Phim tài liệu "Từ trái tim đến trái tim":

Hành trình phanh phui sự thật về "địa ngục trần gian" Côn Đảo

Thứ Bảy, 20/09/2014, 20:45
Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) cho biết, phim tài liệu "Từ trái tim đến trái tim" được triển khai sản xuất, phát sóng năm 2014.

Bắt đầu bằng hình ảnh ngôi nhà tưởng niệm tổng thống  Abraham Lincoln, một trong ba vị tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ, người đã xây dựng sự nghiệp chính trị trung thành với bản Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ. 100 năm sau đó, nước Mỹ bị chia rẽ bởi chiến tranh Việt Nam nhưng những nguyên tắc nhân quyền của thời lập quốc vẫn sống trong những công dân Hiệp chủng quốc như Luther King, Morisson. Jane Fonda... và trong  Tom Harkin, Don Luce – hai nhân vật chính của bộ phim  "Từ trái tim đến trái tim". Họ có một niềm xác tín mạnh mẽ rằng đã là con người thì dù đứng bên kia chiến tuyến cũng phải được bảo đảm những quyền cơ bản nhất. Những gì họ đã làm theo mệnh lệnh của trái tim đã khiến hình ảnh họ được lưu giữ trong nhiều trái tim.

Một trong số các chuồng cọp Côn Đảo.

Ngày 5/7/2010, hai vị khách đặc biệt người Mỹ đến thăm Côn Đảo: Tom Harkin - thượng nghị sĩ Thượng viện Hoa Kỳ, còn người kia là nhà báo Don Luce. Cùng đi là một số cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại đây. Họ trở lại hòn đảo này đúng 40 năm sau ngày cùng nhau phanh phui một bí mật khủng khiếp mà khi đưa ra ánh sáng, nó không chỉ ảnh hưởng đến phần đời còn lại của họ mà còn góp phần thay đổi cục diện cuộc chiến: hệ thống “nhà tù trong nhà tù” có tên “chuồng cọp” do người Pháp xây dựng năm 1940. Đây là khu trại giam được giấu kín với các chuồng nhốt người vô cùng chật hẹp, nơi người tù ăn, ngủ, tiểu tiện chung một chỗ, bên trên là lối đi dành cho cai ngục để theo dõi tù nhân. Ngoài những tên cai ngục, không ai được biết về bí mật của khu chuồng cọp. Những tù nhân được đưa vào đó không mấy ai có cơ may sống sót trở về. Vì thế trong suốt một thời gian dài, thế giới bên ngoài chỉ nghe đồn về nhà ngục kiểu trung cổ này chứ chưa ai đưa ra được bằng chứng cho sự tồn tại của nó... Trong số những nhân vật có mặt trong ảnh do Tom Harkin và Don Luce chụp được tại nhà giam chuồng cọp Côn Đảo phải kể đến Bà Nguyễn Thị Chỉ ( Sáu Mù) nhà sư Thích Hành Tuệ , Ông Đào Duy Nghệ… Khi các hình ảnh này đăng lên các tờ báo lớn ở Mỹ và trên các kênh truyền hình đã  làm chấn động thế giới. Tom phải ra điều trần trước Quốc hội và bị đuổi vì tội “phản bội” cùng với lời đe dọa “sẽ không bao giờ tìm lại được công việc ở đây”. Thế nhưng năm 1974, Tom Harkin đường hoàng trở lại Quốc hội với tư cách nghị sĩ.

Đoàn nghị sĩ Mỹ trở lại thăm Côn Đảo năm 2010 được trưng bày phòng trưng bày khu du tích chuồng cọp Côn Đảo.

20 năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, Thượng nghị sĩ Tom Harkin và nhà báo Don Luce đã trở lại Việt Nam, đã gặp lại bà Nguyễn Thị Chỉ ( Sáu mù) ông Cao Nguyên Lợi , ông Đào Duy Nghệ…Nhưng tu sĩ  Thích Hành Tuệ thì đã không còn cơ hội gặp lại những người Mỹ tại trại giam chuồng cọp năm 1970, ông mất tại nhà tù Côn Đảo năm 1972. Má sáu mù cũng đã mất năm 2011... Nhưng với Việt Nam, Tom Harkin không chỉ có kỷ niệm về vụ chuồng cọp Côn Đảo. Năm 1995, ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Thượng nghị sĩ Tom Harkin đã có mặt tại Hà Nội. Năm 2010, một trong những lý do ông viếng thăm Việt Nam là đánh giá mức độ nhiễm chất độc dioxin và xem có thể làm gì để giúp đỡ những nạn nhân da cam. Với Don Luce, năm 1971, ông đã viết trên một tờ báo : “Tôi tin hoà bình chỉ đến cho Đông Dương khi tất cả chúng tôi - những người nước ngoài - ra đi. Tôi sẽ không trở lại cho đến khi Việt Nam thật sự độc lập…”. Tất cả được chuyển tải qua bộ phim tư liệu "Từ trái tim đến trái tim".

"Từ trái tim đến trái tim" bao gồm 3 tập. Phim do nhà báo Nguyễn Quý Hòa, Tổng giám đốc HVT chỉ đạo nội dung, NSƯT Lý Quang Trung, giám đốc hãng phim TFS chịu trách nhiệm nội dung, Trần Đức Tuấn, Cao Nguyên Lợi biên kịch, Nguyễn Hoàng đạo diễn, Hữu Lý và Huỳnh Lâm quay phim, Hữu Bảo viết lời bình

N.H.
.
.
.