Hội họa vị... giãi bày

Thứ Hai, 09/05/2005, 10:00

Khi ngôn ngữ có cảm giác như bất lực là lập tức nảy sinh ra niềm đam mê những môn nghệ thuật khác. Phải thế chăng nên cả ở nước ngoài lẫn Việt Nam ta đã và đang có không ít văn sĩ coi âm nhạc hay hội họa như thú chơi gần như giải trí? Tuy nhiên, không nhiều người có đủ can đảm trưng bày "sở đoản" ra trước công chúng như Đoàn Lê, Trần Nhương, Hoàng Minh Tường, Đỗ Minh Tuấn và Nguy

5 hội viên vào hàng sáng giá của Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn ngay Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia để làm một cuộc triển lãm chung (từ ngày 5 tới 15/5) vừa để tìm thêm tri kỷ, tri âm với tâm hồn ẩn chứa nhiều náo động của mình và để ủng hộ giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam.

Đó quả thực là một phòng tranh đa phong cách, nhiều cung bậc và màu sắc. Những nhân vật và ý tưởng văn học đã được huy động tối đa vào các bức vẽ. Âu đấy cũng không phải là điều lạ vì ngay cả khi cầm cọ, các nhà văn vẫn tiếp tục tư duy theo nếp hằn quen thuộc của mình.

Đoàn Lê và Hoàng Minh Tường cố gắng chỉn chu từng nét vẽ để tái tạo lại hiện thực một cách mạch lạc và quy chuẩn, dù không phải lúc nào cây cọ cũng nhất nhất nghe theo ý họ. Những tấm thân nõn nà của các mỹ nữ trong tranh Đoàn Lê cũng như cặp Chí Phèo-Thị Nở trong tranh Hoàng Minh Tường gợi cho người xem cái cảm giác nước đôi, vừa muốn lại gần để nhìn cho rõ, vừa muốn lùi ra xa để cố gắng truy tìm một ý tưởng nào đó sâu xa ẩn trong đó.

Trần Nhương phóng túng nhưng cũng cổ kính hơn; màu sắc trong tranh anh trầm, ấm, hiền lành như chính các tác phẩm văn học và bản tính của anh. Cũng lãng mạn phóng túng đấy nhưng ngay cả trong hội họa, Trần Nhương vẫn cố giữ lấy sự cân bằng của tâm thế.

Đỗ Minh Tuấn vẫn có vẻ là dân chuyên nghiệp ngay cả khi vẽ. Sự khúc triết trong tư duy của anh đã cộng hưởng được với bản tính nghệ sĩ đích thực, khôn dại khôn lường. Tranh của anh chặt về bố cục nhưng lại bất ngờ và đầy những quẫy đạp về suy tưởng...

Phần đặc biệt trong triển lãm các nhà văn vẽ là những tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Có thể nói đây là sự bất ngờ thú vị nhất. Cũng như khi đọc thơ anh, xem tranh Nguyễn Quang Thiều vẽ, chúng ta có thể chưa nắm bắt được ngay ý anh muốn nói (mà có lẽ đôi khi chính anh cũng chưa chắc đã rõ anh muốn nói gì), nhưng ta luôn bị hút vào những sắc màu quyến rũ, đan xen, quyện hòa lẫn nhau như mê hồn trận và ta dễ dàng để cho mình trở thành "tù binh" của anh.

Tranh của Nguyễn Quang Thiều lộng lẫy về màu sắc và lạ lẫm về kết cấu. Tranh Nguyễn Quang Thiều, cũng như thơ của anh, có lẽ chỉ là sản phẩm của những thăng hoa vô tiền khoáng hậu của độc nhất một tâm tính như anh, không thể làm giả được và thường sẽ trở thành nỗi tuyệt vọng và phá sản của tất cả những ai muốn giống như anh hay học theo thủ pháp của anh.

Đúng như nhà văn Hữu Ước có nhận xét, Nguyễn Quang Thiều không mạnh về tả thực nhưng lại "vô địch" về tạo nên "từ trường nghệ thuật" cuốn hút người xem bởi sự đa nghĩa, đa chiều thâm hậu. Không ngẫu nhiên mà cho tới sáng chủ nhật 8/5, hai tác phẩm đã có người mua của phòng tranh này đều là sản phẩm của cây cọ Nguyễn Quang Thiều (một bức đã được người mua rước đi, bức kia vẫn còn để ở gian trưng bày nhưng cũng đã được một người ưa thích trả với giá cao)...

5 tác giả trong một phòng tranh, 5 phong cách, 5 tâm sự và 5 số phận. Có lẽ ít ở đâu những nhà văn, nhà thơ này mới gần gụi với nhau đến thế, mới có thể giãi bày thẳng thắn, đúng tầm mình và lòng mình với nhau, với công chúng đến thế. Chỉ vậy thôi cũng đủ coi là phòng tranh này đã thành công

Minh Huyền
.
.
.