Hiền Anh - Sao Mai đến từ góc chợ Hôm

Chủ Nhật, 15/06/2008, 15:20
Tháng 8/2007, khi những thông tin về đêm chung kết cuộc thi Sao Mai trên truyền hình Việt Nam đến trại giam số 5 (Thanh Hóa), có một người phụ nữ đã bật khóc vì xúc động. Cô con gái mà chị buộc phải xa cách hơn 10 năm giờ đã là ca sỹ. Cô đoạt giải nhì dòng thính phòng, như một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục.

Hiền Anh, bắt đầu cuộc bươn chải nơi góc chợ Hôm (Hà Nội) từ năm 11 tuổi, giờ đã có thể tự lập trong nghề ca sỹ. Đang là sinh viên năm 2 hệ đại học thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội, nhưng Hiền Anh đã kịp cho ra mắt album "Gọi anh", với phong cách opera rock, đưa một cách thể hiện mới với những bài ca cũ.

Nghề ca sỹ vốn đang được coi là nghề thời thượng của giới trẻ. Người ta đến với nghề ca sỹ như tìm đến với danh tiếng và sự giàu có. Không ít người đã coi việc đến với nghề hát như một "cú đầu tư bạc tỷ", bỏ tiền để nổi tiếng và tìm cách kiếm lợi từ danh tiếng của mình. Nhưng với Hiền Anh thì khác.

Cô đến với nghề hát như một định mệnh. Nhưng sự nghiệt ngã, những đố kỵ của nghề đã khiến cô nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Chỉ đến khi cô có được những thành công đầu tiên trong cuộc sống, cô mới nghĩ rằng mình tiếp tục đi theo niềm đam mê.

Mười tuổi, gia đình cô gặp một biến cố lớn. Cha cô là một công nhân bình thường của nhà máy xe đạp Lixeha. Còn mẹ cô, khi ấy đã vướng vào vòng lao lý bởi một chuyện không may. "Hoàn cảnh của mình éo le, em cũng không muốn kể lại làm gì, cũng không muốn đem ra như cái phao để vớt lấy sự thương hại của người khác. Nhưng em biết mẹ em chịu nhiều thua thiệt. Vướng vào vòng lao lý khi các con còn quá nhỏ, những chuyện làm ăn buôn bán trước đó của mẹ, em có biết gì đâu. Chỉ biết rằng, khi mẹ bị bắt giam, bố thì bệnh tật nên buộc phải nghỉ hưu non, mẹ không để lại được đồng nào cho em cả. Và em buộc phải bươn chải, để nuôi đứa em nhỏ. Khi ấy nó còn chưa cai sữa mẹ" -Hiền Anh kể.

Bắt đầu tự lập. Nước mắt trong những đêm đầu tiên xa mẹ buộc phải ngừng chảy thật nhanh. Vì không còn cách nào khác. Thay vào đó là những buổi thức khuya dậy sớm, đi chợ lấy hàng và tìm cách sống qua ngày.

Hiền Anh thuê một góc nhỏ xíu ở chợ Hôm để bán hàng nước. Những ly cà phê, nước trà đá, những viên kẹo nhỏ, cả những điếu thuốc lá… gom nhặt từng đồng một, cốt sao có đủ tiền mua gạo và mớ rau muống cho cả ngày khốn khó.

"Lắm hôm em đi học buổi chiều, về đến nơi thì các sạp hàng đã đóng cửa. Tiền cà phê, cả những ly tách mình bưng đến cho người ta cũng không thu được lại. Vậy là hôm đó đói, phải đi vay tiền của người hàng xóm để lấy vốn đi chợ sáng hôm sau và cả tiền mua gạo cho cả nhà và mua sữa cho em nữa" - Hiền Anh kể, giọng trầm hẳn xuống.

Nhưng mọi chuyện không thể yên ổn, khi cô mới mở hàng, nhiều hôm cô bị những người lạ mặt đến đập phá quán, không hiểu lý do. Về sau cô mới biết, họ muốn "trả thù" vì những mối quan hệ của mẹ trước đó. Khi ấy cô uất ức mà không thể làm gì được.

Đến giờ thì cô hiểu chuyện, không giận được họ, vì thực ra trong chuyện đó cũng có một phần lỗi của mẹ mình. Cô cũng không giận mẹ, không cảm thấy xấu hổ vì mẹ. Bởi cô biết, phải ở vào từng hoàn cảnh, người ta mới hiểu được vì sao mình lại như vậy. Và cũng phải trong hoàn cảnh đó, cô mới biết mẹ cô đã chấp nhận những thua thiệt để cho những người khác được yên ổn.

