Hình tượng người chiến sĩ Công an có sức sống mãnh liệt trong âm nhạc
Phóng viên: Thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, bài hát “Bài ca người chiến sĩ Công an” của ông được chọn là một trong 10 bài hát truyền thống của ngành Công an. Vậy ông sáng tác bài hát này trong hoàn cảnh nào?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Thật ra bài hát này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1998 trong một bộ phim tài liệu về lực lượng Cảnh sát cơ động. Trước đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có đặt tôi viết nhạc cho bộ phim tài liệu của họ. Thời gian đó hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát cơ động rất mới mẻ với người dân, đó là hình ảnh hiên ngang, mang lại rất nhiều cảm xúc cho người sáng tác. Sau này, tôi đã chỉnh sửa nhiều lần và “Bài ca người chiến sĩ Công an” đã ra đời, so với nhạc phim thì khác nhiều.
PV: Được biết, ngoài “Bài ca người chiến sĩ Công an”, nhạc sĩ còn sáng tác nhiều bài hát, viết nhạc về đề tài CAND, nhạc sĩ có đánh giá gì về hình tượng người chiến sỹ Công an trong âm nhạc?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi rất vui vì bài hát của mình được Bộ Công an chọn là một trong 10 ca khúc truyền thống của ngành. “Bài ca người chiến sỹ Công an” không phải là sáng tác đầu tiên của tôi với lực lượng Công an mà năm 1996 tình cờ trong một lần được Ban tổ chức mời làm Ban giám khảo cuộc thi hội diễn văn nghệ ở Trại giam Phú Sơn, chứng kiến công việc của những người quản giáo, tôi đã viết ca khúc “Tiếng hát tình đời”. Bài hát này rất hay và có ý nghĩa, khơi gợi tình người của những phạm nhân một thời lầm lỗi để đưa họ trở về cuộc sống lương thiện. Tôi không ngờ bài hát lại có sức sống lâu bền đến thế, nó trở thành bài “Trại ca” được phát vào mỗi sáng ở Trại giam Phú Sơn. Sau này khi thành lập lực lượng Cảnh sát 113 tôi lại viết “Hành khúc 113” và còn viết bài cho Đội giàn nhạc của ngành Công an đi dự Festival Cảnh sát quốc tế.
Các ca khúc viết về ngành Công an đều đã truyền tải được cảm xúc âm nhạc, hơi thở, cuộc chiến đấu của người chiến sĩ Công an tới công chúng. Ở mỗi ca khúc, hình tượng người chiến sĩ Công an được xây dựng rất riêng, nhưng đều thật hiên ngang, kiên trung, dũng cảm. Tuy công việc có gian khó, gập ghềnh, nguy nan nhưng họ đều vượt qua để làm thật tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ bình yên cho nhân dân.
Tôi có thiện cảm rất đặc biệt với ngành Công an, thường xuyên được tiếp xúc với các văn nghệ sĩ trong ngành, tiếp xúc với các cán bộ Công an sáng tác ca khúc về đề tài An ninh. Trong ngành Công an có 16 thành viên là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có Chi hội Nhạc sĩ Công an trải dài từ Hà Nội vào tới Kiên Giang, có đoàn ca nhạc và đoàn nghi lễ Công an. Phong trào văn hóa văn nghệ Công an phát triển mạnh, được lưu diễn thường xuyên, đi theo con đường chuyên nghiệp, họ chính là nơi nuôi dưỡng, phát triển và làm cất cánh những tác phẩm âm nhạc mới về lực lượng CAND.
Phóng viên: Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Ngày 5/11/2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 6389/QĐ-BCA về việc chọn 10 ca khúc truyền thống, tiêu biểu về đề tài CAND để phục vụ các hoạt động sinh hoạt tập thể, sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đó là: 1. Chúng ta là chiến sĩ Công an (Nhạc và lời: Trọng Bằng) 2. Chúng tôi là người chiến sỹ Công an Việt Nam (Nhạc và lời: Trần Gia Cường) 3. Bài ca người chiến sỹ Công an (Nhạc và lời: Đỗ Hồng Quân) 4. Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nhạc và lời: Nguyễn Đức Toàn) 5. Từ một ngã tư đường phố (Nhạc và lời: Phạm Tuyên) 6. Thiêng liêng lời Bác (Nhạc và lời: Hồng Thu) 7. Giữ cho cuộc sống bình yên (Nhạc và lời: Mai Công Thắng) 8. Hành khúc chiến sỹ An ninh (Nhạc: Kar Lam, lời: phổ thơ Bác Hồ dạy) 9. Giữ trọn lời thề (Nhạc: Trương Hùng, thơ Gia Liên) 10. Người Công an thân yêu (Nhạc và lời: Văn Cao). |