Họa sĩ Thành Chương: Xây Việt phủ không phải vì kinh tế

Thứ Tư, 09/12/2009, 16:00
Thành Chương là họa sĩ hiếm hoi của Việt Nam kiếm được tiền tỉ nhờ bán tranh và tiền ấy anh đổ cả vào xây công trình nghệ thuật sắp đặt khổng lồ mang tên Việt Phủ Thành Chương. Họa sĩ Thành Chương tâm sự, đây chính là công trình nghệ thuật khiến anh lao tâm khổ tứ nhất, tốn nhiều tiền của nhất, thời gian thực hiện lâu nhất.

Sau gần 10 năm tồn tại, danh tiếng của Việt Phủ Thành Chương mới đây lại hâm nóng dư luận khi được mệnh danh là một trong những điểm đến ấn tượng của tour du lịch văn hóa mới của thủ đô, là công trình đầu tiên của một cá nhân hưởng ứng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phóng viên Chuyên đề VNCA đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Thành Chương.

-Thưa họa sĩ Thành Chương, từ khi nào anh có ý định biến Việt Phủ Thành Chương thành một điểm đến văn hóa nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội?

- Tôi  mê đồ cổ và sưu tầm đồ cổ từ lúc còn là một cậu học trò, còn xây dựng Việt Phủ thì bắt đầu từ năm 2001. Khi đó tôi muốn biến mảnh đất đồi trọc hoang vu ấy thành một thế giới riêng theo cách của tôi. Nó là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Trước mắt, đó là tác phẩm độc đáo hưởng ứng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Về lâu dài, đây sẽ là một khu bảo tồn, tôn vinh và phát triển văn hóa Việt. Có lẽ cũng không có thời điểm nào thích hợp hơn lúc này để công bố sự hưởng ứng tâm huyết của mình.

Hoạ sĩ Thành Chương

- Thành Chương đã làm được một việc kỳ diệu là biến cả một vùng đồi sỏi đá thành một nơi đầy ắp sức sống văn hóa Việt. Động lực nào đã khiến anh đủ sức mạnh và niềm tin tạo dựng nên cơ ngơi ấy?

- Đó chỉ có thể là tình yêu sâu nặng với văn hóa Việt. Như chị biết đấy, tôi sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Cha tôi, nhà văn Kim Lân là nhà văn của làng và quê tôi cũng là "cái rốn" của văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Tôi đã được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường thấm đẫm nét văn hóa làng quê. Từ thích thú, đến say mê, tình yêu ấy theo năm tháng cứ lớn dần lên trong tôi. Suốt nửa thế kỷ sưu tầm, nhặt nhạnh, gom góp các hiện vật liên quan đến văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông, tôi mơ ước kết quả lưu giữ ấy đến một ngày sẽ hiện thực hóa thành Việt Phủ Thành Chương như bây giờ. Vạn sự khởi đầu nan, khi mới bắt đầu, hàng ngàn khó khăn đổ lên đầu. Nhưng tình yêu và khát vọng còn mạnh hơn những khó khăn đó.

- Sinh thời, cha anh - nhà văn Kim Lân nói gì về việc anh dựng Phủ? Anh còn nhớ ông cụ cảm nhận thế nào khi lên thăm Việt Phủ lần đầu tiên?

- Cũng giống nhiều người lúc bấy giờ, ông cụ phản đối việc xây dựng của tôi. Cụ khó chịu và rất khổ tâm. Thậm chí cụ còn nói rằng cụ cảm thấy xấu hổ về việc tôi làm. Cụ cho rằng tôi "hoắng", "hợm"... nên  quyết không đến xem. Nguyên văn câu ông cụ thường nói khi có người hỏi đến việc xây Phủ là: "Ôi giời, cái thằng con tôi có tí tiền lại giở thối ra, xây cung vua mới chả phủ chúa...". Nhưng rồi cụ cũng hiểu đúng việc tôi làm. Người làm thay đổi cách nhìn ấy của cụ chính là nhà văn Hữu Ước. Có lần anh ấy đến thăm và có hỏi về việc xây Phủ của tôi thì ông cụ thở than và tỏ ra buồn rầu lắm. Anh Ước liền hỏi: "Thế cụ đã lên đấy chưa? Cụ phải lên tận nơi mà xem, chứ đừng nghe người ta nói bậy. Ông con của cụ đang làm một việc rất có ý nghĩa cho hôm nay và mai sau...". Tôi còn nhớ lần đầu tiên lên Phủ, cụ đã xúc động thực sự. Chính cha tôi đã sửa "Phủ Thành Chương" thành "Biệt Phủ" và cuối cùng là "Việt Phủ Thành Chương", bởi cụ thấy đây thực sự là nơi bảo tồn, tôn vinh và phát triển những giá trị văn hóa thuần Việt.

- Nghe nói, vì việc xây dựng Việt Phủ mà anh lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Hiện nay anh đã trả nợ xong chưa?

- Đầu tư cho một công trình lớn thì đi vay là chuyện quá bình thường. Công trình càng lớn càng phải vay lớn mới thực hiện được. Mà vay ai thì cũng phải trả chứ. Không làm gì thì chẳng phải vay mượn gì.

Gia đình họa sĩ Thành Chương

- Anh có bao giờ tính được là đã đổ bao nhiêu tiền của vào việc xây Việt Phủ?

- Không tính được, và khi tôi đã coi đó là tâm huyết của đời mình thì cũng không tính toán. Khi tôi làm bao nhiêu người đã can ngăn nhưng tôi vẫn cứ làm. Nếu cứ nghe người nọ người kia và tính toán so đo thì sẽ không bao giờ làm được gì cả.

