Họa sĩ Đặng Ái Việt: Dặm dài "họa” nét thời gian trên gương mặt mẹ

Thứ Năm, 03/02/2011, 15:37
Ngày 23 Tết, khi nhà nhà đã đoàn tụ chuẩn bị tiễn ông Công ông Táo về trời, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt mới lại rong ruổi cùng chiếc Chaly nhỏ bé về lại TP HCM. Chuẩn bị đón Tết nhưng bà bảo rằng mình về vì nhà nào cũng lo Tết, không ai người ta cho vẽ chứ thời gian với bà bây giờ đáng qúy như vàng. Mỗi ngày qua đi bà lại lo. Các mẹ anh hùng trên cả nước còn nhiều, mẹ nào cũng cao tuổi cả rồi, không biết mẹ còn đợi được bà không trong khi đề án lại có nguy cơ không hoàn thành theo thời gian dự kiến và tài chính thì ngày càng cạn hơn...

Nặng lòng đất Mũi Cà Mau

Thực ra, đây đã là đợt "thực địa" thứ hai của nữ họa sĩ họ Đặng. Bà bảo rằng việc đi về các tỉnh miền Tây đợt này là có tính toán rất kỹ lưỡng. Xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, qua Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và dừng chân ở Cà Mau cho đến mùa gió chướng. Tất nhiên, kèm theo đó là những chuỗi ngày đi và vẽ không ngừng nghỉ. Khác một điều là, nếu ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, một người một xe có khi hoang mang lạc giữa những cánh đồng mênh mông, không thấy bóng người để hỏi thăm đường thì nơi đây lại lênh đênh trên chiếc vỏ lãi, gần cả nửa ngày len lỏi với kênh rạch chằng chịt mới đến được đúng địa chỉ cần tìm.

Đổi lại, cuốn nhật ký bằng chữ và bằng… tranh cũng theo đó cứ dày thêm theo từng ngày, còn những câu chuyện dọc đường thì gần như liên lu bất tận. Cận ngày về lại thành phố, bà hồ hởi thông báo, rời đất mũi Cà Mau đúng sát thời cao điểm của mùa gió chướng. Chỉ còn một tỉnh nữa cần hoàn thành trước khi về ăn Tết, ấy là Kiên Giang. Nhưng, có một điều, bà không ngờ trong chuyến đi lần này, ấy là ở nơi tận cùng của Tổ quốc như Cà Mau lại có nhiều bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến thế. Xưa nay, bà cứ ngỡ rằng chỉ những vùng đất như Quảng Trị, Bến Tre mới nhiều anh hùng...

Riêng tại Cà Mau, nếu không tính các "ông" anh hùng, danh sách Mẹ Việt Nam Anh hùng đã lên đến 54 người. Vui nhất là dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, trong số 10 anh hùng vinh dự về Thủ đô dự lễ thì có đến 7 người là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngày về Cà Mau gặp các mẹ, mấy "mẹ con" cứ râm ran mãi về chuyến đi. Tự hào, xúc động lắm. Có mẹ, cả cuộc đời chưa đi đâu xa khỏi tỉnh nhà, đến tuổi gần đất xa trời mới một lần chạm đất Thủ đô. Nhưng chuyện gần, chuyện xa rồi cũng không thể không quay về lại chuyện đời mẹ, chuyện quê thưở trước. Chuyện nào cũng khiến lòng bà trĩu nặng.

Ngày ghé gia đình mẹ Phan Thị Cúc ở thị trấn Đầm Dơi, Cà Mau, nhìn người mẹ lụm cụm vẫn mòn mỏi mong cô con gái đã hy sinh gần nửa thế kỷ trước được "khai tử" đàng hoàng, bà xót xa mà lực bất tòng tâm. Mẹ Cúc có đến 4 người con hy sinh nhưng mới chỉ làm thủ tục được cho 3 người. Cô con gái Trương Thị Hồng Tươi hi sinh từ năm 1968 nhưng vì được tổ chức cài cắm, hoạt động bí mật trong lòng địch, hoạt động đơn tuyến mà người phụ trách trực tiếp cô cũng đã hy sinh, không còn ai để xác nhận giúp mẹ nên thủ tục cũng bỏ lửng.

Nhưng khiến nữ họa sĩ buồn thương nhiều hơn là mẹ Châu Thị Thơi ở ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân. Ngày 19/11, mẹ còn khỏe mạnh ngồi làm mẫu cho bà vẽ, chuyện trò vui vẻ, xem tranh xong còn buông lời khen. Vậy mà, chỉ 4 ngày sau, khi Ái Việt qua huyện Trần Văn Thời vẽ mẹ anh hùng khác đã nghe tin mẹ Thơi mất. Đau lòng nhưng không thể quay trở lại bởi hành trình đã định và thời gian với các mẹ cũng như với nữ họa sĩ đều đang rất quý lúc này.

