Hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu còn tồn tại nhiều bất cập

Thứ Tư, 03/12/2014, 10:49
Nếu nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa có một quy định cụ thể, thống nhất chuẩn mực nào, từ đó dẫn đến tình trạng mỗi nơi hoạt động một phách.

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ của người Việt là một loại hình tín ngưỡng đã được Nhà nước công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia và dự kiến sẽ được Bộ VH-TT&DL xây dựng hồ sơ khoa học để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2016. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta có thể thấy rằng, hiện tại tín ngưỡng này vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa có một quy định cụ thể, thống nhất chuẩn mực nào, từ đó dẫn đến tình trạng mỗi nơi hoạt động một phách.

Do những biến thiên của lịch sử, trong đó có những giai đoạn đất nước phải trải qua những cuộc chiến tranh ác liệt, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Sau những lần bị gián đoạn ấy, tín ngưỡng thờ Mẫu ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương lại có những sự thích nghi, bảo tồn khác nhau, dẫn đến kết quả là sự phát triển của nó cũng không giống nhau.

Bàn về chủ đề này, Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, các nhà quản lý và không ít nhà nghiên cứu đang có sự nhầm lẫn về khái niệm. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phân biệt rất rõ hai cụm vấn đề: bảo tồn - phát huy giá trị di sản và thừa kế - phát triển di sản”. Điều đó có nghĩa rằng, quá trình thứ nhất là phải bảo tồn và phát huy những giá trị nguyên gốc vốn có của di sản văn hóa. Quá trình tiếp sau đó mới đến giai đoạn thừa kế rồi phát triển nó lên.

“Thế nhưng, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn nhầm lẫn rằng: bảo tồn - phát triển di sản. Bởi thế, di sản không được bảo tồn đúng nghĩa và phát triển thì lại theo hướng lệch lạc, dẫn tới việc phá hoại di sản độc đáo của cha ông”- Giáo sư Tô Ngọc Thanh phân tích.

Cùng nói về vấn đề này, Giáo sư, TSKH Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nhận xét: “Hiện nay, như riêng ở Hà Nội, cơ quan quản lý không có hình thức quản lý cụ thể nào về hầu đồng. Điều đó dẫn đến việc ai muốn làm gì thì làm, thích lên đồng theo cách thức nào thì tùy và muốn xây dựng, sửa chữa các đền, phủ theo hình thức nào thì làm một cách tùy tiện”.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng này bao gồm nhiều hệ giá trị độc đáo, gắn liền việc thờ nữ thần, thờ bà mẹ thiên nhiên với các khát vọng về sức khỏe, tài lộc của con người.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, hầu hết số thanh đồng thiếu hiểu biết về tín ngưỡng thờ Mẫu: “Chính điều này đã dẫn đến những biến tướng, lệch chuẩn ở những sinh hoạt liên quan đến tín ngưỡng này trong đời sống hiện nay”.

Có cùng quan điểm như trên, Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng: “Việc quản lý các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại các các đền, phủ là một vấn đề không mới. Nó đã được đặt ra từ hàng chục năm nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được mô hình, cách thức quản lý. Đã liên quan đến phương diện tâm linh, chúng ta cần giữ cho nghiêm những lề thói, quy chuẩn của cha ông”.

Nhìn nhận cụ thể vào trường hợp quản lý các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại các các đền, phủ ở Hà Nội, Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng, cơ quan chức năng cần xây dựng bộ khung quản lý thống nhất, dựa trên tinh thần khôi phục, bảo tồn những giá trị gốc, cốt lõi của di sản.

Bên cạnh đó, bàn về vấn đề bổ sung các vị thần thánh vào hệ thống điện thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ông Lưu Ngọc Đức, Thủ nhang Lảnh Giang Vọng Từ (Hàng Hành, quận Hoàn Kiếm) cho rằng: “Tôi đi nhiều nơi thì thấy việc bài trí, bố trí hệ thống đền, phủ mỗi nơi mỗi kiểu và không theo một phương thức thống nhất nào. Có những nơi thờ Phật mà cũng bổ sung các hệ thống tượng của tín ngưỡng thờ Mẫu vào thờ cùng. Trong khi trong đạo Mẫu, thờ một số vị có cúng đồ ăn mặn. Vậy là giữa thờ Phật và thờ Mẫu lại mâu thuẫn nhau, đôi khi rất phản cảm”.

Nếu không quản lý tốt, nghi lễ hầu đồng rất dễ bị lợi dụng. (Ảnh minh họa).

Là người có 20 năm làm Trưởng ban Quản lý di tích Đền Rừng (quận Long Biên, Hà Nội), bà Lê Thị Hạnh là người có kinh nghiệm trong vấn đề quản lý cũng như tổ chức hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu. Sự từng trải của bà trong suốt quá trình hoạt động lâu dài ấy cũng đưa đến một kết luận, nói về tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và nghi lễ hầu đồng nói riêng, hiện nay vẫn chưa có một quy định, chuẩn mực, thống nhất chung. “Tôi thấy mỗi thanh đồng lại có một bộ trang phục riêng không ai giống ai. Màu sắc và kiểu thiết kế cũng khác nhau. Có người lại buộc cái núm tròn tròn trên đầu y như kiểu Trung Quốc trong khi tín ngưỡng thờ Mẫu là của người Việt” – bà Hạnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, trong cách thức thực hiện các loại hình hoạt động trong tín ngưỡng thờ Mẫu cũng còn rất nhiều vấn đề nổi cộm khác như: vấn đề lợi dụng hầu đồng, mở phủ để trục lợi cá nhân; vấn đề trùng tu, xây dựng các di tích đền, phủ cũng có rất nhiều bất cập; sự biến đổi trong đội ngũ con nhang đệ tử; vấn đề thương mại hóa tín ngưỡng, buôn thần bán thánh, lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan; cách thức hát chầu văn, đưa những điệu nhạc không phù hợp,…

Nguyên nhân căn bản dẫn đến những tồn tại, nghịch lý nêu trên là do các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa chưa đưa ra được những quy định, chuẩn mực chung về tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ của người Việt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu để đưa ra được những biện pháp quản lý hữu hiệu, nhằm ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả những biến tướng, hành vi không lành mạnh của những cá nhân lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi.

Có như vậy thì chúng ta mới có thể bảo tồn được di sản tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, từ đó tiến tới phát huy nó để làm lành mạnh hóa đời sống tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân - một nhu cầu chính đáng tất yếu.

Cảnh Vũ
.
.
.