Khi mẹ cô ra tòa, đã có rất nhiều lời hứa của những người đồng hội đồng thuyền. Nhưng đến hôm nay, khi cô đã là cô gái 23 tuổi, sống mạnh mẽ và quyết liệt, cô chưa nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào, kể cả những lời hỏi thăm của những người bạn làm ăn của mẹ. Đó là một nỗi buồn lớn nhưng nó cũng giúp cô sớm nhận ra được sự thật. Nó giúp cô nỗ lực hơn rất nhiều.

"Khi ấy em chỉ nghĩ, miễn sao có đủ tiền để ba bố con sống. Học được tới đâu thì học. Làm được tới đâu hay tới đó. Cứ cố hết sức thôi, chả xa xôi gì. Hồi đó em dành dụm mãi mới mua được cái máy đánh kem trứng, thế rồi nó lại bị cháy mất. Thế là phải đánh bằng tay, lắm hôm tay cứ đỏ rộp lên vì phải quay quá nhiều. Kem trứng lãi lắm. Mỗi hôm chỉ cần bán được hai cốc thôi là yên tâm có tiền chợ cho cả ngày rồi. Nói không có ai giúp sức thì không phải, mình đâu có phải thần tiên. Em cũng được rất nhiều người ở chợ thương quý. Có những người khách rất tốt. Những bạn hàng cũng giúp nhiều, những khi mình kẹt tiền vẫn vay mượn họ. Em nghèo, em vay em không ngại, em chỉ không thích đi xin người ta". - Hiền Anh nói.

Hiền Anh đi hát từ rất sớm. Cô tham gia sinh hoạt văn nghệ tại phường, tại những tụ điểm quần chúng. Rồi tự nhận chương trình, dựng cho các đoàn thể những tiết mục nho nhỏ. Rồi đi hát tại các tụ điểm, sân khấu ca nhạc, mang đàn đi diễn như một nghệ sỹ thực thụ, dù cát sê chỉ là 10 ngàn cho một lần hát.

Mỗi suất hát có thể lên tới 4 bài hoặc nhiều hơn. Cô nhớ, lần đầu tiên đi diễn show ở Hội nghệ thuật Hà Nội, cô được trả cát sê 30 ngàn đồng. Số tiền ấy khiến cô giật mình vì… nhiều quá, cô trả lại 10 ngàn, chỉ lấy 20 ngàn thôi. Và cô cứ như thế, cặm cụi đi hát, chỉ mong được hát và có tiền nuôi bố, nuôi em. Nghệ thuật bắt đầu với cô gái này là cái gì đó rất cụ thể, không phải là sự cao vời của sự cống hiến.

Rồi Hiền Anh phải mất 3 năm mới thi đậu vào trung cấp Nhạc viện Hà Nội. NSƯT Đức Long thương cô học trò nghèo đã đóng giúp học phí cho cô suốt năm học đầu tiên. Đến năm thứ hai, cô bắt đầu đi diễn đều đặn và trở thành gương mặt quen thuộc trong các tụ điểm ca nhạc của thành phố và các hội nghị.

Hiền Anh học nhạc thính phòng, chất giọng sang trọng và cô thực sự có tố chất để trở thành một nghệ sỹ opera. "Khi em năm tuổi, chú Ngọc Tân (cố nghệ sỹ Ngọc Tân - PV) nói, em phải trở thành ca sỹ vì em thuộc lời rất nhanh mà chất giọng cũng đặc biệt. Là chú ấy nói thế chứ lúc đó em chả biết đặc biệt là thế nào. Nhưng em cứ tin lời chú nói là đúng, nên đã đi theo".

Nhưng cuộc sống không đơn giản với người nghệ sỹ, dù anh có là ai và anh đến từ đâu đi nữa. Với Hiền Anh, cuộc sống luôn đặt cô bên bờ những dòng chảy, nếu cô lao xuống có thể nó sẽ nhấn chìm. Nhưng cô không thể thong dong đi dạo trên bờ và say mê trong lâu đài của nghệ thuật.