Tre già măng mọc

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ rằng càng đi, càng gặp, càng vẽ nhiều càng thấy phụ nữ Việt Nam mình anh hùng, đôn hậu mà kiên gan, bền chí quá mà hình như chưa từng được số phận ưu ái. Nhiều người đến nay trơ trọi một mình vì chồng con đều đã hy sinh. Có người có đến 4, 5 người con hy sinh. Có mẹ chỉ sinh nở duy nhất một lần nhưng người con cũng đã hiến dâng thân mình cho Tổ quốc. Mới đây, khi kiểm tra lại cuốn sổ nhật ký ghi chép, bà giật mình nhận thấy số Mẹ Việt Nam Anh hùng nguyên là cán bộ, chiến sĩ Công an hoặc có chồng, con, cháu đã, đang công tác trong ngành này khá nhiều.

Vững bước cùng "Hành trình nét thời gian"

Ghi nhận công trình mỹ thuật độc đáo của nữ họa sĩ, trước đó, ngày 18/12/2010, tại TP.HCM, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã chính thức xác lập Đặng Ái Việt là nữ họa sĩ vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất. Thế nhưng, chia sẻ về suốt cuộc hành trình chắc chắn không ít khó khăn để có được kết quả như ngày hôm nay, trong khá nhiều lần tiếp xúc với nữ họa sĩ, chưa bao giờ chúng tôi lại thấy nụ cười không tươi nở trên môi bà. Nữ họa sĩ bảo rằng, khó khăn thì công việc nào cũng có nhưng xét cho cùng bà đang được nhiều hơn mất, thậm chí là "được" rất nhiều.

Đầu tiên phải kể đến tâm nguyện của bà khi bắt tay thực hiện dự án này. Bà luôn tâm niệm, phải được làm điều gì đó cho các mẹ, cho quê hương, đất nước, cho những người đồng chí, đồng đội của mình đã không may mắn được hưởng cuộc sống thanh bình hôm nay. Rất may, điều đó lại nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của nhiều cấp lãnh đạo, các phương tiện truyền thông và cả các địa phương bà đặt chân đến. So với ngày mới bắt đầu hành trình, Ái Việt đang gặp rất nhiều thuận lợi. Chắc chắn, Ái Việt sẽ không dừng lại. Bà sẽ hoàn thành công trình này, dù rằng thời gian có muộn hơn, kinh phí có "thâm hụt" hơn so với kế hoạch dự kiến.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh Toà án Tối cao ghi lại cảm xúc sau khi xem triển lãm chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng tại TP Hồ Chí Minh.

Về gia đình riêng, Ái Việt hoàn toàn yên tâm vì con cháu đều đã trưởng thành nên có thể toàn tâm toàn ý cho dự án của mình. Tuy nhiên, đã là con người thì không thể thoát khỏi những cảm xúc ái, ố, hỉ, nộ thường nhật. Đi xa nhà biền biệt hàng tháng ròng, cơm đường cháo chợ, gặp đâu ngủ trọ đấy, không khỏi có lúc bà chạnh lòng nhớ nhà, nhớ phố. Đặc biệt vào nhiều buổi chiều tà, thi thoảng bà lại giật mình thảng thốt thấy mình đơn độc trên những nẻo đường vắng và nhận ra rằng, đã lâu rồi người nghệ sĩ hay quên giờ giấc là bà đã không còn nhận được lời nhắc nhở trở về dùng cơm tối đầy trìu mến yêu thương của người chồng bà hết mực yêu thương - cố Anh hùng Lao động Phạm Khắc. Ông đã về cõi vĩnh hằng, nhưng bà tin, ông sẽ vẫn song hành và ủng hộ bà trong suốt những chặng đường phía trước.

"Hành trình nét thời gian" là công trình mỹ thuật do nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, vợ cố Anh hùng Lao động Phạm Khắc thực hiện. Bắt đầu từ ngày 19/2/2010, với chiếc xe Chaly nhỏ bé, nữ họa sĩ đi xuyên Việt vẽ ký họa chân dung tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên cả nước. Sau hơn 11 tháng, đến nay, nữ họa sĩ đã vượt qua trên 9.000km, ký họa thành công gần 400 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. 101 ký họa đầu tiên đã được Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Hội Phụ nữ Việt Nam, Nhà bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm phục vụ công chúng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Triển lãm đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự, cắt băng khai mạc và được đông đảo người dân Thủ đô cũng như khách quốc tế đến thưởng lãm.

Ngày 18/10, triển lãm thứ hai do Báo Công an nhân dân và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam. Tiếp tục giới thiệu thêm 288 ký họa chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng do nữ họa sĩ thực hiện, triển lãm cũng đã nhận được sự quan tâm chú ý của rất nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, lãnh đạo thành phố và khách tham quan bảo tàng trong nước, nước ngoài.

Dự kiến, sau khi kết thúc giai đoạn 3, một triển lãm chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng nguyên là cán bộ trong ngành Công an, hoặc có con, cháu đang là Công an sẽ được tổ chức vào thàng 8/2011 nhân dịp kỷ niệm 66 năm thành lập ngành Công an nhân dân. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã tiến hành lập hồ sơ, xem xét để xác lập kỷ lục người vẽ ký họa chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất

Ngọc Nguyễn (Báo CAND Tết 2010)
.
.
.