này.

Trong tổng số 5 làng quan họ cổ ở bờ Bắc sông Cầu ngoài làng Sen Hồ vốn là một làng Việt cổ, nay thuộc thị trấn Nếnh, thì xã Ninh Sơn có tới 4 làng: Hữu Nghi, Gía Sơn, Mai Vũ và Nội Ninh. Hát Quan họ có ở 5 làng này từ rất lâu đời, vào những năm 1970, các lão nghệ nhân Quan họ làng Nưa (Y Na), làng Chấp (Hữu Chấp), làng Tiêu, làng Bồ (Bồ Sơn)... thuộc tỉnh Bắc Ninh vẫn kể lại và nhớ như in những kỷ niệm về các cuộc hát Quan họ đầu thế kỷ XX, ở hội Sen Hồ, hội làng Gía Sơn, Mai Vũ, Nội Ninh… Hàng năm, vào mùa xuân, cả 5 làng đều mở hội, nhỏ thì một ngày, lớn thì nhiều ngày, nhất là vào những năm chẵn và năm  mùa màng bội thu thì hội làng vui không kể xiết. Vào tiết mùa xuân khi đất trời giao hoà, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan. Có thể nói, trên cái nền hết sức phong phú và đa dạng của hội, hè, đình đám ở 5 làng quan họ cổ này thì hội hát Quan họ là điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những làn điệu đượm cổ, mượt mà, đằm thắm.

Một tiết mục hát đối của các liền anh, liền chị.

Hội làng Sen hồ được tổ chức vào ngày 5 tháng Giêng (Âm lịch), địa điểm được tổ chức tại đình Sen Hồ, ngôi đình được xây dựng vào thế kỷ XVII, thờ thánh Tam Giang (thế kỷ VI) và thờ ông Thân Công Tài, người hưng công xây dựng nghè; Hội làng Hữu Nghi được tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng, địa điểm tổ chức tại đình Hữu Nghi, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia; Hội làng Nội Ninh được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng, địa điểm tổ chức tại đình Nội Ninh và chùa Linh Sơn, đây là hai công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỷ XVIII, được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2006; Hội làng Mai Vũ được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng, địa điểm tổ chức tại chùa Bảo Mai và đình Mai Vũ, di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2004; Hội Giá Sơn được tổ chức từ 9 đến 12 tháng Giêng, ngày mùng 9 khai hội chùa và 12 mở hội đình, địa điểm tổ chức tại đình, chùa Giá Sơn.

Là cư dân bản địa và là một khách dự hội tại 5 làng này từ nhiều năm nay, có thể thấy ngoài hội hát quan họ trong hội xuân thường tổ chức các trò chơi dân gian khá phong phú và hấp dẫn khách dự hội...

Có thể nói, hội xuân tại 5 làng quan họ cổ ở Việt Yên mang tính cộng đồng sâu sắc, đó là đỉnh cao của sự hoà hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã. Hội làng thường được tổ chức thật vui, thật đầm ấm tình làng nghĩa xóm, điều này thể hiện qua những khâu chuẩn bị cho đến khi nối tiếc lúc tan hội. Có xem hội tại đây mới cảm nhận được hết ý nghĩa và lòng tự hào dân tộc với những làn điệu Quan họ trường tồn cùng thời gian

Thân Quang Huy
.
.
.