Họa sỹ Lê Thiết Cương: Người đặt quê trong phố

Chủ Nhật, 04/05/2008, 10:20
Tôi đến nhà anh, họa sỹ Lê Thiết Cương có bộ ghế cũ trong căn phòng khách nhìn ra một khoảnh vườn bé xíu được trình bày trong không gian rất art. Ngoài kia phố, trong này đã rặt một vị quê kiểng đầy hoài niệm. Cũng như anh, chỉ mới trên những bức vẽ, còn trong tâm thức anh vẫn lưu mãi những giá trị cũ.

Lê Thiết Cương hẹn đến gallery của anh - 39A Lý Quốc Sư, tầng trên là gia đình lớn của anh đang sống. Và bảo, đừng mang máy ghi âm nhé, nói chuyện tếu táo một chút cho vui.

Lê Thiết Cương vừa triển lãm thành công "Chuyện của Lan". Một câu chuyện về người phụ nữ thời chiến tranh. Những bức vẽ thoạt tiên là sự đơn giản. Có thể coi Lê Thiết Cương là người đầu tiên trong hội họa Việt Nam sử dụng phong cách tối giản. Nên những bức vẽ của anh được nhiều người nhận định là… dễ xem.

Thậm chí, với triển lãm "Như không", cách vẽ của anh còn khiến một số người cảm thấy… dễ vẽ và… dễ bắt chước. Nhưng, tất nhiên, đó chỉ là những câu chuyện vui, còn hành trình đi tới cái tối giản của Lê Thiết Cương không đơn giản như vậy.

Trong sáng tạo, dường như người ta thường thích trước tiên là những kỹ thuật kỳ khu và rối rắm. Và có người luẩn quẩn cả đời trong mớ rối rắm hình thức đó. Chỉ có một số ít là thoát ra rất nhanh, để dần xác lập cho mình một ngôn ngữ sáng tạo độc lập, tạo ra một thứ từ trường riêng cho nghệ thuật của mình. Và hầu như họ đều chọn con đường đi tới sự giản dị.

Sự giản dị này có thể xem như một thứ "cảnh giới" trong sáng tạo. Nó tạo cho công chúng một con đường nhẹ nhàng tiếp cận tác phẩm. Và người nghệ sỹ phải lao động vất vả nhiều hơn, để sự "như không" ấy tạo nên nỗi ám ảnh hay niềm xúc động không dứt.

Tranh của Lê Thiết Cương đi nhiều vào cảm xúc. Và nó không chắp vá, không lặp lại. "Chuyện của Lan", nếu nhìn theo cách mà Lê Thiết Cương bố trí câu chuyện thì thực sự không mới, vẫn là motif thân phận người phụ nữ trong chiến tranh. Nhưng chúng ta không thể áp đặt cách hiểu nội dung như hiểu một văn bản chữ vào một tác phẩm hội họa. Và cái mới đến từ cảm xúc thẩm mỹ mà tác phẩm đem lại chứ không nằm trong nội dung của nó.

Tôi hỏi anh, tại sao không phải là chuyện của một ai đó khác, ví dụ như một bà mẹ, hay một người lính chẳng hạn? Lê Thiết Cương nói, anh vẽ "Chuyện của Lan" bằng những trải nghiệm thật trong đời sống. Anh đã đi nhiều nơi, đến nhiều miền đất, đủ để hiểu những góc khuất phía sau cuộc chiến tranh. Và chuyện về những số phận phụ nữ, thua thiệt nhiều, gánh chịu nhiều nỗi đau vẫn là những ám ảnh lớn nhất.

Chính vì thế anh chọn "Chuyện của Lan" làm triển lãm, chứ không phải bộ tranh anh vẽ trước đó, "Chuyện của Hùng". "Chuyện của Hùng" là câu chuyện về số phận một người lính. Câu chuyện về một người lính cần không gian rộng hơn vì số tranh cũng lớn hơn "Chuyện của Lan" rất nhiều. Anh nói, sẽ chọn lại và có thể đưa "Chuyện của Hùng" ra triển lãm trong một thời gian nữa.

"Hiệu ứng của "Chuyện của Lan" trong dư luận có khiến anh hài lòng không?". "Cũng có nhiều người hứng thú. Nhưng người mua thì không. Mấy triển lãm vừa rồi tranh của tôi bán không được. Nhưng tôi cũng không quá đặt nặng chuyện bán tranh. Bởi vì bán tranh là chuyện khác.

Triển lãm là chuyện làm nghề, mình phải làm cho mình, như khi vẽ mình vẽ trước tiên là cho mình vậy. Có điều vui là nhiều bạn trẻ đến xem triển lãm của tôi. Tôi muốn những người này tiếp cận tác phẩm của mình, vì tôi hy vọng  mọi chuyện sẽ tốt dần lên. Chứ hiện nay, nói thật, đáng buồn là hội họa Việt Nam chưa có công chúng".

