Hội Nhà văn Việt Nam sáng tác... họ tên cho nhà thơ Lê Đạt
Chiều 21/4, tôi nhận tin nhà thơ Lê Đạt mất từ Tòa soạn thông báo. Các anh trong Tòa soạn còn cẩn thận dặn tôi khi viết về nhà thơ, nhớ lấy cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại" của BCH Hội Nhà văn xuất bản năm 2007 để tra cứu tư liệu cho chuẩn xác.
Sự cẩu thả xuyên thế kỷ
Tin nhà thơ Lê Đạt mất thật đột ngột, vì mọi người vẫn biết ông luôn mạnh khỏe. Mấy lần Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu, đều gặp ông vui tươi, nói cười rổn rảng, chẳng bệnh tật gì. Ông lại vừa dự một trại viết ở miền Trung về.
Tôi cố gắng gọi tới số máy ở nhà mà ông đã cho, để hy vọng một sự nhầm lẫn nào đó, nhưng không liên lạc được. Đành gọi cho nhà văn Nguyễn Hoa - Trưởng ban Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam để kiểm tra thông tin, thì nhà văn Nguyễn Hoa buồn rầu xác nhận đúng là nhà thơ Lê Đạt vừa mất lúc 3h sáng ở Bệnh viện Việt - Đức, sau tai nạn ngã cầu thang.
Nhà văn Nguyễn Hoa cũng cho biết, ông đang thảo tin buồn. Là người chu đáo, nhà văn Nguyễn Hoa đọc cho tôi nghe qua tiểu sử của nhà thơ Lê Đạt, rằng ông tên thật là Đà Công Đạt, từng là cán bộ tuyên huấn v.v…
Xác định chắc chắn thông tin, tôi bắt tay vào viết bài về nhà thơ, như một nén nhang thành kính với người "phu chữ". Nhớ lời dặn từ Tòa soạn, tôi lấy cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại" của Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007 trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam để làm tư liệu.
Ở trang 239, là phần giới thiệu về nhà thơ Lê Đạt với dòng: "Họ và tên khai sinh: Đà Công Đạt". Thấy họ "Đà" có vẻ là lạ, tôi cẩn thận lấy thêm cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại" - NXB Hội Nhà văn in năm 1997 để so sánh.
Ở trang 173 là phần giới thiệu nhà thơ Lê Đạt, cũng ghi rõ: "Tên khai sinh: Đà Công Đạt". Tin chắc vào tư liệu của cả 2 cuốn sách in cách nhau đúng 10 năm, tôi ung dung viết phần giới thiệu về tiểu sử nhà thơ, trong đó, ghi thật rành mạch: tên thật ông là Đà Công Đạt!
Nhưng, ngay trong buổi sáng phát hành, một số bạn đọc của Báo CAND đã gọi điện về tòa soạn thắc mắc: họ của nhà thơ sao lại là Đà mà không phải là Đào? Tôi liền liên lạc đến số máy 08046870 của Ban Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam để xác nhận thêm, thì được một chị phụ nữ ở đó khẳng định ông họ Đà chứ không phải Đào.
Tôi tiếp tục liên lạc về số 9438072 của Văn phòng Hội Nhà văn, thì được một người cho hay, ông họ Đào! Đến lúc này thì tôi thật sự lúng túng không biết chính xác nhà thơ Lê Đạt họ gì! Sau đó, với sự giúp đỡ của một người bạn trong giới văn chương, tôi liên lạc được với con trai nhà thơ Lê Đạt ở 190 Phó Đức Chính, Hà Nội và được anh Đào Công Uẩn, con trai duy nhất của nhà thơ khẳng định: họ của cha anh là Đào Công Đạt chứ không phải là Đà Công Đạt!
Thế nghĩa là cuốn sách được coi là đáng tin cậy nhất về thông tin liên quan đến các nhà văn Việt Nam hiện đại đã sai - một cuốn sách được khẳng định ngay trong lời giới thiệu là "một cuộc điểm danh các nhà văn, có ý nghĩa như một tổng kê, hơn nữa, một biểu dương thành tựu… bằng sự trình bày những thông tin chủ yếu nhất về tiểu sử và hoạt động nghề nghiệp của mỗi nhà văn, trên cơ sở các nguồn tư liệu mới nhất do chính nhà văn hoặc thân nhân nhà văn cung cấp; qua thẩm định của các thông tin lưu giữ".
Nhưng nếu không có sự ra đi của nhà thơ Lê Đạt thì đã mấy ai biết rằng, sự cẩu thả đã kéo dài tới 10 năm vẫn không được thay đổi phía sau những ngôn từ như đinh đóng cột này.
Cẩu thả hay tùy tiện?
Đáng tiếc là, những sai sót về tiểu sử các nhà văn Việt Nam trong cuốn sách đồ sộ trên (dày 1.200 trang, bìa cứng), lại không phải là hiếm. Nhà thơ Hà Văn Thể đã giật mình khi nhìn đến trang giới thiệu về bản thân anh: sinh năm 1927! Đến chính anh cũng không ngờ mình lại "được" BCH Hội Nhà văn "tặng" cho thêm tới 31 tuổi nữa (anh sinh năm 1958) và đổi tên quê quán của anh từ xã Đồng Lương (Phú Thọ) thành Đô Lương! Mà thông tin về anh nào có xa lạ gì, khi anh vừa mới trở thành hội viên năm 2006.