- Nhưng với việc hòa nhập với 50 đầu tour du lịch của thành phố và giá vé lên tới 100 ngàn đồng, việc thu hồi vốn đầu tư của anh với Việt Phủ gần như đang nằm trong tầm tay đấy chứ, thưa anh?

- Như tôi nói ngay từ đầu, việc xây Việt Phủ của tôi không phải vì kinh tế. Nếu vì mục đích lợi nhuận, với số tiền đã bỏ ra tôi đi làm cái khác nhàn hơn, mà nhanh giàu hơn nhiều. Và nếu cũng vì lợi nhuận thì Việt Phủ sẽ chỉ bán vé vào cửa với giá hai mươi, ba mươi ngàn. Một ngày sẽ có hàng ngàn khách tham quan. Lúc đó nó xuống cấp, nó nhếch nhác, có lẽ chị sẽ lại phỏng vấn tôi về việc vì sao tôi lại để xảy ra tình trạng đó.

Ai đã lên Việt Phủ của tôi, thì sẽ đều thấy rằng, nếu có thu phí ở đây thì cũng chỉ là để duy trì, bảo dưỡng, chăm chút cho nó tốt hơn mà thôi. Còn việc thu hồi vốn thì không biết đến bao giờ. Việc hòa nhập cũng vẫn chỉ là một sự chia sẻ có mức độ thôi.

- Nếu lượng khách thăm quan quá đông sẽ dẫn tới việc công trình nghệ thuật  bị xuống cấp. Anh tính sao về việc này?

+ Đây là vấn đề tôi quan tâm, bởi lẽ đã có trù liệu số khách thăm quan có thể rất đông. Nhưng tôi cho rằng, khi chúng tôi quyết định mức giá vào cửa khá cao: 70-100 ngàn đồng/vé đã là một bước để hạn chế bớt số lượng khách đến. Chúng tôi  xác định chỉ đón tiếp một số lượng nhất định để duy trì một không gian như nó vốn có. Giám đốc điều hành là Ngô Hương - vợ tôi sẽ thực hiện tốt điều đó. Có lẽ cô ấy sinh ra là để  làm việc này.

Một góc Việt phủ Thành Chương

- Thưa họa sĩ Thành Chương, nghe nói trước đây đã từng có người nước ngoài muốn mua lại Việt Phủ của anh. Giờ đây, Việt Phủ bắt đầu đến hồi phát đạt, nếu có người hỏi mua với giá cao liệu anh có bán?

- Người ta hay nghĩ, đã là tâm huyết cả đời thì ai lại đem bán. Nhưng tại sao không? Nếu họ có tiềm lực phát triển nó tốt hơn tôi. Nếu ai trả được giá của tôi, tôi sẽ bán Việt Phủ. Và tôi sẵn sàng bắt tay làm lại từ đầu một công trình nghệ thuật khác, mà lần này chắc chắn sẽ làm tốt hơn.

- Ở tuổi này, bắt đầu lại từ đầu một việc gì đó, anh không thấy ngại sao? Anh nói như vậy là có tự tin quá không đấy?

+ Tôi không ngại cái gì. Tôi sẵn sàng đến một nơi hoang vu, không một cành cây ngọn cỏ để bắt đầu làm một công trình mới. Cũng có nhiều người bảo tôi, tuổi này rồi về nhà mà nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng tôi là mẫu người ưa hoạt động nên ngồi yên là thấy khó chịu lắm. Từ nhỏ, mọi việc tôi làm thường đã gấp nhiều lần người khác. Bây giờ cũng vẫn thế. Vả lại, giờ đã khác ngày xưa nhiều. Có những việc xưa phải làm mười năm, giờ có khi chỉ cần một năm thôi. Vì thế, có điều kiện tôi sẽ làm tốt hơn, nhanh hơn chứ sao. Chỉ sợ không có tiền thôi.

- Năm 2009 này  hình như là một năm "đại lợi" với anh?

- Năm nay với tôi là một năm mang đầy dấu ấn của Việt Phủ sau một chặng đường gần 10 năm. Việc hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và năm Du lịch Quốc gia 2010 của Việt Phủ với góc độ là một công trình văn hóa đã nhận được sự ủng hộ của thành phố là một sự kiện rất vui mừng. Không chỉ với riêng tôi, với Việt Phủ, mà chính là tín hiệu tốt cho những người làm văn hóa nghệ thuật. Có lẽ đã đến lúc, văn hóa được quan tâm một cách đúng đắn hơn mà Việt Phủ là một minh chứng tiêu biểu của lời nói đi đôi với việc làm.

- Tôi rất thích bài viết "Người đàn bà cuối cùng của Thành Chương" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều - một người bạn thân thiết của gia đình anh. Cái tên bài viết chắc hẳn gửi gắm nhiều thông điệp...

+ Vợ chồng là do duyên số, băn khoăn nhiều mà làm gì.

- Là "họa sĩ tiền tỉ" nhờ bán tranh, nhiều người ngạc nhiên khi biết anh vẫn chăm chỉ làm việc tại một tờ báo có mức thu nhập khá... hẻo?

+ Cũng có người  thấy lạ và thắc mắc lắm. Còn tôi nghĩ đơn giản thôi. Đã đi làm ở cơ quan nhà nước, là cán bộ thì mình cứ làm việc cơ quan phân công thôi. Tôi cũng chả quan tâm đến lương bổng cao thấp, khiến nhiều người cảnh giác tự hỏi: "Tay này chắc phải có... âm mưu gì?" (Cười)

- Xin cảm ơn hoạ sĩ Thành Chương

Việt Hà - Văn nghệ Công an số 117
.
.
.