Hoạ sỹ Vi Quốc Hiệp: Sự vô tư của tình yêu

Thứ Sáu, 21/04/2006, 07:40
Không ai được quyền chọn nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng nhiều người có thể chọn nơi cư trú thường xuyên của mình. Vi Quốc Hiệp sinh ra ở Lạng Sơn nhưng nay anh lại là người con của Đà Lạt, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng.

Anh từng tham gia 11 cuộc triển lãm chung và cá nhân, đang có tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia ở Hà Nội... Và đặc biệt, anh còn là tác giả của nhiều tập thơ mà tập mới nhất với nhan đề "Thu gọi" vừa ra mắt độc giả vào tháng 2 năm nay.

Hội họa của Vi Quốc Hiệp thực sự là một biểu hiện của tư duy "đậm đà bản sắc dân tộc". Xem tác phẩm anh không thể lẫn với bất kỳ tranh của ai khác ở quốc gia nào khác. Những hình ảnh đời sống đất Việt ở nhiều vùng và trong nhiều cảnh huống, với nhiều gương mặt đa dạng đã hiện lên dưới bàn tay "múa màu" của Vi Quốc Hiệp một cách đầy sinh động và náo nức.

Họa sĩ là người bản chất lạc quan nên tranh của ông thường toát lên những gam màu tràn đầy tình yêu cuộc sống. Ngay cả "thành phố buồn" Đà Lạt trong tranh Vi Quốc Hiệp cũng hiện lên rất tươi tắn và ẩn chứa những dự cảm lạc quan. Những ngôi biệt thự cổ Đà Lạt hiện lên qua mắt nhìn Vi Quốc Hiệp không u uẩn như thường vẫn thế, mà lại hấp dẫn và niềm nở bởi những tâm sự sâu lắng đàng sau những đường nét phong sương và sắc màu có vẻ như trầm lặng.

Đặc biệt, Vi Quốc Hiệp có những chân dung rất gần gụi và ấm áp: những nhân vật của anh thường thánh thiện, "người nhà", lạ đấy nhưng lại "ta thấy em trong tiền kiếp", đúng như ca từ của Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ từng có thời gian không ngắn gắn bó cùng Đà Lạt...

Ai đó đã bảo rằng, làm "con dân" của Đà Lạt, nếu không trở thành một nhà kinh doanh du lịch đại tài thì có lẽ chỉ còn mỗi một con đường làm nghệ sĩ mà thôi. Vi Quốc Hiệp là nghệ sĩ bẩm sinh rồi, anh không cần phải làm nhà kinh doanh du lịch nữa. Thế nhưng, có lẽ ngành du lịch Đà Lạt sẽ phát triển hơn nhờ những nghệ sĩ yêu Đà Lạt như anh.

Vẽ như thế nên thơ Vi Quốc Hiệp cũng thuần phác lắm, dẫu nhiều khi hết sức đa tình và phóng túng. Và đặc biệt là rất nhiều dáng vẻ và màu sắc. Đây là khoảnh khắc anh miêu tả chân dung thiếu nữ bằng con chữ:

"Dáng em hướng nào cũng đẹp
Dải lụa vắt ngang trời chiều
Để ngày giật mình thảng thốt
Đêm về đổ bóng liêu xiêu
Tóc em như có phép lạ
Xô nghiêng cả rặng tre dầy
Bồng bềnh giai điệu xô nát
Cuốn chìm những mắt lá bay

Mắt em dìu dịu trăng say
Làm mây quẩn quanh ríu bước
Sao kia trốn trời thao thức
Thèm lọt ánh mắt em bay

Dáng em hướng nào cũng đẹp
Bần thần câu rút hồn tôi
Gắn si vào niềm vọng thức
Một thời rưng rức bỏng sôi..."

Thôi thì ta ở đâu thì làm thơ mang phong vị nơi đấy... Tôi không rõ lý do cụ thể đã đưa Vi Quốc Hiệp từ cực Bắc về với Đà Lạt nhưng tôi biết rằng anh yêu Đà Lạt thực lòng và đắm đuối. Trong một bài thơ văn xuôi, Vi Quốc Hiệp đã viết:

"Đà Lạt dịu dàng thông reo gió cuốn, mây lang thang.  Cái ngày em vào Đà Lạt đại ngàn xanh như chưa thế bao giờ. Ta cùng nghe nhạc thông hát, hồ Xuân Hương trôi trong tiếng ru, đôi thiên nga trắng thủ thỉ ta có nhớ nhau không nhỉ? Nỗi nhớ không thành lời theo gió mây nắng trôi...".

Thực thà đến tội nghiệp, như chính con người nghệ sĩ của tác giả vậy. Tôi đồ rằng Vi Quốc Hiệp làm thơ cũng như vẽ tranh, chẳng để "cầu cạnh" gì cả mà đơn giản chỉ là bày tỏ những con sóng cảm xúc đang dào dạt dâng lên trong lòng mình mà thôi. Anh là nghệ sĩ tìm tới nghệ thuật không phải để "đặt chỗ" cho cá nhân mình ở đó mà để cất lên những tín điều mà nếu ta không nói ra thì ta không thể nào yên ổn sống. Tất nhiên, lắm khi nói ra rồi thì lại càng không yên ổn sống nhưng trạng thái náo động đó là trạng thái phát triển sáng tạo chứ không phải sự tù đọng của trái tim.

Tôi rất muốn nghĩ rằng, với tấm chân tình đó, với sự vô tư đó đối với nghệ thuật, biết đâu rồi có lúc anh cũng tự nhiên "ông giời có mắt" tìm được vị trí xứng đáng với tâm và tình của anh trong làng hội họa và thậm chí cả làng thơ nữa ở xứ ta.

Có thể lắm chứ!

Minh Huyền
.
.
.