Rất nhiều người đều biết, nhà văn Dạ Ngân là Trưởng Ban văn xuôi của Báo Văn nghệ (trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam), vậy mà ở phần giới thiệu về chị (trang 654), cuốn sách đã hạ bệ chị xuống Phó Ban! Chị bảo, đôi lần trả lời phỏng vấn, chị giới thiệu là Trưởng ban, đã có người hỏi lại vì thấy sách ghi là Phó Ban, nên bản thân chị cũng thấy… lố! Nhà văn Nguyễn Hồng Thái từng đoạt đồng giải nhất cuộc thi Cây bút Vàng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam (do Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an tổ chức), nhưng trong cuốn này, đã bị "đôn" lên thành giải… Cây bút Vàng (thuộc về nhà văn Ma Văn Kháng).
Nhà văn Phạm Đình Trọng bức xúc: "Những nhà văn tài năng trước cách mạng đã có đóng góp rất quan trọng cho văn chương Việt Nam như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam... đều không được nhắc đến! Các nhà văn sống và viết ở miền Nam trước 1975 cũng không có tên trong cuốn sách này! Không có tên những nhà văn đã có những tác phẩm ghi nhận diện mạo xã hội Việt Nam một thời lịch sử... Không có tên cả những nhà văn đã viết với lòng yêu nước, niềm tự hào về nền văn hóa dân tộc như nhà văn Vũ Hạnh! Đó là điều rất đáng tiếc cần được nhìn nhận để sẽ có một "Nhà văn Việt Nam hiện đại" đầy đủ, công bằng và có giá trị lịch sử hơn. Nhìn vào đội ngũ mà "Nhà văn Việt Nam hiện đại" tập hợp, điểm danh còn mang đến cho ta cảm giác băn khoăn về khái niệm văn chương. Những hạn chế rất rõ và rất lớn đó làm cho tập sách không xứng với tên sách… Mười năm qua cũng là thời kì "Nhà văn Việt Nam hiện đại" bị đánh tráo, làm giả nhiều nhất!".
Một cuốn sách được đầu tư rất lớn bằng tiền đóng thuế của dân, bằng sự quan tâm của Nhà nước, bằng sự hy vọng của công chúng, chỉ mang lại một giá trị thiếu tin cậy đến thế sao? Sau 10 năm, mà Lời giới thiệu ở cả 2 cuốn gần như chỉ là một bài viết. Có lẽ, sự khác lớn nhất là sửa "cuốn sách ra mắt nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Hội" thành "ra mắt nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội". Việc giải thích nguyên nhân của các sai sót trong cuốn sách cũng được giữ nguyên: "Những thiếu sót ấy phản ánh năng lực chế ngự thời gian, khả năng tìm kiếm, thẩm định chưa cao của tập thể những người biên soạn, biên tập, xét duyệt, chịu trách nhiệm xuất bản ấn phẩm này". Điều mà nhiều người buồn còn ở chỗ không chỉ là những sai sót đáng ra không được có trong cuốn sách này, mà còn là thái độ ứng xử và sự quan tâm tới các hội viên chưa công bằng.
Nhà văn Dạ Ngân tâm sự: "Một số nhà văn được Giải thưởng Nhà nước, dù sát vào thời điểm in sách vẫn được bổ sung đầy đủ, trong khi nhiều người khác lại không được bổ sung thông tin. Ở phần các nhà văn được dịch ra tiếng nước ngoài, cũng không thống nhất về tiêu chí nên có người được dịch rất nhiều nhưng lại không thấy khai, có người thì khai la liệt. Lẽ ra, phải có một ban biên soạn sưu tầm đầy đủ các tư liệu về các nhà văn, để cuốn sách đảm bảo tiêu chí khoa học, chính xác và thống nhất chứ không thể làm một cách cẩu thả như thế được".
Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có mấy trăm người mà việc thẩm định thông tin trong quá trình xuất bản lại không cẩn thận được, để yêu cầu về tính chính xác phải tuyệt đối, nhất là trong cuốn sách được coi như từ điển về các nhà văn Việt Nam hiện đại, lại đã có thêm 10 năm tập hợp, tra cứu và bổ sung?
Với những sai sót như đã nói, làm sao cuốn sách có thể đảm bảo cho việc nghiên cứu, sử dụng tư liệu về các nhà văn Việt Nam của các thế hệ giáo viên, học sinh, sinh viên, khi đây là một trong những cuốn sách được hệ thống các thư viện mua nhiều nhất, được cho là cẩm nang trong nhà trường để giáo viên và học sinh tra cứu?
Kiểu này, dễ xảy ra tình trạng, học trò đúng mà vẫn có thể bị trượt oan vì thầy lấy cuốn sách này làm chuẩn!