Hà Nội nên và cần bảo vệ cụm di chỉ ở làng Lai Xá

Thứ Năm, 21/01/2010, 21:45
Sau khi đoàn khảo sát thực địa, đánh giá sơ bộ quy mô cụm di chỉ khảo cổ thôn Lai Xá, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với các nhà khảo cổ học.

Sau khi Báo CAND có bài "Hãy cứu lấy di chỉ Vườn Chuối sắp bị xóa sổ", chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi.

Chiều 20/1, đoàn khảo cổ học do PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư kí Hội Khảo cổ học Việt Nam và TS Nguyễn Giang Hải, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam dẫn đầu, đã tới khảo sát khu di chỉ khảo cổ Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Theo Ths Bùi Hữu Tiến, người đã có nhiều năm nghiên cứu về cụm di chỉ khảo cổ học làng Lai Xá: Đây là cụm di tích thời kì tiền sơ sử, khoảng 3.500 năm đến 2.000 năm cách nay; gồm gò Vườn Chuối, gò Cây Muỗm, gò Chùa Do (nay là khu vực nghĩa trang thôn Lai Xá), gò Dền Rắn, gò Mỏ Phượng, gò Chiền Vậy (đã bị xóa sổ). Trong số này, ngoài gò Vườn Chuối thì gò Mỏ Phượng có tầng văn hóa dày nhất tới 1,6m với rất nhiều hiện vật.

- PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Lân Cường, ông đánh giá thế nào về giá trị và ý nghĩa của khu di chỉ khảo cổ học Lai Xá này?

- PGS.TS Nguyễn Lân Cường: Tôi rất tiếc tôi biết việc cụm di chỉ khảo cổ này sắp bị xóa sổ khi đã khá muộn. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo cổ mấy chục năm qua của Viện Khảo cổ học và Đại học KHXH & NV Hà Nội, đây là nguồn tài nguyên tinh thần, tài nguyên văn hóa rất có giá trị mà TP Hà Nội nên và cần phải phải bảo tồn.

Cụm di chỉ ở Lai Xá phản ánh quá trình phát triển của cư dân Việt cổ về văn hóa, đời sống, sản xuất thời kì tiền sơ sử, văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun (giai đoạn tiền Đông Sơn, đồ đồng) cho đến văn hóa Đông Sơn (sơ kì thời đại đồ sắt). Cụm di tích như thế này là rất hiếm, kể cả sau khi Hà Nội đã được mở rộng; nó là tài nguyên văn hóa, tuy không làm ra tiền ngay nhưng rất có giá trị.

- PV: Vậy theo ông, chúng ta nên ứng xử như thế nào với cụm di tích này?

- PGS.TS Nguyễn Lân Cường: Đây là việc khó nhưng không phải là không thể làm. Chúng ta phải hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Cá nhân tôi cho rằng, bảo tồn không có nghĩa là ngăn cản dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch; song nhất thiết các nhà khảo cổ, các nhà khoa học phải được vào cuộc. Điều này cũng phù hợp với Luật Di sản Văn hóa; phải tiến hành khảo sát, khai quật nếu có di sản, trước khi tiến hành dự án.

Trong trường hợp này, chúng tôi đề nghị TP Hà Nội cho tiến hành khai quật, đánh giá tổng thể diện tích, quy mô, giá trị của cụm di chỉ Lai Xá. Những khu vực nào không có di tích, vẫn có thể thi công. Sau khi đánh giá, có thể điều chỉnh quy hoạch để bảo tồn trong lòng đất, còn bên trên vẫn là công viên, sân bóng... (những công trình không xâm hại tới lòng đất khu di tích).

- PV: Thưa TS Nguyễn Giang Hải, với chức năng của mình, Viện Khảo cổ học và Hội khảo cổ học Việt Nam sẽ làm gì để bảo tồn khu di chỉ khảo cổ Lai Xá?

- TS Nguyễn Giang Hải: Ngay ngày mai, chúng tôi sẽ có công văn đề nghị Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và UBND TP Hà Nội xem xét các biện pháp khẩn cấp để bảo tồn cụm di chỉ khảo cổ quan trọng bậc nhất này. Như PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã nói, đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, nếu mất đi thì không thể tái tạo được, trong khi than đá thì một triệu năm có thể tái tạo.

Cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Lân Cường và TS Nguyễn Giang Hải hoan nghênh và cảm ơn các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo CAND đã liên tiếp có thông tin phản ánh về giá trị cũng như thực trạng, nguy cơ xóa sổ di chỉ khảo cổ gò Vườn Chuối nói riêng và cụm di chỉ khảo cổ thôn Lai Xá nói chung. Hai nhà khảo cổ học mong muốn, các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đặc biệt là TP Hà Nội hãy khẩn trương có biện pháp bảo tồn khu di chỉ khảo cổ Lai Xá, như một việc làm thiết thực và ý nghĩa hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Duy Hiển - Phan Hoạt
.
.
.