Hiện tượng điệp viên 007 trong điện ảnh

Thứ Tư, 19/04/2006, 08:17

Không có những chiếc xe hơi tàng hình và cảnh những trạm vũ trụ nổ tung, nhưng cuốn phim “Điệp viên 007- James Bon” thứ 21 có tên “Sòng bạc Hoàng gia” vẫn vô cùng hấp dẫn với những pha nguy hiểm cùng một chàng điệp viên hào hoa, đa tình, không thích… bạo lực!

“Sòng bạc Hoàng gia” của đạo diễn lừng danh Martin Campbell do Neal Purvis và Robert Wade chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Ian Fleming và được Paul Haggis (tác giả kịch bản phim “Cô gái triệu đô” từng đoạt tới 4 giải Oscar mùa giải 2005) hoàn thiện. Phim là câu chuyện về sứ mạng đầu tiên của Bond và cuộc chiến đấu chống Le Chiffre cùng những tổ chức khủng bố.

Đây là lần thứ hai Campbell làm phim “Điệp viên 007”. Năm 1995, ông đạo diễn “Mắt vàng” với nam diễn viên gạo cội Pierce Brosnan vào vai James Bond. Lần này “Sòng bạc Hoàng gia” vẫn sẽ có đủ cảnh hành động, sự hồi hộp và hoạt động gián điệp như khán giả kỳ vọng, nhưng sẽ được dàn dựng theo một phong cách mới. Như vậy, sau 4 năm vắng bóng, “Sòng bạc Hoàng gia”, khởi quay tháng Giêng vừa qua, sẽ đưa Bond trở lại màn ảnh.

James Bond tái xuất

Một trong những khó khăn hàng đầu trong việc thực hiện “Sòng bạc Hoàng gia” là khâu chọn diễn viên, đặc biệt là diễn viên vào vai Bond. Mãi đến ngày 14/10/2005, tức là sau hai năm tìm kiếm, Hãng Metro-Goldwyn-Mayer Inc. và Sony Pictures Entertainment mới thông báo, nam diễn viên Daniel Craig chính thức vào vai siêu điệp viên James Bond. Anh là lựa chọn cuối cùng từ hơn 200 ứng viên.

Sinh năm 1968, Daniel Craig hiện là một trong những diễn viên sáng giá nhất của điện ảnh xứ sương mù và hội đủ những phẩm chất cần thiết cho việc thể hiện tính cách của James Bond. Theo Pascal, Chủ tịch Hãng Sony Pictures Entertainment, James Bond là một nhân vật độc đáo trong lịch sử điện ảnh và đã trở nên quen thuộc gần như ở bất kỳ ngõ ngách nào của thế giới, vì thế thể hiện vai diễn này quyết định đến sự thành bại của bộ phim.

Craig là diễn viên thứ 6 vào vai James Bond. Đây vừa là vinh dự vừa là một thách thức: phải làm sao cho vai diễn của anh không trùng lặp với những người trước đó đã tạo nên hình ảnh của điệp viên 007 như Sean Connery, George Lazenby, Roger Moore, Timothy Dalton và Pierce Brosnan. Ngoài ra nhiệm vụ của Craig trong tập phim này là phải thể hiện nhiều hơn khía cạnh nhân văn của điệp viên 007.

Có một thực tế là các diễn viên kỳ cựu từng vào vai James Bond đều không xuất thân từ giới thượng lưu của nước Anh. Sean Connery là người Scotland, Pierce Brosnan gốc Ireland, Timothy Dalton người xứ Wales, George Lazenby người Australia. Chỉ có Roger Moore sinh trưởng ở London nhưng trong một gia đình nghèo. Tuy nhiên, họ vẫn thể hiện tuyệt vời chất Ănglê hào hoa phong nhã mà Fleming gửi gắm vào nhân vật James Bond, đồng thời đưa vào vai diễn dấu ấn của riêng mình.

Tiếp theo là phải chọn người vào vai mỹ nhân. Sau hàng loạt lựa chọn, cuối  cùng các nhà làm phim đi đến quyết định, vai kiều nữ Vesper Lynd bên cạnh James Bond sẽ do ngôi sao điện ảnh Pháp Eva Green đảm nhiệm. Năm nay 26 tuổi, Green nổi lên ngay từ vai Isabelle trong bộ phim đầu tiên “Những người mơ mộng” (2003), tiếp đó là Sibylla trong “Vương quốc bầu trời” (2005) và được xem là một trong những nữ diễn viên gợi cảm nhất thế giới hiện nay. Cô hoàn toàn có thể đem đến cho vai diễn phức tạp này sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp bí ẩn và quyến rũ.

