Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam 2016: Lại nóng câu chuyện bản quyền

Thứ Tư, 10/08/2016, 10:08
Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam 2016 (diễn ra từ ngày 5 tới ngày 14-8) tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phổ cổ Hà Nội lại nóng câu chuyện bản quyền nhiếp ảnh. Trong một buổi nói chuyện vào cuối tuần vừa qua, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, vấn đề này đang ở tình trạng “không kiểm soát nổi”.


Vừa qua, câu chuyện tranh thật – tranh giả liên quan đến “Những bức tranh trở về từ châu Âu” làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới. Đến thời điểm hiện tại, vấn đề bản quyền này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, không riêng gì lĩnh vực mỹ thuật; nhiếp ảnh cũng đang là một mảnh đất bị xâm phạm bản quyền nhức nhối trong nhiều năm qua.

Giới nhiếp ảnh vẫn thường nói với nhau về vấn nạn “ảnh cừu”, “ảnh đua bò” để nói về một sự “sao chép có ý thức” trong lĩnh vực của mình. Những bức ảnh na ná nhau về bố cục, những tác phẩm loanh quanh với đồi cát, người dân tộc thiểu số có làn da nhăn nheo, lưới cá kéo ngược nắng vàng, những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín hay mùa nước đổ… Chưa kể, cứ sau mỗi kỳ trao giải tại cuộc thi nào đó, y như rằng, giới nghiếp ảnh sẽ tràn ngập tại nơi mà tác giả đoạt giải đã chụp, lặp lại cả về thời gian, góc máy, hướng sáng, thậm chí cả nhân vật, khiến nhiều người cảm thấy... nhức mắt.

Một góc Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam 2016 (Ảnh: VPF).

Trong những năm qua, nhiều vụ vi phạm bản quyền trong lĩnh vực nhiếp ảnh xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sáng tạo của nghệ sỹ. Có không ít cuộc thi lớn trên phạm vi toàn quốc, khi trao giải mới phát hiện ra đây là tác phẩm “cầm nhầm”. Có không ít tác phẩm sau khi trao giải, mới vỡ lẽ “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Tuy nhiên, chưa có một vụ vi phạm bản quyền nhiếp ảnh nào đến mức ầm ĩ khiến cho dư luận và báo chí “bám sát từng ngày” như vụ “Những bức tranh trở về từ châu Âu” cả. Sở dĩ như vậy là do, nhiếp ảnh vẫn bị đánh giá ở tầm thấp so với các loại hình sáng tạo nghệ thuật khác, được xem là thứ nghệ thuật thứ cấp. Ít người đánh giá đúng công sức lao động và cống hiến của những nhiếp ảnh gia. Vì thế nên, nếu có xảy ra việc vi phạm hay tranh chấp về bản quyền tác phẩm nhiếp ảnh, cũng chỉ là câu chuyện của những người trong giới với nhau mà thôi.

Câu chuyện bản quyền hâm nóng “Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam 2016”.

Tuy nhiên, bộ môn nghệ thuật này đang ngày càng khẳng định giá trị trong tư duy và mỹ cảm của đời sống, ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng. Để “chơi”, người tham gia cũng phải có tư cách và những giá trị đích thực. Câu chuyện xâm phạm bản quyền đang gióng lên một hồi chuông về một “lỗ hổng” trong ý thức nghề nghiệp của những người được cho là (hoặc tự nhận mình là) nghệ sỹ như cách nói của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.

Ảnh nghiên cứu nói chung, ảnh trong các sách về đời sống xã hội, ảnh báo chí… là những loại ảnh bị vi phạm bản quyền nhiều nhất và thường xuyên nhất. Cánh nhiếp ảnh không ít lần “tá hỏa” khi phát hiện tác phẩm của mình chình ình trong một cuốn sách, bài báo hoặc thậm chí trong một chương trình phát trên tivi nào đó. Song, cũng chỉ “tá hỏa” để mà biết thế thôi. Đâu lại vào đấy, vì vấn đề bản quyền nước mình lâu nay nhìn đâu cũng có vấn đề.

Lê Bích, một tay máy nổi tiếng trong cộng đồng nhiếp ảnh với đề tài làng nghề cho biết: “Khi bản quyền tác giả - tác phẩm chưa được bảo hộ, đạo – nhái trở thành vấn nạn chung, Luật Bản quyền còn nhiều lỗ hổng, ý thức làm nghề còn nhiều yếu kém và đạo đức nghề nghiệp là một điều xa xỉ, những tác giả phải tìm mọi cách để “cứu” mình trước.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích (Ảnh: VPF).

Một số cách mà những người trong giới nhiếp ảnh thường sử dụng có thể kể ra đây là, gửi tác phẩm đến các cuộc thi hoặc báo chí  - xem đây như một sự chứng nhận quyền sở hữu. Đặt ra các điều khoản liên quan đến quyền sở hữu nếu ký hợp đồng. Phổ biến tác phẩm và để lại thông tin cụ thể để nhiều người biết hơn. Có người cực đoan hơn sau một lần bị “ngấm đòn”, tráng ảnh luôn tại nhà, mọi “giao dịch” diễn ra một lần, xong rồi xóa luôn trước mặt”. Tuy nhiên, “những cách làm này cũng chỉ là tạm thời, không thể đối phó mãi được với một sự “cầm nhầm” cố ý của một ai đó”, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết.

