Hình họa Khuê Văn Các chưa chính xác

Chủ Nhật, 18/11/2012, 11:15
"Khi xây dựng Khuê Văn Các, người xưa đã dụng công làm điểm nhấn bằng hình tượng bốn mặt vách của lầu trung tâm đều là 1 hình tròn có những tia sáng tỏa ra xung quanh. Đấy chính là hình ảnh tượng trưng của ngôi sao Khuê. Còn cái logo chúng ta đang sử dụng chỉ là 1 đường tròn vòng quanh bên ngoài, giữa là 1 hình vuông và xung quanh là mấy đường dọc ngang dọc chéo. Tất cả các đường nét đó không hề có bất cứ biểu đạt nào của sao Khuê", GS Lê Văn Lan lý giải.

Dự luật Thủ đô được đưa ra bàn soạn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, đã gây sự chú ý của dư luận rộng rãi. Một trong những điều khoản mà dự luật hướng tới, chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng của Hà Nội cũng tạo nên nhiều tranh cãi ngay trong cử tri thành phố và cả những người yêu mến, quan tâm tới Thủ đô. Dưới góc nhìn của một nhà sử học, một người gắn bó với Hà Nội, một gương mặt văn hóa được cư dân Thủ đô quen tên biết tiếng, GS Lê Văn Lan đã có những kiến giải của riêng mình:

PV: Tại chương 1 của dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội có ghi: “Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Giáo sư hài lòng về sự lựa chọn này chứ?

GS Lê Văn Lan: Lựa chọn Khuê Văn Các dựa vào mô hình đang thấy ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là giải pháp đúng đắn, nếu không muốn nói là tối ưu. Thực ra trong 20, 30 năm qua, Hà Nội đã có nhiều cuộc bàn thảo tranh cãi tìm biểu tượng và người ta đã đưa ra một số thực thể khác để tham chiếu như: Tháp Rùa, Chùa Một Cột… Sau mấy chục năm, hầu hết ý kiến đều thống nhất, đồng thuận về Khuê Văn Các. Tôi cũng khẳng định, tôn vinh Khuê Văn Các làm biểu tượng của Hà Nội là hợp lý, xứng đáng. Tuy nhiên, vấn đề mà tôi băn khoăn, bức xúc lại nằm ở khía cạnh khác.

PV: Hài lòng với sự lựa chọn Khuê Văn Các, GS còn đau đáu thêm chuyện gì nữa?

GS Lê Văn Lan: Từ hơn 10 năm nay, chúng ta đã quen với việc dùng cái hình họa mà người ta gọi là Khuê Văn Các để in lên phong bì, vẽ lên băng - rôn, sử dụng trong các dịp lễ hội, mít tinh, thậm chí các phát thanh viên Đài Truyền hình Hà Nội cũng đọc bản tin trên phông nền có hình hiệu này. Người ta đã biến nó thành biểu trưng hay nói theo tiếng tây là logo của thành phố được mệnh danh nghìn năm văn hiến.

Tôi đã đọc dự thảo Luật Thủ đô tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nơi tôi ngồi ở Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội. Tôi cũng đã đọc ở cuộc hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức để chỉnh lý bản dự thảo trình Quốc hội khóa này. Trong các cuộc đó tôi đều nói hết quan điểm của mình. Cái logo đang dùng và chuẩn bị được luật hóa trong Luật Thủ đô không phải là Khuê Văn Các. “Nó” không thể hiện được trình độ tư duy, bề dày văn hóa của Thăng Long - Hà Nội tuổi đã vượt qua thiên niên kỷ.

PV: Tức là theo GS, biểu trưng Khuê Văn Các được chọn vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, sau một cuộc thi rầm rộ, chưa thấm nhuần đúng tinh thần của thực thể Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

GS Lê Văn Lan: Đúng vậy. Nếu đã gọi đấy là Khuê Văn Các thì trước hết phải hiểu, Khuê Văn Các là cái gác sao Khuê, một công trình kiến trúc sinh ra để mọi người đến đó mà nhận thấy và sùng bái, biểu dương ngôi sao chủ trì văn học giáo dục.

Kiến trúc Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Khi xây dựng Khuê Văn Các, người xưa đã dụng công làm điểm nhấn bằng hình tượng bốn mặt vách của lầu trung tâm đều là 1 hình tròn có những tia sáng tỏa ra xung quanh. Đấy chính là hình ảnh tượng trưng của ngôi sao Khuê. Còn cái logo chúng ta đang sử dụng chỉ là 1 đường tròn vòng quanh bên ngoài, giữa là 1 hình vuông và xung quanh là mấy đường dọc ngang dọc chéo. Tất cả các đường nét đó không hề có bất cứ biểu đạt nào của sao Khuê. Người ta đã không hiểu nên bỏ qua mất cái lõi cốt, hạt nhân tinh túy, huyệt điểm của hình tượng ngôi sao Khuê ở kiến trúc Khuê Văn Các.

Ngoài ra, các đường nét sổ ngang sổ chéo ấy lại ẩn chứa một trò đánh đố chữ không khoa học. Người ta giải thích, những đường nét đó biểu thị những chữ cái viết hoa, phía trên cùng là cách điệu hóa của chữ H. Ở dưới chữ H viết hoa có chữ N. H được hiểu là Hà, N là Nội. Thôi cứ đọc thể nào cũng được, nhưng rất nhiều người lại đọc được thêm một chữ nữa là chữ V gồm một nét ngang, hai nét sổ chéo ở ngay dưới cái chữ mà người ta coi là chữ H. Tóm lại, khi đã bày ra trò đánh đố chữ thì cách đọc các chữ có thể dẫn tới những ý nghĩa rất xa lạ, thậm chí nghiêm trọng, nằm ngoài chủ ý của chúng ta. Điều này thật không xứng tầm với một Hà Nội giàu truyền thống và bản sắc.

PV: Vậy tại sao Giáo sư không lên tiếng từ trước, khi logo Khuê Văn Các mới được chọn và đưa vào sử dụng rộng rãi?

GS Lê Văn Lan: Tôi đã từng phát biểu và vì thế đã nghe được những ý kiến phản hồi như: Cảm ơn, may quá nhờ ông nói ra chứ lâu nay, chúng tôi thấy cái hình quen mắt nên cứ thế dùng. Đây là dấu hiệu của nét văn hóa và lối sống rất xa lạ mà người Hà Nội đương thời đang nhiễm phải: cẩu thả, xô bồ, cứ quen mắt là được. Điều này nguy hiểm cho nếp nghĩ và tinh thần của một đô thị được tôn vinh là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Thôi thì thường ngày, người ta dùng cái logo ấy thế nào cũng xong, thậm chí người ta còn đọc ra nó là hình một ông quan đội mũ cánh chuồn, nhưng đã được luật hóa trong Luật Thủ đô, thì cần phải xem xét lại. Tôi chỉ mong các đại biểu Quốc hội hãy cẩn thận với trọng trách và nghĩa vụ của mình, để không công nhận một cái sai đã mặc nhiên tồn tại bấy lâu nay và sắp sửa được hợp thức hóa trong một bộ luật.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư Lê Văn Lan

Mi Sol (thực hiện)
.
.
.