Việc tìm diễn viên vào các vai phụ cũng được tiến hành một cách thận trọng. Kết quả, nam diễn viên Đan Mạch Mads Mikkelsen, người đã nức tiếng với những vai diễn trong “Những tấm lòng rộng mở”, “Vua  Arthur” và “Trái táo của Adam” được chọn vào vai Le Chiffre - kẻ thù của Bond. Còn vai điệp viên CIA Felix Leiter được dành cho Jeffrey Wright, người đã thể hiện xuất sắc vai Bennett Holiday trong phim “Syriana” và Winston trong “Những cánh hoa”.

Với “Sòng bạc Hoàng gia” các nhà làm phim không sử dụng kỹ xảo hình ảnh dựng bằng máy tính. Phần mở đầu sẽ là phim đen trắng để “hâm nóng” khán giả. Phim sẽ có nhiều pha hành động, một trong số đó là cảnh đuổi bắt diễn ra ở đảo Madagascar, châu Phi, nhưng được quay tại Bahamas. Trong cảnh này Bond cố đuổi bắt tên khủng bố Mollaka (do Sebastien Foucan đóng) trên một xe ủi đất, sau đó chạy bộ qua một công trường xây dựng, nhảy từ một chiếc cần cẩu cao 43 mét sang một cần cẩu khác cao 37m. Dự kiến, phim sẽ được Hãng Columbia Pictures, một đơn vị của Sony Pictures Entertainment, phát hành vào tháng 11 tới.

Mặt trái của James Bond

Cho đến nay, sau 20 phim “Điệp viên 007”, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về loạt phim này. Tựu trung có thể nói rằng, trong mọi cuốn phim, nhân vật điệp viên 007 đều hoạt động theo một hình thức rập khuôn cứng nhắc. Mở đầu, thường là Bond đến gặp sếp của mình để nhận nhiệm vụ. Sau đó nhân vật phản diện (kẻ ác) xuất hiện và Bond có cuộc chạm trán đầu tiên. Tiếp đó mỹ nhân hiện ra lôi Bond vào một cuộc phiêu lưu vừa nguy hiểm vừa thú vị. Các cảnh đua ôtô, bắn nhau, đấu trí và đấu súng là phần không thể thiếu của phim. Thêm vào đó là những màn trình diễn kỹ thuật trinh thám và thể thao tại những danh lam thắng cảnh của thế giới. Kết thúc của phim bao giờ cũng là một cảnh yêu đương giữa Bond và mỹ nhân. Tất nhiên, khi đó kẻ ác đã bị tiêu diệt.--PageBreak--

Trong phim Bond luôn tuân thủ phép lịch sự Ănglê: không bao giờ đánh phụ nữ cho dù đó là kẻ thù nguy hiểm. Nhưng ở những phim gần đây khuôn mẫu đó không còn nữa.

Các nhà nghiên cứu “Điệp viên 007” đã ghi nhận sự thay đổi trong hình mẫu vai nữ chính trong phim. Các nàng đều phải đẹp, khỏe mạnh và đôi chút bí ẩn. Trong những phim đầu tiên, nhân vật nữ thường ít nhiều ngây thơ, ngưỡng mộ vẻ đẹp hào hoa phong nhã của Bond. Những cảnh Bond tát má, vỗ mông các nàng đã từng khiến phái đẹp nổi đóa. Trong con mắt của các nhà hoạt động nữ quyền, nhân vật James Bond tượng trưng cho một gã “Sở Khanh” chuyên xâm hại phụ nữ. Cứ mỗi phim Bond lại cặp với một người đẹp từ xứ khác. Các diễn viên thủ vai nữ không chỉ là người Anh, Mỹ mà còn có cả người Pháp, Đông Âu, Mỹ Latinh, châu Á và da đen.