Cô phải tìm sợi dây vắt qua dòng chảy ấy, để vẫn đi được, vẫn hòa mình mà không bị nhấn chìm hay cuốn trôi. Cô vẫn đi hát, đi diễn theo show. Nhưng bù lại, cô cố gắng tiết chế mình trong những ca khúc phù hợp. "Kể cả khi ốm em vẫn đi hát, cứ cầm micro lên là em thấy mình… hết ốm. Em đã từng phải ngồi chờ dài ở sân khấu, đã phải hát lót cho các ngôi sao, hát trước khi họ đến và cả sau khi họ ra về mà sân khấu bị trống. Em không buồn vì điều ấy. Bởi khi em hát, em vẫn biết khán giả nghe mình. Dòng nhạc của em không dành cho những người thích hò hét vỗ tay. Nó dành cho những ai biết cảm nhận. Mình hát và biết có những người vẫn lắng nghe mình hát, thế là được".

Giờ thì cô đang là học trò của cô giáo Ngọc Lan, sinh viên đại học năm thứ hai. Và Hiền Anh, sau giải nhì Sao Mai 2007, đã không ngừng nỗ lực. Cô sẽ xuất hiện tại cuộc thi thính phòng toàn quốc vào cuối năm 2008. Hiền Anh cũng không thôi mơ ước được học lên thạc sỹ thanh nhạc. Điều này không dễ với cô, nhưng cô có quyền mơ ước như thế.

Không dễ dàng đến được với những thành công, Hiền Anh đã từng bị từ chối bởi một người thầy của mình. Anh đã bị tác động bởi những tin đồn, và nghĩ rằng cô phải lo miếng ăn từng ngày, chạy show có thể mất giọng bất cứ lúc nào, khi ấy anh sẽ phí công đào tạo. Nhưng cô cũng không buồn.

Cô đi thi Sao Mai với một hy vọng mong manh vào sự may mắn của số phận. Cô không tin mình sẽ đoạt giải. Ngay cả khi thi Sao Mai cái khó khăn vẫn còn tiếp tục đeo bám cô. Đêm chung kết Sao Mai 2007 khu vực phía Bắc, cô chỉ còn 5.000 đồng trong túi để mua một chai nước suối.

Đêm đó mưa rất lớn, và cô không biết mình sẽ về nhà bằng cách nào khi không có ai bên cạnh và không còn một đồng nào. Và vận may đã mỉm cười với cô một lần nữa. Cô được lọt vào danh sách những thí sinh dự chung kết tại Nha Trang, và được nhận số tiền thưởng 1 triệu đồng. Đó là số tiền cô có thể trang trải trong nhiều ngày sau đó. Và cô đã trở thành một hình ảnh "kiên cường" trong cuộc thi này.

Hiền Anh vừa ra album "Gọi anh" vào đầu tháng 6, đây là một album cho thấy có sự đầu tư về phong cách thực sự. Những bài hát quen thuộc như "Gọi anh", "Giọt sương trên mí mắt", "Miền xa thẳm", "Giấc mơ Chapi"… được hát với phong cách thính phòng.

Một cảm giác lạ lẫm ban đầu, nhưng dần đi vào sự dễ chịu và thú vị khi bắt được ý tưởng của nhạc sỹ phối khí. Phần âm nhạc đã giúp giọng hát Hiền Anh biểu cảm tốt hơn. Cô nói, thầy Trần Mạnh Hùng thực sự đã hết lòng vì học trò. Và họ đã có một sản phẩm ưng ý.

Hiền Anh không ngại nói về mẹ nhưng cũng không muốn nhắc nhiều đến bà. Bởi cô cho rằng, mẹ cô đã gặp những điều không may, và cái ký ức riêng của gia đình cô cũng không vinh quang gì. Cô chỉ muốn sống sao cho mẹ cô ở trong trại yên tâm, sớm được tự do để làm lại cuộc đời. Và mẹ cô có quyền tự hào về con gái mình.

Giờ đây, em gái của Hiền Anh đã trở thành một thiếu nữ. Cô bé ấy đã lớn lên từ những đồng tiền nhỏ mà chị gái kiếm được từ một góc chợ Hôm. Hiền Anh hôm nay đã không mang hình bóng của ngày xưa nữa. Cô đã là một ca sỹ độc lập, hết mình và sống bằng một niềm đam mê lớn.

Có thể Hiền Anh sẽ không trở thành một ngôi sao lớn như người ta vẫn hằng nghĩ. Nhưng cô là một nghệ sỹ với giọng hát đặc biệt bẩm sinh. Đó là Hiền Anh, một giọng hát lạ, một gương mặt quen mà nhiều người hằng biết…

.
.
.