Hội họa Việt Nam chưa có đông đảo công chúng là người Việt, đó là thực tế. Chúng ta thiếu đi những nền tảng cơ bản trong nhà trường về cách cảm thụ nghệ thuật. Và nhiều người trong chúng ta cũng chưa có tinh thần tự học cao, không tự mình tìm hiểu để có thể yêu thích những giá trị đích thực của dân tộc.

Chính vì lẽ đó mà người Việt Nam rất thờ ơ với bảo tàng hay những bộ môn nghệ thuật truyền thống như ca trù, hát xẩm, đờn ca tài tử…

"Khi tôi dẫn bạn tôi đi xem bảo tàng lịch sử, thấy dân mình vào đó toàn để chụp ảnh. Còn một khối lượng đồ sộ những hiện vật được trưng bày ít được quan tâm. Bỏ 70 ngàn là có thể được nhân viên mở tủ ra cho chụp những hiện vật từ mấy ngàn năm. Rẻ đến mức tôi không hình dung được.

Trong khi đó tại nước ngoài, mình muốn đi xem bảo tàng, phải bỏ một khoản tiền vé không nhỏ. Và người ta đến bảo tàng một cách thường xuyên, như một cách tự học nữa. Hay tôi đi tháp Chàm ở Nha Trang, thật kinh khủng khi toàn thấy người ta khắc tên nhau lên thân tháp, một thứ tháp làm bằng đất nung.

Những di tích vô giá ngàn năm mà bị chúng ta ứng xử như một thứ đồ chơi. Tất cả vì chúng ta không hiểu được giá trị thực của nó. Mà muốn hiểu thì phải học, tự mò mẫm mà học thôi, chứ trường lớp nào dạy nổi. Đáng buồn nhất là rất đông người thích đổi xe ôtô, điện thoại đẹp trong khi đó tiếng Anh chả biết, tiếng Việt cũng chả thạo" - Lê Thiết Cương bức xúc.

Và chính vì những cái đó mà hội họa Việt Nam, dẫu rất khỏe mạnh, vẫn không được quan tâm. Và những họa sỹ như Lê Thiết Cương sống được là nhờ bán tranh của người nước ngoài. Tranh của anh đã có mặt tại một bảo tàng lớn tại Singapore.

"Được treo bức tranh tại sảnh một khách sạn 5 sao hay tại Bảo tàng Mỹ thuật, điều gì có ý nghĩa với anh hơn?".

"Tôi thích tranh của mình được treo tại các bảo tàng tư nhân hoặc treo ở nhà tôi. Hoặc những bảo tàng mà người ta luôn có ý thức tìm kiếm những điều mới mẻ để bổ sung, để nâng cao giá trị thì ai cũng thích. Còn những nơi khác, thú thực, cách làm việc còn nặng tính ban bệ, những người mà chúng ta chưa thấy xứng đáng cũng được xếp bên cạnh những tài năng lớn. Bảo tàng phải là nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật chứ không phải để lưu giữ những chức tước" - vẫn thẳng băng, đó là cách mà Lê Thiết Cương trả lời.

"Tranh của anh bán được không?". "Ngày trước thì rất được. Giờ thì bán rất chậm. Nên toàn phải… sống nhờ quá khứ". "Và tranh của Lê Thiết Cương có đắt không?". "Rất đắt. Vì nó chỉ có một bản duy nhất, ghi lại thời khắc duy nhất trong cảm xúc của tôi".

"Anh mở gallery mà bán không được sao?". "Gallery này hoàn toàn phi lợi nhuận, tôi chọn và trưng bày những tác phẩm của các họa sỹ trẻ. Tôi coi như đây là cơ hội để giúp họ có được những bước đầu tiên làm nghề. Họa sỹ trẻ tìm chỗ đứng khó vô cùng. Thế thôi. Với tôi, hội họa đến giờ tôi đã làm được một việc là tôi đã vẽ những bức tranh mà tôi ưng ý, tôi có phong cách của riêng tôi. Tôi muốn mở rộng sang những lĩnh vực khác, như gốm, tượng… Thứ nào cũng thấy hay".

Lê Thiết Cương có một dự án mà anh tự hứa sẽ hoàn thành trong 10 năm, đó là cuốn từ điển các làng nghề Việt Nam. Nay dự án đã đi được 3 năm, và anh đã hoàn tất phần làng nghề liên quan đến mỹ thuật. Và anh nói, có lẽ nên giới hạn trong những lĩnh vực như vậy, nó sẽ không bị dàn trải và sẽ là một tài liệu tốt cho những ai nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam.

Nghiên cứu sâu về những làng nghề thủ công, anh mới chợt nhận ra rằng, những sản phẩm thủ công nó không chỉ thể hiện tài hoa của người Việt mà nó còn thể hiện tâm thế của một xã hội. Những chiếc bàn ghế được chạm trổ bằng đôi tay của người thợ giờ đã được thay bằng máy rất nhiều.

