Hà thành mở giải: Chữa bệnh hoài nhớ

Thứ Sáu, 04/08/2006, 08:30

Với những ai yêu và đau đáu một nỗi niềm về sự đi xuống của bóng đá Thủ đô thì việc Hà Nội đứng ra tổ chức một giải bóng đá quốc tế có một ý nghĩa thật bình dị và gần gũi: thắp lại ngọn lửa tình yêu bóng đá trong lòng khách mộ điệu túc cầu Hà thành.

Tháng 10 này, bóng đá Thủ đô mở sân chơi mới cho tuyển U.23+3 Quốc gia thi đấu với tuyển U.23+3 Malaysia và tuyển Thủ đô Bangkok: Giải bóng đá quốc tế Thủ đô - Capital Cup.

Với những nhà tổ chức, việc mở giải này mang thật nhiều ý nghĩa quan trọng và... long trọng như chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, quảng bá hình ảnh Hà Nội ngàn năm văn hiến v.v...

Nhưng với những ai yêu và đau đáu một nỗi niềm về sự đi xuống của bóng đá Thủ đô thì việc Hà Nội đứng ra tổ chức một giải bóng đá quốc tế có một ý nghĩa không kém phần quan trọng, nhưng bình dị và gần gũi hơn rất nhiều: thắp lại ngọn lửa tình yêu bóng đá trong lòng khách mộ điệu túc cầu Hà thành.

Ngọn lửa bóng đá của người Hà Nội từng cháy sáng trong những năm tháng đạn bom, khói lửa trên các sân bóng. Ngọn lửa bóng đá của người Hà Nội đã từng vượt qua những khốn khó vật chất của một thời bao cấp. Nó giúp người ta sẵn sàng đánh đổi những thứ giá trị như đồng hồ, xe đạp để có được tấm vé vào cửa sân Hàng Đẫy. Ngọn lửa bóng đá mà những bậc cha chú mỗi khi nhớ lại cái thời hoàng kim chưa xa vẫn thấy long lanh ánh mắt, thấy tim đập nhanh hơn và máu chảy rừng rực trong huyết quản.

Đau đớn thay, ngọn lửa bóng đá của người Hà Nội hôm nay lại đang ngày một nguội lạnh. Ở thời hiện tại, xét về số lượng, thì bóng đá Thủ đô tương đối có vai vế trên bản đồ V.League khi đóng góp tới 2 đội bóng ở sân chơi đỉnh cao này. Thế nhưng, xét về chất lượng, thì hai đại biểu Hòa Phát.Hà Nội và Hà Nội.ACB không được xếp vào hàng ngũ "đại gia". Trong mấy mùa giải vừa qua, hai đội bóng này luôn chỉ lẹt đẹt trong cuộc chơi của những người lo trụ hạng. Lối chơi mang bản sắc bóng đá Hà Nội cũng nhạt nhòa dần với sự xuất hiện của những "lính đánh thuê" tứ xứ.

Kéo theo đó, niềm đam mê bóng đá của người Hà Nội bị "bòn rút".

Kéo theo đó, nhưng khán đài sân Hàng Đẫy cũng mất dần khách mộ điệu. Thậm chí, ngay cả khi chủ sân mở cửa tự do thì trống vắng vẫn cứ hoài trống vắng. Giờ thì những người tổ chức muốn thắp lại ngọn lửa tình yêu bóng đá Hà Nội vốn bị nguội lạnh bởi diện mạo nhạt nhòa của những Hòa Phát, ACB qua cái sân chơi ở cấp độ quốc tế, với sự góp mặt của đội tuyển quốc gia và phần thưởng bằng... tiền đô. Vậy nhưng chẳng phải chỉ có giới mộ điệu Thủ đô mới âu sầu. Hãy nhìn sân khấu bóng đá TP Hồ Chí Minh, còn eo sèo ủ dột hơn bao nhiêu!

Một thời Cảng SG oanh liệt, Công an TP Hồ Chí Minh rắn mặt, Hải quan ghê gớm, vậy mà nay thì đội mất phiên hiệu, đội thì xuống hạng, thậm chí còn tệ hơn là giải tán! Thép mà thân mềm như bún, Ngân hàng mà lo chạy tiền chạy thuốc trọng tài. Thật ngao ngán thay!

Rồi cái nôi chảo lửa sân Vinh, một thời lừng lẫy, xem bóng đá mà như đi hội, mạnh đến mức "sóng sông Lam chảy trong lòng đội tuyển"! Nay thì lớp còn ngồi trong "ấp", lớp tại ngoại chờ hầu tra, thật cám cảnh khi lên voi lúc xuống... ngựa!

Rồi bóng đá ĐBSCL, với Đồng Tháp một thời cũng oai danh nào kém ai, vậy mà bỗng chốc biến mất hút trên bản đồ V.League, nay mới loi ngoi trở lại rồi lại vật vã lo cho mục tiêu trụ hạng! Cho nên Hà thành mở giải lần này, ngoài những ý nghĩa kỷ niệm này nọ, cái ý nghĩa lớn nhất vẫn là để "chữa" căn bệnh hoài nhớ đấy thôi! Hy vọng sẽ dứt bệnh! Muộn nhưng còn hơn không. Hy vọng tâm ý của những người mở giải sẽ không bị hoài phí bởi tình yêu đã vỗ cánh bay xa

Bảo Quyên
.
.
.