Nên chăng có một hồ sơ nhiếp ảnh (giống dạng một cuốn sách nghiên cứu) như các nước vẫn làm? Trong hồ sơ đó, sẽ lưu trữ những thông tin cơ bản của tác giả, những tác phẩm theo thời gian, địa điểm, có bao nhiêu phiên bản, phiên bản nào đã từng công bố; để khi xảy ra tranh chấp, chỉ cần mò lại lưu trữ này thì rõ. Nghệ sỹ cũng nên tự “chuyên nghiệp” và ý thức hơn về vấn đề bản quyền khi đăng ký giấy phép hành nghề. Hoặc lập ra các studio chung, thúc đẩy hoạt động sáng tác và nâng cao ý thức làm nghề… Đó là một trong những biện pháp được đặt ra để “cấp cứu” thị trường nhiếp ảnh.

Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam 2016 (từ ngày 5 đến 14/8) diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, là cuộc chơi quy tụ những tay máy nhà nghề và bán chuyên nghiệp thuộc các thể loại ảnh khác nhau như chân dung, thiên nhiên, cuộc sống đường phố, trừu tượng, phong cảnh… Qua đó, tạo dựng một sân chơi sòng phẳng giữa người sáng tác và người thưởng thức văn hóa.

Tại đó, mọi giá trị về văn hóa và tác quyền được tôn trọng tối đa, đồng thời tôn trọng mọi sự khác biệt trong lao động nghệ thuật. Không so sánh với những triển lãm ảnh mang tính phong trào hoặc triển lãm mỹ thuật chính quy, Hội chợ Nhiếp ảnh được mở ra hướng công chúng có cái nhìn đầy đủ và văn minh hơn về bộ môn nghệ thuật này.

Trong khuôn khổ hội chợ, diễn ra 2 talkshow chính, xoay quanh câu chuyện bản quyền. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trò chuyện về chủ đề “Thái độ của nghệ sỹ với vấn đề vi phạm bản quyền nghệ thuật trong đời sống xã hội - Thực trạng nhận thức về bản quyền” vào ngày 7-8; nhạc sỹ Phó Đức Phương và họa sỹ Thành Chương trò chuyện về chủ đề “Vấn đề bản quyền trong nghệ thuật hiện nay” vào ngày 10-8 tới.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Chẳng có nghệ sỹ nào mà lại đi ăn cắp cả

Trong một số lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật ở nước ta, âm nhạc là hoạt động được xem là diễn ra thường xuyên. Nhưng mỹ thuật hay nhiếp ảnh không phải thế. Câu chuyện nghệ thuật ở nước mình nói chung là nghiệp dư. Ở nước ngoài, kinh doanh nghệ thuật được đưa vào Luật Thương mại hẳn hoi. Mua bán, thuế má, thật giả ra sao, được quy định rõ ràng thành các điều khoản trong Luật, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chỉ có thế mà làm thôi. Nghệ thuật của họ được xem như một món hàng hóa.

Tuy nhiên ở Việt Nam, nghệ thuật chưa được xem là một đối tượng kinh doanh mà mới chỉ dừng lại ở hoạt động tinh thần, là một lĩnh vực bao cấp và những người hoạt động trong lĩnh vực này được xem là nghề nhưng chưa chuyên nghiệp.

Sở dĩ tôi nói như thế là bởi, nghệ sỹ ở ta chưa sống được bằng nghề. Chuyên nghiệp là phải nuôi được mình. Còn chúng ta, được chăng hay chớ, may thì bán được. Chúng ta chưa có nhu cầu mua bán nghệ thuật liên tục mà tính chất ngẫu hứng nhiều hơn. Người nghệ sỹ cũng chưa có khái niệm “bản quyền” một cách sâu sắc. Vi phạm bản quyền, đạo nhái đang trở thành một vấn nạn không kiểm soát nổi. Chúng ta đang chơi một luật riêng mặc dù đã ký vào Công ước Bern. Cái này tựu trung cũng là do đời sống văn hóa và đời sống thưởng thức văn hóa ở nước ta chưa phát triển, vẫn còn nhiều hạn chế.

Chuyện bản quyền nhiếp ảnh vẫn phải trông cậy phần lớn vào ý thức và đạo đức nghề nghiệp của nghệ sỹ. Có người đặt ra câu hỏi rằng, đạo đức nghề nghiệp là một điều gì đó mông lung, không nói được. Chả mông lung gì cả. Chẳng có nghệ sỹ nào mà lại đi ăn cắp cả. Đã ăn cắp thì không phải là nghệ sỹ. Có thế thôi.

Còn việc đăng ký bản quyền, tôi cho rằng đó chỉ là một trong những biện pháp thôi. Đăng ký xong có bảo vệ được không mới là chuyện đáng nói. Tôi được biết rằng, có một số người đi mua tác phẩm của người khác về, sau đó nghiễm nhiên đi đăng ký bản quyền và xem tác phẩm đó do mình đẻ ra. Việc cho đăng ký bản quyền dễ quá cũng nguy hiểm. Cục Bản quyền làm sao đủ năng lực “pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”, cái gì cũng tường tận được? Tôi thấy rằng, việc thẩm định nên để cho các ngành chuyên môn người ta làm trước.  

Đậu Dung
.
.
.