Học… làm khán giả

Thứ Ba, 03/07/2007, 10:26
Không ít chương trình, giữa buổi biểu diễn khán giả ồn ào bỏ về. Thậm chí, có chương trình, trước tình trạng khán giả bỏ xem nửa chừng quá đông, MC phải khích tướng, thậm chí phải xuống nước thuyết phục...

Đầu tiên phải kể đến chương trình truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình. Nắm tâm lý muốn lên tivi một lần cho biết của nhiều khán giả nên chiêu đạo diễn khán giả tươi vui, cổ vũ thật nhiệt tình để lên hình cho đẹp được sử dụng khá phổ biến.

Tuy nhiên, gần đây, tại nhiều chương trình, xem ra chiêu này không còn đắc dụng. Mặc nhân viên nhà đài đi lại, nhắc… mệt nghỉ, nhiều khán giả vẫn không buồn nhúc nhích.

1.001 chiêu sắp đặt cổ vũ

Tại đêm chung kết Tiếng hát người làm báo TP HCM vừa qua, nghe nữ nhân viên của Đài Truyền hình thành phố đến tận nơi, mời đi mời lại các khán giả dồn lên phía trên xem cho rõ, cổ vũ gần hơn và ghi hình được đẹp hơn, nhiều nhóm khán giả vẫn tỉnh bơ ngồi im. Bị mời nhiều quá, một nhóm nam thanh nữ tú trả lời tỉnh queo: Bọn em không phải người của báo nào, không ủng hộ đội nào…

Để chắc ăn, tại nhiều chương trình, ngay cả khâu cổ vũ cũng được chuẩn bị khá chu đáo. Có khi là vận động bạn bè, người thân của nghệ sỹ, ca sĩ đi cổ vũ. Nếu có sẵn đội ngũ các cổ động viên từ câu lạc bộ các fan hâm mộ càng tốt.

Nhà tổ chức chỉ mất thêm chút thời gian, công sức hướng dẫn, bỏ ra thêm một lượng vé mời được phát ra, fan hâm mộ có cơ hội xem miễn phí thần tượng biểu diễn, đơn vị tổ chức không hẳn thiệt hại về mặt doanh thu vì không có đội ngũ cổ động viên này, chưa chắc hàng ghế khán giả đã đầy. Bất quá là mượn học sinh, sinh viên về tập dượt…

Tuy nhiên, không ít chương trình, giữa buổi biểu diễn khán giả ồn ào bỏ về. Thậm chí, có chương trình, trước tình trạng khán giả bỏ xem nửa chừng quá đông, MC phải khích tướng, thậm chí phải xuống nước thuyết phục: đồng hành cùng các nghệ sỹ đến hết chương trình là biểu hiện của văn hóa, mong khán giả ở lại để ủng hộ tinh thần cho các nghệ sỹ… song nhiều chương trình vẫn không cứu vãn được tình thế bao nhiêu.

Ngược lại, tại một chương trình Album vàng do Đài Truyền hình TP HCM phối hợp với Công ty Cát Tiên Sa tổ chức, sự cổ vũ ồn ào thái quá của một nhóm các cô cậu tuổi học trò giữa khu vực khán phòng đôi khi át cả tiếng MC, ca sĩ trên sân khấu.

Hoàng, một thành viên trong nhóm cho biết: Tất cả là fan của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, đến để cổ vũ cho thần tượng của nhóm. Nếu chúng tôi quan tâm, gia nhập câu lạc bộ sẽ thường xuyên có vé đi xem ca nhạc, vừa vui vừa đỡ tốn tiền vào cửa nhưng thỉnh thoảng cũng phải tham gia các buổi tập dượt để đến buổi biểu diễn cho khí thế và chuyên nghiệp(?!). Có khi nhóm không cần đến liên lạc, Ban tổ chức nhiều chương trình vẫn tự động gửi vé mời…

Tuy nhiên, tại chương trình hôm ấy, các tiết mục biểu diễn của hầu hết các ca sĩ đều được nhóm hò hét cổ vũ như nhau, trừ phần biểu diễn của ca sĩ Phương Uyên và Thanh Thảo.

Đặc biệt là thời gian cô ca sĩ búp bê Thanh Thảo đứng trên sân khấu, thay vào những âm thanh la hét, những người ngồi quanh nhóm luôn phải thưởng thức những câu văng tục mà bình thường họ khó có thể nghĩ rằng chúng được thoát ra từ miệng của các cô cậu học trò này…

Khán giả cũng cần được đào tạo?

Nhiều nghệ sỹ từng than thở: Giữa chương trình, nhìn khán giả bỏ về rầm rầm thì dù có tâm huyết đến mấy cũng không còn tâm trạng đâu tập trung để diễn. Thái độ lạnh lùng của người xem đôi khi biến sự nhiệt tình của ca sĩ trở nên vô duyên…

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của đơn vị sân khấu Idecaf không ít lần than phiền về những tràng vỗ tay cổ vũ quá bị khán giả tiết kiệm. Thế nên, ngay từ các chương trình sân khấu dành cho thiếu nhi, đơn vị luôn cố gắng chú trọng tạo cho các em thói quen văn hóa khi xem biểu diễn…

Tại dự án "Sân khấu học đường" của Cục Nghệ thuật biểu diễn, phần đào tạo khán giả được chú trọng đặt riêng thành một mục, chia thành hệ thống các tiểu mục theo từng trình tự nhất định.

Nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành từng ví von khán giả sân khấu ngày xưa như rừng nguyên sinh, cây cối tự mọc, tự lớn và đến già không có ai chặt trộm hoặc đốt đi. Điều kiện xã hội hiện nay, các loại hình giải trí đa dạng, khán giả mặc sức lựa chọn. Để phát triển khán giả bền vững phải chú ý đào tạo, giúp các em hiểu, được xem thì mới có tình yêu thực sự…

Không thể mãi chủ quan với quan niệm "hữu xạ tự nhiên hương" nhưng nếu không có hương, nếu các chương trình không có chất lượng thực sự thì dù được quảng bá rộng rãi, việc khán giả thờ ơ, bỏ về ngang chừng chắc chắn còn tồn tại

N.H.
.
.
.