Hãy hạn chế những thước phim buồn tẻ

Chủ Nhật, 24/08/2008, 09:50
Phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ, nhất là phim truyền hình dài tập càng ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm. Làm cách nào để hạn chế những thước phim buồn tẻ? Đó là nỗi băn khoăn của không ít khán giả hôm nay.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, người đầu tiên viết kịch phim truyền hình dài tập và cũng là người đầu tiên thất vọng từ chối vai trò biên kịch phim truyền hình Việt Nam.

PV: Anh có phải là khán giả thường xuyên của phim truyền hình Việt Nam không? Cảm giác của anh thế nào khi ngồi trước màn ảnh nhỏ vào giờ chiếu phim?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi là người đã tham gia viết kịch bản bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên có tên gọi "Gió qua miền tối sáng". Và tôi chính là người đã đặt tên cho bộ phim 30 tập này bằng tiếng Anh, sau đó tôi tự dịch sang tiếng Việt.

Truyện ngắn của tôi cũng được đưa lên phim truyền hình và đều được giải vàng như "Lời nguyền của dòng sông" (từ truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông"), "Tiếng gọi bên sông" (từ truyện ngắn "Tiếng gọi cuối mùa đông"), "Đứa con vùng đồi" (từ truyện ngắn "Người cha"). Các kịch bản tôi viết dựng thành phim cũng đều được giải vàng như "Huyền thoại chợ tình", hay "Người đàn bà mộng du".

Nhưng rồi, tôi quyết định không viết kịch bản phim nói chung và kịch bản phim truyền hình nói riêng đã rất lâu rồi. Tôi không có cảm xúc xem phim truyền hình nữa. Đấy chính là lý do tôi không viết kịch bản nữa. Tôi cố bớt đi việc đóng góp của mình vào sự nhạt nhẽo của phim truyền hình Việt Nam được chừng nào hay chừng đó.

PV: Có một sự thật hơi đau lòng, nhưng chúng ta không có quyền quanh co ngụy biện nữa, đó là phim truyền hình Việt Nam đang xuống cấp thấy rõ. Tôi khác anh, thỉnh thoảng tôi cũng xem với hy vọng phập phồng. Đáng tiếc, mỗi khi kết thúc một bộ phim truyền hình tôi lại có cảm giác an ủi ghê gớm…

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Thật ư? An ủi ư? Không đùa đấy chứ?

PV: Tôi cảm giác an ủi vì cứ ngỡ bản thân đã là người tẻ nhạt nhất trên trần gian, ai dè xem những vai diễn mờ nhoè, những tình tiết hời hợt trên phim truyền hình Việt Nam mới bừng ngộ thì ra vẫn còn có những nhân vật tẻ nhạt hơn cả mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Bó tay!

PV: Theo anh, phim truyền hình Việt Nam kém nhất ở khâu nào?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Thực sự tôi không biết phim truyền hình Việt Nam kém nhất ở khâu nào vì nó kém toàn diện từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên, quay phim đến lồng tiếng.

PV: Khi bị chất vấn về sự nông cạn của phim truyền hình Việt Nam, một nhà sản xuất đã có ý kiến cho rằng, sự nôm na và dông dài của phim truyền hình Việt Nam do nhắm đến đối tượng khán giả nông thôn. Anh có nghĩ, đây là một sự xúc phạm thẩm mỹ nông dân không?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Nếu có ý kiến như vậy thì đúng là sự xúc phạm. Thực tế là những người nông thôn xem phim truyền hình Việt Nam nhiều hơn người thành phố. Nhưng vì đời sống văn hóa ở nông thôn hầu như chẳng có gì cho họ lựa chọn. Nếu có phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc hay Trung Quốc thì ngay lập tức họ bỏ phim truyền hình Việt Nam ngay. Đó là một thực tế mà tôi đã theo dõi nhiều năm nay.

PV: Sau một thời gian dài làm phim về đổi mới nông thôn, truyền hình lại chuyển đề tài sang những cô gái chân dài và lấn sang làm phim hình sự nữa. Tóm lại đề tài nào cũng đã thử và chưa có đề tài nào thành công. Nếu được đặt hàng, thì anh muốn phim truyền hình Việt Nam làm về đề tài gì?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi muốn thấy một bộ phim về sự thật đời sống của trí thức Việt Nam.

PV: Sự khủng hoảng thiếu kịch bản phim truyền hình đã báo động từ lâu, và nhiều người lấy cớ là tiền nào của nấy, tiền ít thì không thể có kịch bản hay. Theo anh, kịch bản mỗi tập phim truyền hình hiện nay trả cho nhà biên kịch số tiền 6 triệu đồng, là cao hay thấp, hay vừa?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Với số tiền 6 triệu một tập thì cũng chỉ là một mức lương vừa phải ở Việt Nam. Vì mỗi tháng cũng chỉ có thể viết một tập. Nếu ai đó viết 2 hay 3 tập phim một tháng thì chúng ta cũng lại chỉ được xem những bộ phim như hiện nay.

PV: Xin cảm ơn anh. Tôi hồi hộp rằng cuộc trò chuyện hơi thẳng thắn này sẽ làm cho vài nhà làm phim truyền hình nóng mặt vì tự ái, và nếu có tự ái thật thì đó là sự tự ái lương thiện!

Lê Thiếu Nhơn (thực hiện)
.
.
.