Họa sĩ Bùi Xuân Phái: Một người con ưu tú của Hà Nội

Thứ Năm, 02/09/2010, 12:50
Trong hơn 40 năm làm nghệ thuật, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã gắn bó với Thủ đô, những phố cổ Hà Nội với tình cảm thiết tha, sâu đậm. Những tranh của ông sáng tác về phổ cổ Hà Nội là những tác phẩm mang đậm nét Hà Nội cổ xưa, có giá trị nghệ thuật cao, có nhiều sáng tạo mới và có phong cách độc đáo của tác phẩm.

Năm nay, Hà Nội bước vào 1.000 năm tuổi, cũng là khi danh họa Bùi Xuân Phái tròn tuổi 90 (1/9/1920 – 1/9/2010), vào đúng dịp mùa thu đang ùa về trên những chùm hoa sữa, trên từng vòm sấu còn ấm tiếng ve kêu mùa hè. Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh danh họa Bùi Xuân Phái do Hội Mỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp Hội VHNT Hà Nội, Hội Mỹ thuật Hà Nội và gia đình long trọng tổ chức, như một nén tâm nhang kính cẩn dành cho ông, cũng là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp về người con ưu tú của Hà Nội, tôn vinh một trí thức lớn của Hà Nội, mà những tác phẩm đã được coi là một biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh ra ở làng tranh dân gian Kim Hoàng nổi tiếng thuộc Vân Canh, Hà Đông, Hà Nội, một dòng tranh chỉ đứng sau Đông Hồ và Hàng Trống. Nhưng cả cuộc đời ông gắn bó với phố cổ Hà Nội, nên từng ngõ ngách, từng lòng đường của 36 phố phường Hà Nội đã nằm lòng trong ông, bằng cả tình yêu lớn ông dành cho Hà Nội.

Năm 1941, ông học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng khóa Nguyễn Tư Nghiêm, Tạ Thúc Bình, Huỳnh Văn Gấm v.v… và là học trò của Giáo sư Iguimberty, họa sĩ Nam Sơn và Tô Ngọc Vân… Ông bắt đầu vẽ phố và tham dự triển lãm Tokyo khi còn là học sinh Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Sau Cách mạng Tháng Tám, họa sĩ Bùi Xuân Phái tham gia các hoạt động mỹ thuật phục vụ cách mạng và năm 1946, tại Triển lãm Mỹ thuật tháng Tám, với màu sắc lạ, hòa hợp chất liệu sơn dầu quánh bện lên vải trong những bức tranh của ông, Bùi Xuân Phái đã được trao giải thưởng Văn hóa cứu quốc. Trong một lần may mắn được gặp Bác Hồ, ông đã vẽ chân dung vị Chủ tịch nước và được Người tặng chữ ký.

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng hoa bà quả phụ danh họa Bùi Xuân Phái.

Kháng chiến bùng nổ, họa sĩ Bùi Xuân Phái lên chiến khu, làm họa sĩ cho Báo Sống vui và nhà Thông tin, do nhà thơ Nông Quốc Chấn phụ trách. Ông còn tham gia dạy vẽ ở Hà Nam, giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Việt Nam và tiếp tục có tranh trong các triển lãm. Năm 1957, khi thôi dạy ở Trường Mỹ thuật, ông bắt đầu vẽ về phố cổ Hà Nội và vẽ tranh Hà Nội chiến đấu.

Giai đoạn này cũng làm nên một dấu ấn trong sự nghiệp hội họa của Bùi Xuân Phái: khi ông nhận làm họa sĩ cho Đoàn Chèo Hà Nội, đề tài sân khấu chèo đã được ông nghiền ngẫm, sáng tạo và trở thành một dòng tranh đặc sắc của ông với hàng loạt ký họa về hoạt động của các diễn viên chèo sau cánh gà. Khi con trai cả Bùi Kỳ Anh nhập ngũ, nỗi nhớ và tình yêu thương con cộng dồn, để ông vẽ nhiều về đề tài người chiến sĩ trẻ.

Sau cái chết của Bùi Kỳ Anh, tâm trạng của họa sĩ Bùi Xuân Phái được thể hiện rõ trên hàng loạt bức tranh tĩnh vật, trong đó có những tác phẩm vẽ về bàn thờ cậu con trai. Năm 1984, ông được bầu vào BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông mới có triển lãm cá nhân đầu tiên và cũng là duy nhất tại Hà Nội, với 108 tác phẩm sơn dầu, bột màu, khắc gỗ.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ nhiều thể loại, nhiều chân dung, phong cảnh, sinh hoạt khác nhau, phản ánh khá sinh động và chân thật từng giai đoạn của dân tộc. Nhưng đề tài phố cổ Hà Nội là đề tài ông đã gắn bó hơn 40 năm, bởi đó là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm vui buồn, thăng trầm cuộc đời ông. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Trong tranh của Bùi Xuân Phái, phố phường Hà Nội không đơn điệu, mà đa dạng về hình sắc, thay đổi, khác lạ theo thời gian và tâm tình người sáng tác.

Mỗi bức tranh của ông không phải là tài liệu ghi chép, nghiên cứu, phong tục, kiến trúc, mà như những bài thơ tràn đầy cảm xúc và tâm trạng. Đó là 36 phố phường với những mái ngói xô nghiêng, tường mốc rêu phong, cổ kính, êm đềm, đủ làm quặn lên nỗi nhớ về Hà Nội của mỗi người đã xem tranh ông. Đó cũng là cách "bảo tồn" phố cổ Hà Nội theo cách của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Những bức tranh của ông không có thời gian, không có mùa, nhưng vẫn ngồn ngộn những hình tượng để ta thêm yêu Hà Nội hơn. Họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT gọi ông là "Người họa sĩ tài năng của thế kỷ XX" và những bức tranh của ông đều mang phong cách riêng và để lại những dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Những đóng góp của họa sĩ Bùi Xuân Phái thật lớn lao. Các tác phẩm của ông không chỉ mang lại cho cá nhân ông nhiều giải thưởng từ các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, giải thưởng đồ họa Lepzich và triển lãm mỹ thuật Thủ đô v.v..., mà còn đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà những thành tựu vô giá khi ông là một trong những người khai sáng cho mỹ thuật Thủ đô.

Tài năng, nhân cách lớn của Bùi Xuân Phái còn góp phần đào tạo nhiều danh họa cho Việt Nam. Ghi nhận công lao của ông, năm 1996, Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 cho danh họa Bùi Xuân Phái. TP Hà Nội cũng đã quyết định đặt tên ông cho một đường phố Thủ đô ngay trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Xin được kết lại bằng đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh với Bùi Xuân Phái: "Trong hơn 40 năm làm nghệ thuật, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã gắn bó với Thủ đô, những phố cổ Hà Nội với tình cảm thiết tha, sâu đậm. Ông yêu nghệ thuật truyền thống sân khấu chèo và đã có những tác phẩm đẹp về sân khấu chèo. Những tranh của ông sáng tác về phổ cổ Hà Nội là những tác phẩm mang đậm nét Hà Nội cổ xưa, có giá trị nghệ thuật cao, có nhiều sáng tạo mới và có phong cách độc đáo của tác phẩm. Cho đến nay, công chúng yêu tranh nói đến phố cổ còn gọi là phố Phái, xứng với tài năng và lao động nghệ thuật của họa sĩ"

Thanh Hằng
.
.
.