Nhưng sau này, cùng với sự phát triển của phong trào nữ quyền ở phương Tây, các  mỹ nhân bên cạnh Bond không còn ngốc như trước mà đã là những nhà khoa học có học vị tiến sĩ hẳn hoi trong nhiều lĩnh vực. Nhưng dù giỏi giang đến đâu thì họ cũng phải đẹp, sexy và chịu chơi. Ursula Andress đã mở đầu cho hình ảnh này khi cùng đóng với Sean Connery trong tập phim “Tiến sĩ No”. Cảnh cô từ dưới biển bước lên với đôi gò bồng đảo lồ lộ qua lần áo ướt đã đi vào lịch sử điện ảnh và đem lại cho cô biệt danh Ursula Undress, nghĩa là Ursura “truổng cời”.

“Điệp viên 007” còn bị chỉ trích là phi đạo đức và phân biệt chủng tộc. Trong phim, Bond giết người không cần biết đúng sai, những nhân vật phản diện chính trong phim không bao giờ là người Anh mà luôn là những kẻ lệch lạc, bệnh hoạn từ xứ khác, bên cạnh đó bạo lực và sex được cổ vũ có phần thái quá. Báo L’Observatore Romano xuất bản ở Vatican cũng cho rằng các cuốn phim “Điệp viên 007” đầy tính bạo dâm và tình dục. Thậm chí Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ cũng chỉ trao giải Oscar cho phim này ở nội dung kỹ thuật âm thanh và kỹ xảo đặc biệt mà thôi. Chưa có giải thưởng lớn nào được trao cho các vai diễn hay đạo diễn phim.

Thành công về doanh thu

Tuy bị chỉ trích, “Điệp viên 007” vẫn là một sản phẩm điện ảnh hấp dẫn thuộc loại phiêu lưu, giải trí. Với tổng số tiền lời lên tới 4 tỉ đôla, trong đó chỉ riêng cuốn phim gần đây nhất - “Chết vào ngày khác” phát hành năm 2002 - đã hốt được 425 triệu đôla, không ai dám nghi ngờ thành công của nó, ít nhất cũng là trên bình diện doanh thu.

Ăn theo thành công của “Điệp viên 007” là ngành du lịch. Các phim “Điệp viên 007” đã giới thiệu với hơn 2 tỉ người xem nhiều cảnh đẹp trên thế giới, gợi trí tưởng tượng, đánh thức tính mạo hiểm, thích du ngoạn của giới trẻ và trở thành một dạng quảng cáo tuyệt hảo đối với ngành công nghiệp không khói này. Cứ nơi nào có cảnh lên phim thì nơi đó chắc chắn ăn khách. Một hòn đảo ở Thái Lan còn được đặt tên là đảo Bond để kỷ niệm cảnh làm phim.

“Điệp viên 007” còn tạo cảm hứng cho các nhà sản xuất quần áo, xe hơi và vũ khí. Trong tập “Ngón tay vàng” các nhà làm phim đã cho Bond sử dụng một chiếc Aston Martin DB5 màu bạc có những tính năng đặc biệt như gắn ống phóng hỏa tiễn và lắp những chiếc ghế khi cần có thể phóng ra ngoài như ghế của phi công lái máy bay chiến đấu. Ngày 20/1 vừa qua, tại cuộc bán đấu giá của RM Auctions, Canada, một nhà kinh doanh Thụy Sĩ đã mua chiếc xe này với giá cao ngất ngưởng 1,9 triệu đôla.

Hiện chi tiết đầy đủ về chiếc xe được Bond sử dụng trong “Sòng bạc Hoàng gia”, theo thông lệ, vẫn được giữ bí mật cho đến ngày phim được công chiếu. Đó có thể là một chiếc xe đời mới hiệu Aston Martin DBS hoặc Ford Mondeo có thiết kế đặc biệt để Bond có thể dễ dàng thực thi các sứ mệnh của mình. Dựa vào nguồn tin nội bộ, tờ Mặt trời (Anh) tiết lộ một thông tin khiến ngay cả những kẻ máu lạnh cũng phải giật mình: các nhà sản xuất đã bỏ ra gần 14 triệu bảng để đưa chiếc xe này lên màn ảnh! Cao hơn rất nhiều so với mức cátsê 2 triệu bảng mà Craig nhận được từ vai James Bond. Và khán giả sẽ lại được chứng kiến cảnh Bond dùng chiếc xe độc nhất vô nhị của mình truy đuổi kẻ thù và… đưa đón các mỹ nhân

Lương Lê Giang
.
.
.