Nhưng những bản gốc làm bằng tay của nghệ nhân vẫn là những bản có giá nhất. Bởi nó là sự tài hoa đúc thành. Nó là nguyên bản. Và nó được làm từ sự nhẫn nại, từ những kỳ công, nên nó nhẵn, mịn và  rất có tình. Nó cho thấy các cụ xưa yêu chuộng cái đẹp và sẵn sàng nuôi thợ dài ngày chỉ mong cầu có được một sản phẩm đẹp ưng ý. Và cái tâm phải yên, người ta mới trọng những điều như thế, mới biết chờ trông không toan tính vào những điều như thế.

Chỉ vào chiếc ấm trà anh và tôi đang uống, Lê Thiết Cương nói, nhìn vào đây mới thấy nó là một kỳ công của người thợ gốm. Toàn bộ những hoa văn được vẽ bằng tay nên nét vẽ đậm nhạt khác nhau, nó không phải là những bộ ấm chén được dập khuôn trên máy vô hồn. Nhưng giờ thì cả làng Bát Tràng chỉ có hai nghệ nhân là có thể vuốt bằng tay theo cách các cụ xưa.

Lê Thiết Cương có thể nói hàng giờ về những điều cũ kỹ như thế. "Bạn bè nói tôi thích chơi đồ cũ. Nhưng chả sao, mình hiểu được giá trị của nó, mình yêu những giá trị đó, thế thôi". Nhà Lê Thiết Cương gần như vẫn nguyên vẹn từ nhiều năm. Thật ngạc nhiên, vẫn có những bậc lan can được làm bằng tre nứa. Những món đồ trong nhà cũng hầu như là hàng thủ công.

Tất nhiên, chúng đều được chọn kỹ và rất đẹp. Anh thích những món ăn dân dã, ở nhà, và đặc biệt dễ ăn. Anh có thể ngồi vài ngày trong phòng để làm tỉ mẩn những món đồ hay chọn những bức ảnh cũ trong kho tư liệu bề bộn mà không cần bước chân ra khỏi cửa. Chính vì thế, anh có vẻ như hài lòng với cuộc sống hiện tại, với những điều mà anh đang làm.

Lê Thiết Cương kể cho tôi nghe những câu chuyện về các thiên tài. Và họ thường gặp những bất hạnh nào đó trong đời sống. Còn với tôi, Lê Thiết Cương là một người tài năng, nhưng anh chẳng mất gì cả, con thông minh và vợ thì rất xinh.

Lê Thiết Cương nói, tôi cũng có những nỗi buồn riêng chứ. Đã mấy chục năm nay, tôi chưa bao giờ được ăn bữa cơm với cả gia đình. Trong gia đình, tôi thương mẹ nhất. Nhưng giờ mẹ tôi lại ở vào hoàn cảnh khắc nghiệt, có tiền muốn lo cho mẹ cũng không phải dễ dàng. Đó là cái mà mình hiểu rõ nhất, mình thương mẹ nhất mà cũng đành bất lực.

"Gia đình có phải là nơi quan trọng nhất đối với anh, một người được tiếng là hào hoa?". "Tôi coi gia đình như công việc mình phải làm. Mình làm cho nó tốt đi đã, thì lòng mới yên để làm những việc khác".

"Có khi nào anh thấy mình làm chưa tốt?". "Có chứ. Thế nên tôi mới bị đổ vỡ cuộc hôn nhân đầu tiên. Bạn tôi nói, tôi lấy một người bạn làm vợ. Cô ấy là người tốt, nhưng cô ấy có quá nhiều thứ giống tôi, từ sở thích đến cách sống. Làm bạn thì tuyệt, nhưng làm vợ chồng thì lại không hợp".

Xung quanh Lê Thiết Cương có rất nhiều phụ nữ đẹp. Nhưng thời gian này, anh không còn thời gian để nghĩ về họ. Tôi đồ rằng, một cô vợ trẻ, đẹp là vừa đủ với một người đàn ông ngoài bốn mươi và thành đạt.

Nhưng Lê Thiết Cương nhìn vấn đề theo hướng khác. Anh nói, anh có quá nhiều bận tâm trong công việc. Và đó mới là niềm đam mê lớn nhất của anh trong lúc này. Hơn thế, anh là người đàn ông của gia đình. Anh thích cuộc sống gia đình và không muốn vì bất cứ điều gì để đánh mất nó.

Chúng tôi ngồi uống trà trong buổi chiều muộn của tháng 4. Người nhà anh đốt bếp than và nướng chả cho bữa tối, thơm nhức mũi. Lê Thiết Cương nói, những buổi chiều như thế này anh thấy thoải mái.

Gallery 39A Lý Quốc Sư thường đóng cửa sớm. Và khi ấy, đó là căn nhà của anh, niềm vui, nỗi buồn của anh. Như truyện ngắn anh viết đã khá lâu, "Ngôi nhà trên phố cũ". Ngôi nhà ấy già hơn anh. Và lưu giữ cuộc đời anh…

Toàn Nguyễn
.
.
.