Hãy đứng lên trong tình yêu của người hâm mộ

Thứ Sáu, 17/12/2004, 08:00

Một gia đình nghèo đã làm việc "khác thường" chiều 15/12 là cả nhà rủ nhau đi xem bóng đá. Ông bố còn mua vé mời bạn cùng đi vì ông lo đội tuyển thi đấu mà vắng khán giả. Có lẽ nhiều người cũng như ông nên sân Mỹ Đình gần kín người xem trận đấu chia tay Tiger Cup 2004 của Tuyển Việt Nam.

Không thể diễn tả được nỗi xúc động khi trận thi đấu cuối cùng của đội tuyển Việt Nam tại Tiger Cup gặp đội tuyển Lào lại đông khán giả đến xem đến thế.

Vẫn nguyên sự yêu thương khi hàng vạn người nghiêm trang hát Quốc ca trong tình yêu Tổ quốc cứ dâng lên rân rân tràn khuôn mặt. Vẫn là cờ Tổ quốc với dàn kèn trống và băng rôn đỏ ngợp SVĐ, vẫn là âm thanh của hàng vạn chiếc gậy hơi trên tay người hâm mộ va đập vào nhau ủng hộ các cầu thủ, vẫn là dòng chữ "Việt Nam tiến lên" và những tiếng hô "Việt Nam! Việt Nam!", "Lào - Việt Nam" vang lên như sấm dậy mỗi khi hai đội có những đợt xuống bóng tấn công.

Trận ra quân cuối cùng này ai cũng biết chỉ còn là chuyện thi đấu có tính chất thủ tục, ai cũng biết không còn một phép màu nhiệm "con bò chui qua lỗ kim" có thể đưa đội tuyển Việt Nam vào bán kết. Và ai cũng biết, người hâm mộ bóng đá Việt Nam buồn đến đau đớn như thế nào khi đội tuyển chúng ta thúc thủ 0-3 trước một đội ngang cơ là Indonesia trước đó mấy ngày.

Vậy sao trước một trận thi đấu không có gì để nói, trước một ông thầy ngoại Tavares đã không dự buổi họp báo sau trận đấu theo một nghi thức văn hóa tối thiểu rồi "lặn không sủi tăm" ra đi không kèn không trống; và vì sao trong nỗi uất ức trước một lối chơi cũng không có gì để nói của đội tuyển vừa tập huấn từ nước ngoài trở về... hàng vạn người hâm mộ vẫn đến SVĐ quốc gia Mỹ Đình trong một chiều rét mướt, để hò hét đến khản giọng, cống hiến đến phút cuối cùng tình yêu của mình trong sự hoà quyện của niềm vui và nỗi buồn cho đội tuyển?

Ngẫm thấy một điều, không ở đâu mọi thứ được phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật như bóng đá sân cỏ. Người ta từng nhìn thấy những giọt mồ hôi cuối cùng trong những nỗ lực đến kiệt sức của các cầu thủ, tiếc thay nỗ lực ấy đã không được đền đáp khi đặt trong một đấu pháp dở. Dẫu đau đớn vì đội tuyển thất bại, niềm hy vọng bị tổn thương, nhưng ai cũng thấy thương thương những cầu thủ của mình. Suy cho cùng, có lẽ họ là những người chịu nhiều đau khổ nhất, chịu nhiều áp lực nặng nề nhất. Họ cũng như người lính, ra trận là khát khao chiến thắng. Nhưng chỉ một phút sa cơ, người lính có lỗi nhưng không thể là người gánh chịu lỗi lầm lớn nhất...

Phải chăng đây là suy nghĩ chung của nhiều khán giả. Vì thế, họ sẵn sàng hoá giải nỗi giận hờn, ấm ức để siết chặt đội ngũ tạo nên sức mạnh cho đội tuyển tựa vịn. Vì một ngày mai, đúng thế, vì một ngày mai tươi sáng hơn. Thật cảm động làm sao khi hàng trăm người hâm mộ đã vây kín xe chở các cầu thủ sau trận đấu Việt Nam - Lào để xin chữ ký... Chứng kiến hình ảnh ấy, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Mai Liêm Trực đã xúc động nói: "Xin cảm ơn người hâm mộ luôn đứng bên đội tuyển. Chúng tôi sẽ phấn đấu để xứng đáng với niềm tin ấy".

Không có môn thể thao nào như bóng đá đã thể hiện toàn diện và sinh động nhất sức mạnh, ý chí, tài hoa và những nét văn hoá mang tính bản sắc của truyền thống dân tộc. Với tâm cảm "Hết mưa là nắng hửng lên thôi" và "Ngày mai bắt đầu từ hôm nay", hãy xứng đáng với tình cảm, tình yêu và lòng nhân văn của người hâm mộ cả nước, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hãy làm một việc gì mang tính chất đột phá nhằm đưa bóng đá nước nhà lên đỉnh cao mới. Chúng ta hoàn toàn có đủ trí lực và điều kiện để làm được việc đó trong một ngày không xa.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh khiến bao người nao nao xúc động: Những con sóng đỏ do những dòng người tạo nên trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình với tiếng hô vang: "Việt Nam! Việt Nam" trong những ngày đội tuyển U-23 Việt Nam thi đấu tại SEA Games 22. Khi cậu con trai nhỏ tuổi hỏi: "Bố ơi, con sóng đỏ ấy là gì?", nhà báo Nguyễn Lưu trả lời: "Con ơi! Đấy là Tổ quốc!"

Hồng Thái
.
.
.